Báo động ô nhiễm bụi mịn: Việt Nam 'bắt tay' hành động tìm lại bầu trời xanh

Báo động ô nhiễm bụi mịn: Việt Nam 'bắt tay' hành động tìm lại bầu trời xanh
3 giờ trướcBài gốc
Nhức nhối ô nhiễm không khí ở Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Nhận định ô nhiễm không khí đang là một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam (đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế “hai con số” trong giai đoạn tới, Việt Nam cần phải chú trọng hơn tới công tác bảo vệ môi trường.
Vì vậy, thông qua Hội thảo khoa học quốc gia về kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam, diễn ra trong hai ngày, 24 và 25-4, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, các đối tác và cộng đồng, doanh nghiệp cần “bắt tay” hành động để giữ gìn bầu trời xanh, bảo vệ sức khỏe người dân và xây dựng một môi trường sống bền vững.
Nồng độ bụi mịn vượt xa quy chuẩn quốc gia
Chia sẻ thêm tại hội thảo, ông Thành cho biết số liệu quan trắc và chỉ số chất lượng môi trường không khí AQI tại các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên ở mức trung bình và có chiều hướng kém.
Thậm chí, giai đoạn gần đây, mức độ ô nhiễm tiếp tục gia tăng khi nồng độ bụi mịn PM2.5 tại hai thành phố này thường vượt so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và vượt nhiều so với khuyến cáo của WHO.
Đáng chú ý, theo ông Thành, trong những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ kéo dài theo mùa, mà còn lan rộng về mặt không gian, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tình hình phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của người dân.
Về nguyên nhân ô nhiễm không khí, ông Thành cho rằng ô nhiễm đến từ nhiều nguồn khác nhau, như: Phát thải từ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch; hoạt động xây dựng, cải tạo hạ tầng đô thị chưa được kiểm soát tốt; phát thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp; hoạt động đốt rơm rạ, chất thải và sinh khối ngoài trời.
Trong đó, tại Hà Nội, ông Thành cho biết ô nhiễm không khí thường gia tăng mạnh trong khoảng từ tháng Chín đến tháng Tư năm sau do yếu tố bất lợi của thời tiết, hiện tượng nghịch nhiệt, lặng gió, ít mưa. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân gây ô nhiễm chính là do mật độ giao thông cao và hoạt động công nghiệp.
Ô nhiễm không khí. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
“Ngoài ra, có một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng không khí, mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức, nhưng chúng tôi cũng đang thảo luận và đánh giá về phát thải của một số nguồn phát thải tự nhiên và xuyên biên giới như bụi từ các hoạt động nông nghiệp, cháy rừng, và khói bụi từ các nước xung quanh cũng lan truyền và góp phần làm gia tăng thêm tình trạng ô nhiễm,” ông Thành thông tin.
Cần sự hỗ trợ từ quốc tế
Trước tình hình ô nhiễm không khí có chiều hướng gia tăng, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường (đầu mối là Cục Môi trường) đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng nhiệm vụ, dự án kiểm kê phát thải tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam phục vụ cho công tác phân tích, đánh giá dữ liệu, xây dựng các mô hình hóa và kịch bản dự báo ô nhiễm không khí.
“Hiện tại chúng tôi đang chạy thử nghiệm mô hình dự báo chất lượng không khí trong 48 giờ tại Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc,” ông Thành nói.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đang hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí, với các mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2025 - 2030, với từng nhóm giải pháp (được nhận định là nguồn gây ô nhiễm không khí) như nguồn thải, giao thông, xây dựng…
Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực môi trường cũng đã chủ động các hoạt động hợp tác quốc tế và huy động nguồn lực; phối hợp với các tổ chức quốc tế như UNDP, ADB, Worldbank, UNEP, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn ở Việt Nam để triển khai các dự án thí điểm, phát triển mạng lưới trạm đo nhanh chất lượng không khí, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, giao thông xanh và huy động nguồn lực tài chính, kỹ thuật nhằm cải thiện chất lượng không khí.
“Dự kiến trong thời gian sắp tới, bộ sẽ có 2 đoàn công tác, trong đó có đoàn công tác cấp cao của Bộ trưởng về trao đổi kinh nghiệm, học tập Bắc Kinh trong cải thiện, kiểm soát, quản lý chất lượng không khí,” ông Thành cho biết.
Tuy vậy, để “cuộc chiến” chống ô nhiễm không khí hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành cũng kêu gọi các đối tác, tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, tri thức và nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác quản lý chất lượng không khí trong giai đoạn tới.
“Tôi hy vọng các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân sẽ tích cực tham gia vào các chương trình hành động, từ việc gìn giữ môi trường sạch sẽ xung quanh; gia tăng sử dụng phương tiện công cộng, giảm phát thải cá nhân đến triển khai, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến, tốt hơn trong sản xuất và xử lý khí thải, chất thải,” ông Thành nhấn mạnh.
Hướng tới cách tiếp cận đa phương, đa ngành
Nhấn mạnh không khí là sự sống, bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng việc giải quyết ô nhiễm không khí phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
Dẫn câu chuyện từ bản thân cách đây vài năm, bà Ramla Khalidi cho biết trong một chuyến tới vùng núi Beirut, bà đã chứng kiến cảnh tượng bản thân mình như thể bước vào một màn sương khói dày đặc bao trùm thành phố, trở thành một trong hàng triệu người nghẹt thở vì khói bụi.
“Hình ảnh đó vẫn còn in sâu trong tâm trí tôi. Và giờ đây, tôi không khỏi lo lắng về vấn đề ô nhiễm không khí; về những hệ lụy của nó đối với sức khỏe, sự phát triển kinh tế - xã hội,” bà Ramla Khalidi nói.
Tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi cho biết ô nhiễm không khí là một trong những chủ đề được bàn luận nhiều nhất tại Hà Nội.
Trước thực tế đó, từ đầu năm 2025 đến nay, Việt Nam đã ban hành nghị quyết kêu gọi các hành động cấp thiết về ô nhiễm không khí. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp cấp cao của Chính phủ để bàn về giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cũng đã xác định các nhiệm vụ then chốt cho ngành môi trường để củng cố công tác quản lý chất lượng không khí trong năm 2025. Trong tháng Ba vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng phái đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam cũng đã tới Hội nghị Toàn cầu về Ô nhiễm Không khí, tổ chức tại Colombia.
Đồng hành cùng những nỗ lực trên, trong thời gian qua, UNDP và WHO đã phối hợp xây dựng một gói hỗ trợ toàn diện để giúp các cơ quan quản lý từ cấp trung ương đến địa phương tăng cường năng lực quản trị và hệ thống dữ liệu phục vụ quản lý chất lượng không khí; giải quyết các tác nhân gây ô nhiễm và thúc đẩy sự tham gia của người dân.
“Ứng phó với ô nhiễm không khí có liên hệ chặt chẽ với các nỗ lực của chúng tôi trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh và Biến đổi khí hậu-Sức khỏe. Điều này thể hiện cam kết chung của chúng tôi trong việc đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước tác động của ô nhiễm không khí,” bà Ramla Khalidi nói.
Tuy vậy, đại diện UNDP tại Việt Nam cũng lưu ý ứng phó với ô nhiễm không khí đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc hơn cũng như củng cố vững chắc nền tảng bằng chứng khoa học, làm cơ sở cho cách chúng ta tiếp cận vấn đề này.
"Điều này đòi hỏi việc hoàn thiện công tác quan trắc và dự báo đồng thời củng cố dữ liệu thống kê về phát thải làm cơ sở để giải quyết các nguồn gây ô nhiễm chủ yếu," bà bà Ramla Khalidi chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo đại diện UNDP, Việt nam cũng cần có một cách tiếp cận đa phương, đa ngành, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ cũng như sự phối hợp hiệu quả giữa cấp trung ương, địa phương, và với các ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cơ quan truyền thông và các đối tác cộng đồng chủ chốt.
(Vietnam+)
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/90/171953/bao-dong-o-nhiem-bui-min-viet-nam-bat-tay-hanh-dong-tim-lai-bau-troi-xanh