Điểm tập kết cát của Công ty TNHH Khoáng sản và Tổng hợp Đoàn Hân không đúng quy định, gần ngay tỉnh lộ ĐT642 và khu dân cư. Ảnh: TTXVN phát
UBND tỉnh Phú Yên (cũ), nay là tỉnh Đắk Lắk chỉ cho phép Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoáng sản và Tổng hợp Đoàn Hân khai thác khoáng sản là cát làm vật liệu xây dựng từ mỏ, rồi sử dụng xe cơ giới chở đến công trình thi công. Thế nhưng, doanh nghiệp này đã tập kết cát tại nhiều điểm dọc tuyến tỉnh lộ ĐT642 (xã Đồng Xuân – xã Xuân Thọ) rồi mới đưa đi tiêu thụ. Việc này không chỉ vi phạm quy định về quản lý khoáng sản mà còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.
Mỏ cát của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoáng sản và Tổng hợp Đoàn Hân được UBND tỉnh Phú Yên (cũ) cấp phép hoạt động vào tháng 2/2025. Địa điểm tại thôn Tân Long, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân (nay là xã Đồng Xuân, tỉnh Đắk Lắk). Mỏ cát này có diện tích khai thác 13,7 ha; trữ lượng khai thác 453.790 m³ cát nguyên khai; công suất khai thác 100.000 m³ cát nguyên khai/năm. Thời gian doanh nghiệp được phép khai thác cát từ mỏ này là 4 năm 9 tháng, kể từ ngày ký giấy phép.
Cát sau khi khai thác được Công ty TNHH Khoáng sản và Tổng hợp Đoàn Hân tập kết thành bãi rồi mới vận chuyển đi tiêu thụ. Ảnh: TTXVN phát
Giấy phép khai thác của UBND tỉnh cấp cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoáng sản và Tổng hợp Đoàn Hân ghi rõ: “Khai thác lộ thiên, dùng các phương tiện xe cơ giới để bốc, xúc trực tiếp lên phương tiện vận chuyển đến công trình thi công”. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân địa phương và ghi nhận thực tế của phóng viên TTXVN, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khoáng sản và Tổng hợp Đoàn Hân đã tập kết cát tại 4 điểm thuộc tuyến tỉnh lộ ĐT642 (xã Đồng Xuân – xã Xuân Thọ). Các điểm tập kết này sát lề đường, không có biển báo. Xe tải, xe container lấy cát từ điểm tập kết rồi mới vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Một người dân sống gần tỉnh lộ ĐT642 (xin được giấu tên) cho biết: Tình trạng xe chở cát chạy liên tục đã được các hộ dân phản ánh đến chính quyền địa phương nhờ can thiệp. Gần đây, xe vận chuyển cát đã chạy theo giờ – vào buổi sáng và buổi chiều. Chủ mỏ cát cũng hỗ trợ cho các hộ gia đình sống xung quanh khu vực này một phần kinh phí từ 500.000 – 900.000 đồng/tháng, tùy thuộc vào khoảng cách gần hay xa, để khắc phục tình trạng bụi vào nhà... Ông Lê Văn Quyết, Giám đốc Công ty Trách nhiêm hữu hạn Khoáng sản và Tổng hợp Đoàn Hân thừa nhận: Doanh nghiệp tập kết vật liệu xây dựng tại nhiều vị trí dọc tuyến tỉnh lộ là sai quy định. Phía doanh nghiệp cam kết chấm dứt ngay hoạt động của các bãi tập kết không phép, di dời toàn bộ cát về đúng vị trí được cấp phép.
Điểm tập kết cát của Công ty TNHH Khoáng sản và Tổng hợp Đoàn Hân không đúng quy định, gần ngay tỉnh lộ ĐT642. Ảnh: TTXVN phát
Trực tiếp làm việc và trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Xuân, khẳng định, các điểm tập kết này đều chưa được cấp phép, vi phạm các quy định về quản lý tài nguyên. Mặc dù chính quyền địa phương cấp xã mới tiếp nhận nhiệm vụ quản lý, nhưng sẽ cương quyết yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ ngay các bãi tập kết cát dọc tuyến ĐT642.
Để đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật về khai thác khoáng sản, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đang yêu cầu các đơn vị chuyên môn rà soát tổng thể các điểm tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn, nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác, vận chuyển và tập kết cát không đúng quy định.
Xuân Triệu/vnanet.vn