Chị Phạm Thị Vóc, ở xã Nghĩa Trụ (bên phải) bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau tai nạn lao động.
Cuối năm 2022, chị Phạm Thị Vóc (xã Nghĩa Trụ) làm việc trong một công trường xây dựng, không may bị TNLĐ. Vụ tai nạn khiến chị phải điều trị dài ngày và nghỉ việc do sức khỏe suy giảm. Sau biến cố về sức khỏe do tai nạn, chị Vóc còn phải đối mặt với khó khăn khi 2 con đang tuổi ăn, tuổi học. Chị Vóc cho biết: Điều thiệt thòi, tiếc nuối nhất là mình đi làm công mà không có hợp đồng lao động. Khi tai nạn xảy ra, chủ sử dụng lao động chỉ thăm hỏi, hỗ trợ một phần viện phí và không có bất kỳ một khoản phúc lợi xã hội nào.
Ngược lại, anh Hoàng Trung Hải, công nhân Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II) bị TNLĐ khi đang vận hành lò hơi. Sau 12 ngày điều trị tại bệnh viện, kết quả giám định thương tật của anh là 11% sức khỏe, anh Hải được thanh toán chế độ bảo hiểm tai nạn 24 giờ do công ty mua cho NLĐ và chế độ trợ cấp một lần do Bảo hiểm xã hội tỉnh chi trả gần 27 triệu đồng. Sau khi phục hồi sức khỏe, anh tiếp tục được công ty bố trí công việc phù hợp với điều kiện sức khỏe, mức lương hiện tại khoảng 8 triệu đồng/tháng.
Môi trường làm việc an toàn là điều kiện quan trọng để công nhân yên tâm sản xuất.
Không riêng anh Hải, mà trong những năm qua, hàng trăm công nhân bị TNLĐ đã được hỗ trợ kịp thời từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN. Qua đó, giảm bớt gánh nặng rủi ro, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập khi mất một phần hoặc không còn khả năng lao động.
Theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động, NLĐ được hưởng chế độ TNLĐ khi có đủ các điều kiện theo quy định và trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 5% - 30% thì được hưởng trợ cấp một lần; suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở. Ngoài ra, NLĐ cũng được hưởng bảo hiểm y tế khi nghỉ việc hưởng trợ cấp TNLĐ hằng tháng.
Công nhân được đóng bảo hiểm đầy đủ sẽ giảm bớt gánh nặng rủi ro khi gặp tai nạn mất một phần hoặc không còn khả năng lao động.
Bảo hiểm TNLĐ, BNN là chính sách ưu việt, nhằm chia sẻ gánh nặng rủi ro, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập của NLĐ trong thời gian nghỉ việc tạm thời. Tuy nhiên, thực tế còn không ít NLĐ chưa thể “chạm” đến quyền lợi này bởi không được giao kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội và các loại bảo hiểm bắt buộc cho NLĐ. Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp cố tình né tránh trong việc lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ cho NLĐ.
Bộ phận Một cửa Bảo hiểm xã hội tỉnh - nơi tiếp nhận, giải quyết các chế độ, chính sách bảo hiểm cho người lao động.
Để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, cùng với việc tuân thủ pháp luật về BHXH, các doanh nghiệp cần phải xem trọng công tác phòng ngừa TNLĐ; phía NLĐ cũng cần chủ động theo dõi, bảo vệ quyền lợi bằng cách tham gia BHXH, BHYT đầy đủ. Lưu ý, người từ đủ 15 tuổi trở lên làm việc không theo hợp đồng lao động, không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, từ ngày 1/1/2025 có thêm lựa chọn mới là tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện. Với cách thức đóng linh hoạt, điều kiện thụ hưởng là NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do TNLĐ trong thời gian tham gia được hưởng trợ cấp một lần. Mức hưởng suy giảm 5% là 3 lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng 4 do Chính phủ quy định; sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3% lần tháng lương tối thiểu vùng 4. Ngoài mức trợ cấp này, NLĐ còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào quỹ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện.
Lệ Thu