Báo động nhiều trẻ nhập viện do ngộ độc thuốc diệt chuột

Báo động nhiều trẻ nhập viện do ngộ độc thuốc diệt chuột
8 giờ trướcBài gốc
Nhiều học sinh nghi ngộ độc thuốc diệt chuột
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, khoảng 17 giờ ngày 21/1 và rạng sáng 22/1, đơn vị tiếp nhận khám và điều trị cho 5 học sinh Trường Tiểu học Phú Lâm (TP Tuyên Quang) có triệu chứng mệt, buồn nôn, nôn nhiều ra dịch vàng, kèm đau bụng quanh rốn âm ỉ, có bệnh nhân có hiện tượng co giật…
Cũng trong thời gian này, đơn vị tiếp nhận thêm 28 bệnh nhân cũng là học sinh Trường Tiểu học Phú Lâm.
Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận nhiều trẻ ngộ độc thuốc diệt chuột.
Trước lo lắng của người nhà, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang chuyển 5 bệnh nhân về Bệnh viện Nhi T.Ư để theo dõi, xử trí kịp thời diễn biến bất thường có thể xảy ra.
Trước đó, chiều 21/1, các cháu nhặt được các ống có dung dịch màu hồng (nghi ngờ là thuốc diệt chuột), sau đó chia cho các bạn cùng uống. Sau uống đến sáng 22/1 có bệnh nhân biểu hiện buồn nôn, kèm đau bụng quanh rốn âm ỉ, mệt mỏi, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng.
Theo đề nghị của gia đình, bệnh viện chủ động liên hệ và chuyển 28 học sinh đến Bệnh viện Bạch Mai để khám, xét nghiệm tìm độc chất (nếu có).
Thông tin về các trường hợp này, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, Khoa Cấp cứu và Chống độc của đơn vị đã tiếp nhận và điều trị chùm ca bệnh 5 trẻ ngộ độc thuốc diệt chuột (độ tuổi từ 7 - 9 tuổi, ở Tuyên Quang). Các trẻ đều được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột fluoroacetat dựa trên lâm sàng và kết quả xét nghiệm độc chất. Trẻ được theo dõi sát và điều trị tích cực. Hiện sức khỏe các trẻ tiến triển tốt, tuy nhiên vẫn cần được các bác sĩ theo dõi sát đề phòng các biến chứng nguy hiểm.
Cũng trong thời gian qua, Khoa Cấp cứu và Chống độc đã liên tiếp tiếp nhận và điều trị 8 trẻ ngộ độc thuốc diệt chuột. Trong đó có hai bé trai (8 tuổi và 10 tuổi, ở Hòa Bình) đã ăn nhầm trứng gà được tiêm thuốc diệt chuột mà gia đình dùng để làm bẫy chuột.
Sau 3 - 4 giờ, cả hai cùng xuất hiện triệu chứng chóng mặt, buồn nôn và được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh khám sau đó các trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ xác định trẻ bị ngộ độc thuốc diệt chuột chứa thành phần Bromadiolone. Đây là một chất gây rối loạn đông máu kéo dài.
Một trường hợp khác là bé gái (3 tuổi, ở Hà Tĩnh) sau khi vô tình uống thuốc diệt chuột dạng ống do bà dùng để bẫy chuột, trẻ xuất hiện nôn nhiều nhưng vẫn tỉnh táo.
Nhiều trẻ ngộ độc thuốc diệt chuột điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Đến ngày thứ 3 sau uống, trẻ bắt đầu xuất hiện tình trạng suy giảm tri giác, co giật. Sau khi trẻ được sơ cứu tại Bệnh viện tỉnh, trẻ tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Nhi T.Ư điều trị. Trẻ vào viện trong tình trạng tổn thương thần kinh, co giật, kích thích, vận động bất thường…
Trên phim MRI có hình ảnh tổn thương não và xét nghiệm tìm thấy thuốc diệt chuột trong bệnh phẩm xét nghiệm. Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực và theo dõi chặt chẽ. Hiện tại sức khỏe bệnh nhi ổn định, đã được xuất viện.
Thận trọng với hóa chất diệt chuột
Theo bác sĩ Nguyễn Tân Hùng - Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư, thuốc diệt chuột có thành phần Natri Fluoroacetate khi ăn hay uống phải, người bệnh sẽ có thể có hiện tượng co giật, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, hôn mê, tổn thương hệ thần kinh, suy thận, suy gan… dẫn đến tử vong.
“Dù là thuốc cần được kiểm soát, nhưng hiện nay người dân có thể dễ dàng mua thuốc diệt chuột ở các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật thú y, trên mạng, các sàn thương mại điện tử… Đáng chú ý, Fluoroacetat là thuốc diệt chuột đã được cấm lưu hành nhiều năm nhưng lại được đóng gói dưới dạng thuốc diệt chuột được phép lưu hành hiện nay.
Việc mua bán một cách dễ dàng cũng như sử dụng không an toàn, không đúng mục đích, tràn lan rất dễ gây ra ngộ độc có thể vô ý, tự tử hoặc đầu độc” – bác sĩ Hùng cho hay.
Hình ảnh ống thuốc diệt chuột.
Đề cập đến vấn đề này, TS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trifluoroacetate/trifluoroacetamide (hóa chất diệt chuột Trung Quốc ở dạng ống nước màu hồng, màu nâu, ống nước không màu và hạt gạo hồng, cũng đã bị cấm cách đây hơn 20 năm), vài năm gần đây xuất hiện trở lại.
Loại hóa chất này gây rung thất (mức độ loạn nhịp tim chết người), viêm cơ tim, suy tim cấp tính, tổn thương não, co giật… và rất dễ tử vong. Việc mua bán hóa chất diệt chuột này cũng rất dễ dàng và phổ hiến hiện nay.
Do đó, TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, người dân cần thận trọng với các loại hóa chất diệt chuột và hậu quả ngộ độc hiện nay.
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý, để phòng tránh ngộ độc các hóa chất diệt chuột, người dân hạn chế diệt chuột bằng bả hay bằng thuốc diệt chuột. Khi mua hóa chất diệt chuột, người dân chỉ mua hóa chất diệt chuột ở quầy kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật hoặc cơ sở có đăng ký.
Khi sử dụng hóa chất diệt chuột, mỗi người sử dụng hóa chất diệt chuột (làm bả, đặt bả chuột) phải xa và cách biệt hẳn so với nơi ở, nơi ăn uống, đặc biệt xa thức ăn, nước uống, xa trẻ em. Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bị ngộ độc, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và sơ cứu kịp thời.
Thanh Bình
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/bao-dong-nhieu-tre-nhap-vien-do-ngo-doc-thuoc-diet-chuot.html