Bảo hiểm tai nạn lao động: Lao động tự do chưa mặn mà

Bảo hiểm tai nạn lao động: Lao động tự do chưa mặn mà
9 giờ trướcBài gốc
Nhiều vụ tai nạn lao động ở khu vực lao động phi chính thức
Theo Bộ Nội vụ, năm 2024 trên toàn quốc đã xảy ra 8.286 vụ tai nạn lao động (tăng 892 vụ so với năm 2023), làm 8.472 người bị nạn (tăng 919 người). Đây là thống kê ở cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Trong đó, có 675 vụ tai nạn lao động chết người, tăng 13 vụ so với năm 2023; số người chết vì tai nạn lao động là 727 người, tăng 28 người; 1.690 người bị thương nặng, giảm 30 người. Đáng chú ý, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2024 là trên 42.565 tỷ đồng...
Cần có cơ chế khuyến khích lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm tai nạn lao động. Ảnh: L.H
Theo đánh giá của Bộ Nội vụ năm 2024, số vụ tai nạn lao động khu vực phi chính thức giảm hơn so với năm 2023 nhưng đây vẫn là khu vực tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ về mất an toàn vệ sinh lao động. Đây cũng là nhóm chịu nhiều thiệt thòi nhất khi xảy ra tai nạn lao động bởi phần lớn lao động khu vực này không tham gia bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa với việc không tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Xuất phát từ thực tế trên, tại Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp một lần. Theo đó, từ ngày 1/1/2025, người làm việc ở khu vực phi chính thức, không có hợp đồng lao động cũng được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội này nếu tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Theo quy định mức đóng mỗi tháng của loại hình bảo hiểm này chỉ bằng 1% lương tối thiểu vùng IV (34.500 đồng/tháng). Đồng thời, người tham gia còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ 10%-30%. Khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, người lao động được hưởng trợ cấp tai nạn lao động căn cứ vào mức độ suy giảm khả năng lao động. Mức trợ cấp cao nhất dành cho thân nhân khi người lao động qua đời là 108.675.000 đồng.
Đẩy mạnh truyền thông
Với mức đóng thấp nhưng người lao động khi tham gia bảo hiểm tai nạn lao động sẽ nhận được nhiều chính sách hỗ trợ để từ đó giảm gánh nặng khi không may gặp tai nạn trong quá trình làm việc. Song theo các chuyên gia, việc đưa chính sách này vào đời sống không dễ, bởi đây là nhóm lao động không có hợp đồng lao động, công việc không ổn định, nguồn thu nhập bấp bênh. Bên cạnh đó cũng do yếu tố chủ quan nên rất nhiều người lao động chưa mặn mà với chính sách bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Trên thực tế, đến nay quy định đã có hiệu lực được gần 4 tháng nhưng khi được hỏi rất ít người lao động biết đến quy định này. “Khi gặp tai nạn trong quá trình làm việc người lao động không chỉ bị giảm thu nhập mà còn phải gánh thêm khoản chi phí điều trị cho sức khỏe rất lớn vì vậy, ai cũng mong muốn được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động. Tuy nhiên, do chúng tôi không có hợp đồng lao động không đóng bảo hiểm xã hội nên cũng không biết sẽ tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện như thế nào. Và khi gặp sự cố chúng tôi sẽ được hưởng những quyền lợi như thế nào?” - anh Nguyễn Quốc Minh, lao động tự do tại Hà Nội chia sẻ.
Tương tự, anh Phạm Văn Thắng - xã Chuyên Mỹ - huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cũng cho biết: Làm khảm trai bụi nên quá trình làm việc ảnh hưởng đến sức khỏe là điều khó tránh. Vì vậy, nếu cách thức tham gia, mức đóng phù hợp tôi sẽ tham gia để bản thân được yên tâm nếu gặp vấn đề về sức khỏe.
Bên cạnh đó, nhiều người lao động có tâm lý chủ quan không tham gia, hoặc chỉ tham gia khi gặp rủi ro trong quá trình làm việc. Theo bà Chu Thị Hạnh - Phó Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ Nội vụ, năm 2024, khu vực không có hợp đồng lao động xảy ra gần 400 vụ tai nạn lao động, làm hơn 400 người bị nạn. Chính vì vậy, việc đưa chính sách vào đời sống rất quan trọng. Cùng với sự vào cuộc của các Bộ, ngành vai trò của địa phương, cơ sở rất quan trọng. Công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để người lao động thấy được sự thiết thực của chính sách bảo hiểm tai nạn lao động và tham gia.
Lê Bảo
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/bao-hiem-tai-nan-lao-dong-lao-dong-tu-do-chua-man-ma-10304570.html