Báo động tình trạng đồ ăn vặt không bảo đảm vệ sinh ở cổng trường

Báo động tình trạng đồ ăn vặt không bảo đảm vệ sinh ở cổng trường
2 giờ trướcBài gốc
“Ngộ độc thực phẩm” - luôn là nỗi lo thường trực đối với các bậc phụ huynh. Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, trong quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3 người tử vong, 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Trong số đó, không ít học sinh trở thành “nạn nhân” của các vụ ngộ độc thực phẩm.
Một điểm bán đồ ăn vặt tại cổng Trường THCS Tân Sơn (TP Thanh Hóa).
Từng có con nhập viện vì ngộ độc thực phẩm khi “trót lỡ” uống trà sữa trước cổng trường với bạn bè làm gia đình chị Y được một phen “hú hồn”. “Thỉnh thoảng cháu cũng xin bố mẹ tiền tiêu vặt, mặc dù gia đình đã nhắc nhở cháu không được ăn uống đồ ăn vặt trước cổng trường vì sợ không đảm bảo VSATTP. Hôm đi học về, thấy cháu kêu đau bụng, đi vệ sinh liên tục, mặt xanh nhợt tôi sinh nghi nên mới hỏi, ban đầu cháu còn giấu nhưng lúc đau quá cháu mới nói đã uống trà sữa với bạn khi tan học. Gia đình phải tức tốc đưa cháu đi bệnh viện, rất may không ảnh hưởng đến tính mạng. Cũng nghe báo đài đưa tin nhiều về ngộ độc thực phẩm do ăn phải đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc tại cổng trường, gia đình tôi rất lo lắng chỉ biết căn dặn con hàng ngày và không cho con tiền tiêu vặt nữa”. chị Y bộc bạch.
Các em “vô tư” thưởng thức đồ ăn vặt vì đáp ứng các tiêu chí “nhanh - tiện”.
Văn hóa ẩm thực Việt Nam từ lâu đã nổi tiếng với sự đa dạng trong cách chế biến, phong phú về hương vị và tinh tế trong cách trình bày. Trong đó, ẩm thực “hè phố” góp phần quan trọng vào việc tạo nên bản sắc đặc trưng của ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo VSATTP của các quán ăn đường phố vẫn là bài toán nan giải đối với các cơ quan chức năng. “Bây giờ đồ ăn, thức uống được bày bán rất đa dạng từ các đồ ăn sẵn như bánh kẹo, chân gà, cho đến đồ ăn nhanh được chế biến tại chỗ như thịt xiên nướng, xúc xích, đồ uống như trà tắc, trà chanh, trà đào... Không thể phủ nhận các món ăn vỉa hè luôn có “sức hút” đối với các em học sinh bởi nó đáp ứng đủ các tiêu chí nhanh – gọn, chưa kể giá rẻ, khẩu vị lại phù hợp với các em học sinh. Tuy nhiên, đa số các hàng quán vỉa hè đều chưa thực hiện nghiêm việc bảo đảm ATVSTP như không dùng găng tay để lấy đồ, các loại thực phẩm bày bán không được che đậy kỹ càng, dẫn đến ruồi muỗi xâm nhập. Thực tế, không chỉ học sinh, sinh viên mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng không mấy quan tâm đến vấn đề ATVSTP khi để con em mình mua, sử dụng thức ăn không rõ nguồn gốc, nhãn mác vô tội vạ”. Cô L - giáo viên Trường THCS Tân Sơn (TP Thanh Hóa) chia sẻ.
Đồ ăn vặt luôn hấp dẫn các em học sinh.
Bạn K – học sinh Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Em thấy việc ăn vặt như một cách để giải tỏa sau những giờ học căng thẳng nên thường ít quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bố mẹ em ở nhà cũng có nhắc nhở không ăn uống thức ăn vặt ở cổng trường vì không tốt cho sức khỏe mà còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm nhưng bọn em nghĩ đơn giản ăn 1-2 lần chắc không sao”.
Những món đồ ăn vặt đủ màu sắc có giá chỉ từ 5.000 – 10.000 đồng thu hút nhiều học sinh.
Trước thực trạng phức tạp này, ngành y tế khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần quan tâm và lưu ý hơn trong việc chủ động mua đồ ăn đảm bảo vệ sinh cho con em mình, không cho con tiền để tiêu vặt. Đặc biệt, nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục học sinh không ăn quà vặt ngoài cổng trường và nên có những biện pháp để ngăn chặn, nhắc nhở các em tuyệt đối không nhận đồ ăn, đồ uống từ người lạ mang đến cổng trường phát miễn phí. Mặt khác, gia đình cũng nên trang bị cho con em mình kiến thức, nói không với thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Phú Lan
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/bao-dong-tinh-trang-do-an-vat-khong-bao-dam-ve-sinh-o-cong-truong-33476.htm