Nếu như vào năm 2019, có những ngày chỉ số ô nhiễm bụi mịn của Hà Nội đứng thứ hai Đông Nam Á, thì sau 5 năm, vào tháng 9, 10/2024, Hà Nội có nhiều ngày ô nhiễm ở mức cao của thế giới, chỉ số AQI nhiều ngày ở mức đỏ, cá biệt có ngày ở mức tím. Có những thời điểm, ô nhiễm không khí Hà Nội đứng đầu thế giới.
Điển hình như ngày 8/12 vừa qua, ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên thế giới IQAir đã xếp TP Hà Nội là địa phương có chỉ số ô nhiễm không khí đứng đầu (AQI trung bình 200 đơn vị). Chỉ số bụi mịn PM2.5 cũng cao gấp 30 lần giá trị, theo hướng dẫn về chất lượng không khí hằng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Trước đó ngày 29/11,
Hà Nội cũng được IQAir xếp vào vị trí ô nhiễm thứ hai thế giới và theo chiều hướng ngày càng tệ. Mức độ nguy hiểm của bụi mịn với sức khỏe con người cũng đã được các chuyên gia y tế cảnh báo rất nhiều trong những năm qua. Một trong những mối nguy hại lớn nhất mà bụi mịn có thể mang lại đó chính là nhờ kích thước siêu nhỏ, chúng có thể đi vào đường hô hấp khi con người hít thở, từ đó có thể luồn lách vào các túi phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu, ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người. Đặc biệt, khi những hạt bụi mịn khi xâm nhập vào cơ thể có thể làm giảm chức năng của phổi, viêm phế quản mãn tính, gây nên bệnh hen suyễn và ung thư phổi.
Ngoài ra, bụi mịn cũng là nguyên nhân gây nhiễm độc máu, máu khó đông khiến hệ tuần hoàn bị ảnh hưởng, làm suy nhược hệ thần kinh điều khiển hoạt động của cơ tim gây ra các bệnh tim mạch. Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai khi hít phải có thể khiến thai nhi chậm phát triển. Trẻ sinh ra bị ít cân, nhiều khả năng bị suy nhược thần kinh và tự kỷ.
Nguy hiểm là thế nhưng trong suốt 5 năm qua, kể từ khi được cảnh báo ở Việt Nam, bụi mịn vẫn đang là mối nguy hại tiềm tàng cho môi trường và sức khỏe con người. Nguyên nhân là những giải pháp ngăn chặn nguồn phát thải ô nhiễm không khí mà chúng ta triển khai trong thời gian qua vẫn chưa thể hoặc chưa phát huy hết hiệu quả như kỳ vọng. Các chuyên gia đã chỉ rõ, nguồn sinh ra bụi mịn PM2.5 ở các đô thị lớn hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường sá và nhà máy công nghiệp. Trong số này, nguồn phát thải từ phương tiện giao thông chiếm tỷ trọng cao nhất. Hà Nội đang khoảng 6,5 triệu xe máy và hơn 1 triệu ô tô.
Trong đó, xe máy được coi là thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường không khí. Xe máy đang chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, 65% NMVOC và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi. Riêng nguồn phát thải bụi siêu mịn, xe gắn máy cũng chiếm khoảng 31%. Trong đó có hàng triệu xe máy lưu thông đã “quá đát”, không thực hiện các chế độ bảo hành, bảo dưỡng. Trước “báo động đỏ” từ ô nhiễm bụi mịn, các giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí trong thời gian tới sẽ phải tiếp tục được triển khai, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và triệt để hơn.
Đặc biệt, việc kiểm soát khí thải phương tiện giao thông với bước đi tiên phong là khí thải xe máy. Siết chặt đăng kiểm nhằm loại bỏ triệt để các phương tiện giao thông không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải; hạn chế xe xăng rồi tiến tới cấm hoàn toàn xe máy ở nội đô; thay thế phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo… tất cả các giải pháp đó đều cần được thực hiện đồng bộ, cùng lúc thì mới có thể "cứu" được bầu không khí của chúng ta khỏi mối đe dọa mang tên bụi mịn, trong thời gian sớm nhất.
Nguyễn Quý