Bảo đảm việc giải quyết kiến nghị của cử tri thực sự chất lượng, hiệu quả

Bảo đảm việc giải quyết kiến nghị của cử tri thực sự chất lượng, hiệu quả
3 giờ trướcBài gốc
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày tóm tắt Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024. Ảnh: Hồ Long
Số văn bản trả lời kiến nghị của cử tri chủ yếu mang tính cung cấp thông tin
Các đại biểu Quốc hội ghi nhận, việc giải quyết kiến nghị của cử tri ngày càng được Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền, các Bộ, ngành, quan tâm chú trọng, góp phần tạo niềm tin của cử tri và Nhân dân vào sự điều hành, quản lý của Nhà nước.
Khẳng định nỗ lực và tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong thực hiện trách nhiệm này, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, Quốc hội không ngừng đổi mới, nâng cao công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp Quốc hội. Điển hình là việc Quốc hội dành thời gian thảo luận về kết quả giám sát nội dung này và cử tri cũng rất hào hứng theo dõi.
Từ thực tiễn của Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, trong một kỳ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thường trả lời, phản hồi khoảng trên dưới 20 văn bản của khoảng trên dưới 10 bộ, ngành trả lời kiến nghị của cử tri. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cũng vẫn còn băn khoăn khi thực tế số lượng văn bản trả lời của các bộ, ngành Trung ương gửi đến địa phương mới chủ yếu để cung cấp thông tin, giải trình; số văn bản phản ánh việc giải quyết vấn đề lại rất ít.
ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Nêu dẫn chứng số liệu trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, có 2.112/2.160 kiến nghị được trả lời, tức là chiếm 97,7%, đây là con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, số văn bản nhằm cung cấp thông tin là 1.609 văn bản, chiếm 79%, còn số kiến nghị của cử tri được nghiên cứu, xem xét giải quyết chỉ được 151 ý kiến, chiếm 7,2%.
“Như vậy là không đáp ứng được mong muốn của cử tri, vì cử tri không chỉ cần sự trả lời, giải trình mà điều quan trọng là thay đổi thực tiễn và những vấn đề đang bức xúc như thế nào để giúp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Thực tiễn cho thấy, việc trả lời kiến nghị của cử tri giữa hai kỳ họp Quốc hội là rất khó do thời gian quá ngắn và quy trình trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri cũng cần đầy đủ các bước trình tự. Hơn nữa, nhiều vấn đề mà cử tri kiến nghị không phải từng bộ, ngành nào cũng có thể giải quyết được. Chia sẻ với khó khăn của các bộ, ngành trong thực hiện nhiệm vụ trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng đề nghị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu, bảo đảm công tác trả lời kiến nghị của cử tri thực sự chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức. Qua đó, góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, của bộ, ngành Trung ương, đáp ứng mong đợi của cử tri và Nhân dân.
Quy định rõ trách nhiệm xử lý vi phạm với cơ quan chậm trễ hoặc không thực hiện kiến nghị giám sát
Quan tâm đến kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhấn mạnh, giải quyết khiếu nại, tố cáo không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Thực tiễn hoạt động cũng cho thấy, công tác này là kênh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, củng cố lòng tin của Nhân dân vào các cơ quan dân cử.
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thẳng thắn nhận diện 8 hạn chế, bất cập, trong đó có 3 bất cập, hạn chế về việc thực hiện tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và 5 bất cập, hạn chế trong việc thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giải quyết trả lời của các cơ quan có thẩm quyền đối với đơn thư do các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội chuyển đến.
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Tuy nhiên, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, bên cạnh những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra trong các báo cáo, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn tồn tại một số bất cập khác. Đó là, quy trình phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chưa được quy định cụ thể dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ xử lý.
Trích dẫn báo cáo của Thanh tra Chính phủ, đại biểu Thạch Phước Bình nêu rõ, có tới 17% vụ việc kéo dài hơn 6 tháng mà không có kết quả. Một số cơ quan chưa thực sự coi trọng các văn bản giám sát, kiến nghị của các Đoàn Đại biểu Quốc hội dẫn đến tình trạng chưa giải quyết thiếu dứt điểm, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm, như đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng cho biết, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội chủ yếu thực hiện vai trò chuyển đơn thư và giám sát, không có quyền trực tiếp xử lý. Điều này gây khó khăn trong việc bảo đảm quyền lợi của cử tri và công dân. Theo Báo cáo của Ban Dân nguyện, có khoảng 30% đơn thư sau khi chuyển tiếp chưa được giải quyết hoặc trả lời không đúng hạn làm giảm hiệu quả xử lý.
Một tồn tại, hạn chế khác trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được đại biểu Thạch Phước Bình nêu ra là số lượng buổi tiếp công dân của Đoàn Đại biểu Quốc hội còn hạn chế, đặc biệt tại những khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Theo thống kê, có đến 60% khiếu nại từ người dân ở khu vực nông thôn và miền núi liên quan đến đất đai nhưng tỷ lệ tiếp dân trực tiếp tại những khu vực này chỉ đạt khoảng 35%. Một số vụ việc phức tạp chưa được tiếp nhận, giải quyết kịp thời dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
Mặt khác, quy trình chuyển đơn qua nhiều cấp và các cơ quan khác nhau làm kéo dài thời gian giải quyết, gây bức xúc trong dư luận. Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có khoảng 25% số đơn thư khiếu nại chuyển tiếp qua nhiều cơ quan nhưng không được giải quyết dứt điểm, đặc biệt là trong các lĩnh vực đất đai, chính sách xã hội.
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng cho rằng, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được công khai đầy đủ, gây khó khăn cho người dân trong việc theo dõi tiến độ và đánh giá chất lượng xử lý. Nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm nhưng kết quả không được thông báo rõ ràng, tạo cảm giác thiếu trách nhiệm trong cử tri.
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định rõ ràng về cơ chế phối hợp giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội với các cơ quan hành pháp, tư pháp trong việc tiếp nhận, xử lý và giám sát khiếu nại, tố cáo; xây dựng quy trình chuẩn trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý và giám sát các vụ việc khiếu nại, tố cáo, bảo đảm trách nhiệm và thời hạn cụ thể cho từng cơ quan.
Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị, sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo nhằm tăng cường quyền giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, đặc biệt trong các vụ việc phức tạp.
Cụ thể, cần quy định rõ trách nhiệm xử lý vi phạm đối với các cơ quan chậm trễ, né tránh hoặc không thực hiện kiến nghị giám sát. Xem xét bổ sung vào Điều 30 về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Điều 31 về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trong sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế Tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội theo Nghị quyết số 334 nội dung là Ban Dân nguyện giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát công tác tiếp công dân; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Đồng thời, nghiên cứu, xem xét, thống nhất thành lập Phòng Thông tin dân nguyện tại tất cả các Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh theo Nghị quyết số 1004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm thống nhất công tác này tại Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương trên cả nước.
Nhật An
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/bao-dam-viec-giai-quyet-kien-nghi-cua-cu-tri-thuc-su-chat-luong-hieu-qua-post397526.html