Nhiều điểm tiến bộ nổi bật
Sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này, một trong những quy định chính quyền địa phương dành sự quan tâm lớn, đó là việc phân cấp. Phân cấp không phải là việc mới bởi trong Luật hiện hành đã dành Điều 13 với 4 khoản để quy định. Đến dự thảo lần này, phân cấp được quy định tại Điều 14 với 6 khoản. Điều này cho thấy sự quan tâm của ban soạn thảo đối với chế định luật đặc biệt quan trọng này, bởi lẽ nếu phân cấp cùng với phân quyền được đẩy mạnh sẽ đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Chính phủ và phát huy sự chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Ngược lại, phân cấp, phân quyền nếu tiến hành chậm chạp, lúng túng sẽ cản trở việc cải cách, tinh giản bộ máy hành chính nhà nước, trong khi đây là vấn đề được toàn xã hội hiện nay đang quan tâm và đẩy mạnh thực hiện.
Kỳ họp thứ 23 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Đồng Nai Khóa X. Ảnh: Hạnh Dung
Về bản chất, phân cấp quản lý là việc chính quyền cấp trên giao nhiệm vụ cho chính quyền cấp dưới và lãnh đạo chính quyền cấp dưới trên cơ sở bảo đảm sự phù hợp giữa chức năng, nhiệm vụ với năng lực và điều kiện thực tế của từng cấp nhằm tăng cường chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước.
Theo quan điểm cá nhân, quy định phân cấp trong dự thảo lần này có những điểm tiến bộ nổi bật. Trước hết, đó là việc khắc phục tình trạng chỉ phân cấp một chiều “từ trên xuống” để bổ sung một chiều “từ dưới lên”, điều này tạo sự chủ động cần thiết cho các cấp địa phương. Vấn đề này quy định tại hai khoản, đó là Khoản 4 về cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân cấp có quyền tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản phân cấp, đề nghị cơ quan phân cấp điều chỉnh nội dung phân cấp. Khoản 5 UBND cấp tỉnh được chủ động đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phân cấp cho cơ quan, tổ chức ở địa phương được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương; đồng thời, UBND cấp huyện, cơ quan, tổ chức khác ở địa phương cũng có quyền tương tự UBND cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, thêm một quy định mới tại Khoản 6 để xử lý trường hợp phân cấp dẫn đến cần thay đổi thủ tục hành chính quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Đây là những điểm mới nhận được sự đồng thuận cao của đối tượng được lấy ý kiến.
Quy định những vấn đề khung trình HĐND cùng cấp
Phân cấp trong quản lý nhà nước được hiểu là việc sắp xếp nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương trong thực hiện quyền quản lý nhà nước trong một lĩnh vực cụ thể. Bản chất của phân cấp là việc cơ quan cấp trên chuyển giao những nhiệm vụ, quyền hạn do mình nắm giữ cho cấp dưới thực hiện một cách thường xuyên, liên tục; cấp trên hỗ trợ, cung cấp điều kiện và phương tiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện các quyền hạn được chuyển giao.
Thực tế hoạt động phân cấp trước đây có những bất cập, đơn cử như công tác quản lý cán bộ, công chức, mặc dù chính quyền tổ chức theo ba cấp nhưng pháp luật quy định về quyền tự chủ của chính quyền địa phương các cấp còn hạn chế, thể hiện thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức hành chính chủ yếu tập trung ở cấp tỉnh; cấp huyện thì mờ nhạt, còn cấp xã hầu như không có thẩm quyền. Đất đai, một lĩnh vực luôn “nóng” và liên quan trực tiếp đến người dân nhưng một số nội dung tuy đã phân cấp cho cấp dưới, sau một thời gian ngắn thực hiện thì cấp trên lại thu về như việc đăng ký quyền sử dụng đất (giao cho các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên Môi trường cấp huyện nhưng sau đó lại chuyển lên cấp tỉnh).
Năm 2022, Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10.1.2022 của Chính phủ ra đời quy định về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Nghị quyết nêu: căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành và quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phân cấp trong quản lý nhà nước tại Nghị quyết này, UBND cấp tỉnh xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp đối với HĐND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi ban hành Quyết định và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua theo dõi nhận thấy quy định này vẫn chưa được thực hiện rốt ráo và cần được giải quyết tại Luật sửa đổi lần này.
Việc ban hành văn bản phân cấp trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi lần này quy định rõ tại Khoản 2: “phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan phân cấp. Cơ quan phân cấp có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn phân cấp, trừ trường hợp cơ quan, tổ chức được phân cấp có đề nghị và cam kết về việc tự bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp”.
Như vậy, dù có những ưu điểm như phân tích ở trên nhưng nếu việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật sẽ có những khó khăn. Bởi lẽ, quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ mất khoảng hơn một trăm ngày, trong khi đó Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (kể cả luật sửa đổi hiện nay) không quy định đây là trường hợp ban hành theo thủ tục rút gọn. Như vậy, khi cần phân cấp một nội dung nào đó sẽ không kịp thời.
Thiết nghĩ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi nên quy định theo hướng của Nghị quyết số 04/NQ-CP. Theo đó, UBND cấp tỉnh, cấp huyện sẽ xây dựng Đề án phân cấp để quy định những vấn đề khung trình HĐND cùng cấp xem xét, thông qua. Nội dung phân cấp cụ thể sẽ giao cho UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định, như vậy sẽ bảo đảm yếu tố kịp thời, linh động trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính như hiện nay.