Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng
Bổ sung quy định tiếp tục mời người bào chữa sau chấm dứt chỉ định người bào chữa
Đa số ĐBQH tán thành với việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và khắc phục bất cập, xử lý một số vấn đề cấp bách, phát sinh trong thực tiễn tiến hành tố tụng hình sự thời gian qua.
ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) tán thành việc bổ sung những nội dung liên quan tới việc điều tra, truy tố và xét xử đối với những bị can, bị cáo mà khi phát hiện vụ án, không còn ở Việt Nam nữa, có nghĩa đang trốn, đang bị truy nã, chưa có kết quả. Như vậy, đây là những nội dung bổ sung cần thiết để thực hiện quy trình tố tụng vừa bảo đảm xét xử, điều tra, truy tố không lọt người, không lọt tội.
ĐBQH Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
Về từ chối người bào chữa quy định khoản 3, Điều 77 có nêu ''trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa”.
ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, như vậy trường hợp người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội từ chối người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng lập biên bản về việc từ chối người bào chữa và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa.
ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn vì trên thực tế khi đã chấm dứt chỉ định người bào chữa, sau đó người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội lại muốn mời luật sư bào chữa thì gặp một số khó khăn khiến cho người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội không mời luật sư nữa. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo.
Do đó, đại biểu đề nghị, sửa khoản 3 Điều 77 như sau: "Trường hợp từ chối người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, lập biên bản về việc từ chối người bào chữa của người bị buộc tội hoặc người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 của bộ luật này và chấm dứt việc chỉ định người bào chữa. Việc chấm dứt chỉ định người bào chữa không làm mất đi quyền được tiếp tục mời người bào chữa của bị can, bị cáo".
Quy định liên quan dẫn độ, bắt người khi chưa có yêu cầu chính thức trong Luật Dẫn độ
Về bổ sung quy định bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ theo yêu cầu của nước ngoài khi chưa có yêu cầu dẫn độ chính thức vào các Điều 113, Điều 119 về bắt khẩn cấp, tạm giam và vào các điều khoản khác của Bộ luật Tố tụng hình sự, ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) tán thành với việc cần có quy định để thực hiện các biện pháp ngăn chặn.
ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, không thể bổ sung quy định này vào trình tự, thủ tục về bắt bị can, bị cáo và tạm giam của Bộ luật Tố tụng hình sự. Bởi, đây là luật hình thức, quy định về trình tự, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự. Đây là các tội phạm phải được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam hoặc nếu thực hiện ở lãnh thổ nước ngoài, người phạm tội phải là công dân Việt Nam hoặc người phạm tội là người nước ngoài thì phải xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước Việt Nam, của công dân Việt Nam.
Việc dẫn độ không phải là hoạt động tố tụng, không phải là hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm được quy định tại Bộ luật Hình sự và đây là việc làm hộ, làm giúp nước ngoài theo điều ước quốc tế.
Do đó, bổ sung các nội dung về dẫn độ vào trình tự, thủ tục bắt tạm giam bị can, bị cáo của Bộ luật Tố tụng hình sự là không phù hợp và trái với mục đích, yêu cầu của biện pháp ngăn chặn của Bộ luật Tố tụng hình sự được quy định tại Điều 109, đó là nhằm phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mà thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam.
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng
Bên cạnh đó, việc bắt người bị dẫn độ khi chưa có yêu cầu chính thức là trường hợp bắt người rất đặc thù theo yêu cầu của điều ước quốc tế, trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Do đó, cũng không thể quy định chung trong trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thông thường của nước ta.
Ngoài ra, đây là một vấn đề rất khó, phức tạp, liên quan tới quyền con người. Trong khi đó, việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay là sửa theo trình tự, thủ tục rút gọn, phục vụ cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy và khắc phục một số hạn chế, bất cập, theo chủ trương của Đảng.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, việc bắt người khẩn cấp theo yêu cầu để dẫn độ khi chưa có yêu cầu dẫn độ chính thức không phải là một vấn đề mới mà đã được quy định trong các điều ước quốc tế song phương.
Do đó, đề nghị quy định những vấn đề liên quan tới dẫn độ, bắt người khi chưa có yêu cầu chính thức trong Luật Dẫn độ.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao khẩn trương phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, các cơ quan có liên quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của ĐBQH để hoàn chỉnh dự án Luật với chất lượng cao nhất, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
N. Thành