Thực tế, các vụ cháy xe điện, đặc biệt là xe máy điện, đang có chiều hướng gia tăng tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Không ít vụ xảy ra trong hầm để xe chung cư, gara hộ dân, nguyên nhân bị dư luận nghi ngờ có liên quan đến pin quá nhiệt, sạc sai cách hoặc sử dụng pin thay thế kém chất lượng. Tuy nhiên, sau mỗi sự cố, câu hỏi về tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn cho pin xe điện vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng từ phía cơ quan chức năng.
Xe điện đầy đường nhưng...
Việt Nam hiện đã có một số tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) áp dụng cho pin lithium-ion trong phương tiện giao thông chạy điện, điển hình là bộ TCVN 12241, nội địa hóa từ tiêu chuẩn quốc tế IEC 62660. Ngoài ra, một số tiêu chuẩn kỹ thuật khác cũng đã được ban hành, như TCVN 13916:2024 dành cho pin hoán đổi trên xe máy điện hai bánh, và TCVN 13078 về hệ thống sạc điện (tham chiếu từ tiêu chuẩn IEC 61851). Tuy vậy, đây vẫn chỉ là các tiêu chuẩn kỹ thuật riêng lẻ, chưa hình thành một bộ quy chuẩn an toàn cháy nổ có tính hệ thống và bắt buộc, đặc biệt trong bối cảnh pin đang được sử dụng và sạc trong khu dân cư, dưới tầng hầm kín hoặc các bãi gửi xe công cộng.
Theo Cục Cảnh sát PCCC, cháy xảy ra ở xe điện rất khó dập bởi nhiệt lượng sinh ra từ pin/ắc - quy xe là rất lớn. Ảnh: Cục Cảnh sát PCCC&CNCH
Vấn đề không nằm ở chỗ Việt Nam chưa có cơ sở để làm, mà ở chỗ chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để chủ trì và triển khai một bộ tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy chuyên biệt cho pin xe điện, trong khi ngoài thị trường, xe điện chào bán và lưu thông ngày một nhiều.
Các chuyên gia kỹ thuật nhiều lần kiến nghị sớm nghiên cứu và nội địa hóa các tiêu chuẩn quốc tế như UL 1973 và UL 1974 – hai bộ tiêu chuẩn do tổ chức Underwriters Laboratories (UL), Mỹ xây dựng. Trong đó UL 1973 đặt ra yêu cầu an toàn cho pin được sử dụng trong các hệ thống lưu trữ năng lượng tĩnh, trạm sạc, hoặc ứng dụng phụ trợ trên phương tiện giao thông; còn UL 1974 cung cấp quy trình đánh giá và phân loại pin đã qua sử dụng, nhằm đảm bảo an toàn khi tái sử dụng hoặc tái chế.
Hiện các tiêu chuẩn này mới chỉ được tham khảo, chưa được Việt Nam chuyển thành TCVN hoặc áp dụng bắt buộc. Trong khi đó, hệ thống dữ liệu về các sự cố cháy nổ liên quan đến pin vẫn còn thiếu, việc điều tra nguyên nhân và phân loại thường không cụ thể, gây khó khăn cho việc ban hành tiêu chuẩn dựa trên thực tiễn.
Đáng lo hơn, thị trường pin thay thế, pin “độ” và pin tái sử dụng đang phát triển mạnh nhưng gần như nằm ngoài vùng kiểm soát. Người tiêu dùng có thể dễ dàng mua pin qua mạng, không rõ nguồn gốc, không kiểm định chất lượng, không có hướng dẫn sạc an toàn. Thêm vào đó, các tòa nhà, bãi xe công cộng hiện cũng chưa có quy định riêng cho khu vực đỗ xe điện, sạc điện hay thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ liên quan đến pin.
Nếu không hành động kịp thời, những “quả pin thông minh” sẽ dễ trở thành “quả bom nhiệt” âm thầm trong không gian sống đô thị. Khi sự cố xảy ra, không chỉ là thiệt hại tài sản mà còn là đe dọa đến an toàn tính mạng và làm xói mòn niềm tin vào xu hướng phát triển xanh đang được khuyến khích.
Hành lang pháp lý cho "trái tim" xe điện
40 chiếc xe điện du lịch tại Hội An bị thiêu rụi. Ảnh: baochinhphu.vn
Trước hết, cần xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về an toàn cháy nổ dành riêng cho pin lithium-ion trong xe điện – áp dụng bắt buộc. Quy chuẩn này cần bao phủ từ khâu thiết kế, thử nghiệm, sản xuất đến lắp đặt, vận hành và tái sử dụng pin. Có thể tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế như UL 1973 (cho pin trong hệ thống lưu trữ năng lượng) và UL 1974 (đánh giá pin tái sử dụng), nhưng phải được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện sử dụng ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định trong quy chuẩn xây dựng và phòng cháy chữa cháy, yêu cầu cụ thể đối với khu vực để xe điện, trạm sạc, hệ thống thoát hiểm và phòng cháy tại các công trình công cộng và dân cư. Một số nước đã quy định rõ xe điện không được sạc trong tầng hầm nếu không có hệ thống cảnh báo nhiệt, thiết bị cắt điện tự động và hệ thống chữa cháy phù hợp – điều Việt Nam vẫn còn thiếu.
Cuối cùng, cần thiết lập một cơ chế kiểm tra, hậu kiểm và xử phạt rõ ràng đối với các hành vi sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh hoặc lắp đặt pin không đạt chuẩn. Đồng thời, cần đầu tư xây dựng hệ thống giám sát – thống kê dữ liệu cháy nổ theo nguyên nhân, để làm cơ sở cho việc điều chỉnh chính sách và cải thiện tiêu chuẩn.
Đã đến lúc Việt Nam cần một bộ tiêu chuẩn bắt buộc, đồng bộ và cập nhật thực tiễn, để quản lý rủi ro cháy nổ từ pin xe điện, thay vì tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường xe điện mà bỏ quên lỗ hổng trong ‘trái tim’ của các phương tiện này.
Nhất Sơn