Hơn 42.000 học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi
Tại hội thảo về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô do Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng (CHD) tổ chức, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông – Cục CSGT cho biết, qua 1 tháng thực hiện cao điểm xử lý vi phạm TTATGT liên quan học sinh, cho thấy, tình trạng vi phạm quy định pháp luật về TTATGT của lứa tuổi này ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
10 tháng đầu năm 2024, Công an TP Hà Nội phát hiện 116 vụ gây rối trật tự công cộng do các nhóm đối tượng thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển xe máy chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 84.971 trường hợp học sinh vi phạm TTATGT, tạm giữ 47.437 xe mô tô.
Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi xe dàn hàng ngang, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, đi xe mô tô khi chưa đủ điều kiện (không có giấy phép lái xe)… Trong đó, có tới 42.520 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện.
Công an các địa phương đã xử lý 17.253 trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, khởi tố 100 vụ, 110 bị can về hành vi giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Theo đại tá Nhật, thực trạng này rất đáng lo ngại, là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho TNGT trong học sinh tăng cao. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc đã xảy ra 1.147 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, làm chết 436 em, bị thương 1.222 em, so với 6 tháng đầu năm 2023 đã tăng 40 vụ (tăng 3,61%).
Tại Hà Nội, sau vụ nhóm "quái xế" gây tai nạn khiến cô gái dừng đèn đỏ tử vong, trong 2 ngày cuối tuần (9 - 10/11), các tổ công tác 141 gồm lực lượng công khai và hóa trang đã bắt giữ 57 đối tượng có hành vi chạy xe máy nẹt pô, lạng lách đánh võng trên đường, đi xe không biển số và không đội mũ bảo hiểm. Qua đó, tạm giữ 53 phương tiện các loại.
Theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2024, Công an TP Hà Nội cũng phát hiện 116 vụ gây rối trật tự công cộng do các nhóm đối tượng thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển xe máy chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, mang theo hung khí đuổi đánh nhau. Qua đó, đã xử lý 115 vụ, làm rõ 1.614 đối tượng.
Nhiều phụ huynh chỉ cần con đòi hỏi là sẵn sàng mua xe cho con sử dụng mà không cần quan tâm loại xe nào phù hợp, con sử dụng trên đường thế nào (ảnh minh họa).
Báo động thực trạng cha mẹ buông lỏng quản lý con
Đại tá Nhật cho biết, thời gian qua, lực lượng CSGT đã phối hợp cùng với lực lượng công an cơ sở, ngành giáo dục kiểm tra các bãi gửi xe của học sinh THPT, phát hiện nhiều trường hợp học sinh đi xe mô tô khi chưa có giấy phép lái xe.
"Lực lượng chức năng cũng xử lý cả hành vi giao xe của người lớn nhưng một thời gian, đâu lại vào đấy", đại tá Nhật lo ngại và cho biết, thực trạng vẫn còn một số phụ huynh buông lỏng quản lý đối với con em mình.
Quá trình mời phụ huynh lên làm việc để xử lý về hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển cho thấy nhiều phụ huynh chỉ cần con đòi hỏi là sẵn sàng mua xe cho con đi mà không cần quan tâm hay tính toán nên mua xe gắn máy hay xe mô tô cho con thì phù hợp.
Sự buông lỏng quản lý còn thể hiện ở việc, qua điều tra, phát hiện có những cháu dùng tiền tiết kiệm mua xe mô tô rồi giấu bố mẹ gửi xe ở gần nhà. Ngày các cháu vẫn đi học bình thường nhưng đến tối lại trèo cửa ban công ra khỏi nhà, tụ tập với bạn bè trên mạng.
"Lực lượng CSGT xử lý vi phạm giao thông của học sinh ngày hôm nay nhưng ngay ngày mai các em lại vi phạm như không có vấn đề gì bởi bố mẹ không quan tâm. Sự quan tâm của phụ huynh đối với con em để tránh xa tệ nạn xã hội rất đáng báo động, đáng phải xem xét", đại tá Nhật nhìn nhận.
Theo đại tá Nhật, Luật TTAGT đã dành riêng một điều quy định về tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ cho lứa tuổi học sinh, trách nhiệm chính thuộc về Bộ Giáo dục và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tùy theo các cấp học.
Ngoài ra, CSGT có trách nhiệm hướng dẫn kỹ năng lái xe máy an toàn cho trẻ em từ 16 đến dưới 18 tuổi, là đối tượng chủ yếu điều khiển xe gắn máy.
Đồng thời, cần thiết phải đưa kiến thức về pháp luật TTATGT đường bộ vào giảng dạy chính khóa để bắt buộc học sinh có ý thức thực hiện tham gia giao thông một cách an toàn.
"Đặc biệt, với trẻ chưa đủ tuổi điều khiển, bố mẹ tuyệt đối không giao xe cho con. Cục CSGT mới đây đã đề xuất tăng mức phạt gấp 5 lần (từ 4 - 6 triệu đồng lên 28 - 30 triệu đồng) đối với hành vi giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển", đại tá Nhật nhấn mạnh.
"Dù trực tiếp học sinh, thanh thiếu niên là người có hành vi điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe gây ra tai nạn, song nếu người lớn không mua xe, không tạo điều kiện cho các cháu điều khiển tham gia giao thông, chắc chắn các cháu không thể có xe sử dụng.
Để ngăn tai nạn liên quan đến hành vi trên, cần xử nghiêm việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, ngay cả khi chưa gây ra hậu quả"
Trung tá Tôn Văn An, Đội trưởng Đội CSGT Công an TP Bắc Giang
Yến Chi