Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang: Dấu ấn chặng đường 30 năm phát triển

Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang: Dấu ấn chặng đường 30 năm phát triển
11 giờ trướcBài gốc
LAN TỎA GIÁ TRỊ NHÂN VĂN, ƯU VIỆT CỦA CHÍNH SÁCH BHXH, BHYT
Qua 30 năm xây dựng và phát triển (1995 - 2025), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt, nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức và người lao động (NLĐ), BHXH tỉnh Tiền Giang đã đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như của tỉnh nhà.
Giám đốc BHXH tỉnh Tiền Giang Võ Khánh Bình trao tặng thẻ BHYT cho hộ gia đình khó khăn ngụ phường Tân Long, TP. Mỹ Tho.
Theo đó, hệ thống chính sách, pháp luật BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện. Chính sách BHXH từ chỗ chỉ thực hiện cho đội ngũ công chức, viên chức nhà nước với hình thức bắt buộc, đã được mở rộng và thực hiện cho tất cả NLĐ theo 2 hình thức: BHXH bắt buộc đối với NLĐ có quan hệ lao động theo quy định và BHXH tự nguyện đối với NLĐ làm việc tự do, lao động thuộc hộ nông - lâm - ngư nghiệp, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH.
Chính sách BHYT cũng liên tục được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng công bằng, hiệu quả, bảo đảm cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, hướng đến cải thiện chất lượng sức khỏe của người dân. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để BHXH tỉnh căn cứ thực hiện đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào đời sống NLĐ và nhân dân.
Một số kết quả nổi bật mà BHXH tỉnh Tiền Giang đạt được, đó là:
Thứ nhất, tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT luôn vượt chỉ tiêu được giao. Phát triển, mở rộng người tham gia BHXH, BHYT là nhiệm vụ trọng tâm của ngành để tiến đến BHXH, BHYT toàn dân theo Nghị quyết 28.
Vì vậy, BHXH tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh. Nếu như năm 1995, tỉnh có 27.578 người tham gia BHXH bắt buộc, thì đến hết năm 2024, có 249.671 người tham gia.
Tỷ lệ bao phủ BHXH đạt 33,22% lực lượng lao động trong độ tuổi (kết quả hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao, riêng năm 2024 vượt 1,22%), tăng 905,3% so với năm 1995.
Trong đó, về BHXH bắt buộc, có 218.924 người tham gia, tăng 793,8% so năm 1995. Về BHXH tự nguyện có sự tăng trưởng vượt bậc, với 30.747 người tham gia, tăng 17,29% so với năm 2008 - thời điểm bắt đầu thực hiện chính sách này. Về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có 207.473 người tham gia, tăng 567,4% so với năm 2009 - thời điểm bắt đầu thực hiện chính sách này.
Đặc biệt, về BHYT có 1.638.001 người tham gia, tăng 740,1% so với thời điểm hệ thống BHYT sáp nhập vào hệ thống BHXH năm 2003.
Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,88% dân số (đạt và vượt chỉ tiêu được Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao hằng năm, riêng năm 2024, vượt 1,88% chỉ tiêu được giao, vượt 2,13% so với chỉ tiêu Chính phủ giao).
Thứ hai, hoàn thành vượt kế hoạch thu BHXH, BHYT với số thu năm sau cao hơn năm trước từ 10% đến 15%. Tổng thu năm 1995 trên 10,4 tỷ đồng; năm 2010 trên 716,7 tỷ đồng; năm 2024 trên 6.319,7 tỷ đồng, đạt 105,2% kế hoạch và tăng 60,76% so với năm 1995.
Thứ ba, đổi mới hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Hằng tháng, BHXH tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng tải tin, bài, điểm mới liên quan đến chính sách BHXH, BHYT trên ấn phẩm “Thông báo nội bộ” và “Thông tin thời sự” để thông tin đến đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Phối hợp với Báo Ấp Bắc thực hiện chuyên mục “BHXH, BHYT” vào thứ Tư hằng tuần (báo giấy và báo điện tử); phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam định kỳ mỗi tháng có 2 tin, bài trên báo điện tử.
Đặc biệt, trong năm 2024, BHXH tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang thực hiện bản tin truyền hình “Đưa chính sách BHXH, BHYT vào cuộc sống”; mỗi bản tin là một phóng sự 15 phút với nhiều chủ đề về BHXH, BHYT mà người dân quan tâm, định kỳ phát vào thứ tư ngày cuối tháng.
Bản tin truyền hình “Đưa chính sách BHXH, BHYT vào cuộc sống” của Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang.
Qua thực hiện công tác truyền thông đã và đang tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT.
Theo đó, đã lan tỏa sâu rộng trong nhân dân về giá trị nhân văn, tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT. Từ đó, góp phần tạo niềm tin sâu sắc trong toàn xã hội về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước nói chung và chính sách BHXH, BHYT nói riêng.
Thứ tư, BHXH tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện Chương trình “Hỗ trợ thẻ BHYT - Chia sẻ yêu thương”. Theo đó, từ năm 2020 đến năm 2024, toàn tỉnh đã thực hiện nhiều đợt vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có lòng hảo tâm, thiện nguyện đóng góp kinh phí với số tiền trên 4,32 tỷ đồng hỗ trợ 13.867 thẻ BHYT và 4.408 sổ BHXH tự nguyện cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Trong năm 2024, đã vận động 640 triệu đồng hỗ trợ 561 thẻ BHYT, 1.330 sổ BHXH tự nguyện và 41 phần quà “Tết ấm” cho bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI TỐT NHẤT CHO NGƯỜI THỤ HƯỞNG
Chính sách pháp luật BHXH, BHYT được thực hiện kịp thời, đúng quy định; đặc biệt là chuyển đổi phương thức quản lý hiện đại (công nghệ, số hóa) vào việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT căn cứ vào dữ liệu quản lý quá trình tham gia đóng, đảm bảo nguyên tắc “đóng - hưởng”; phương thức hoạt động của hệ thống ngành BHXH được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến…, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm phiền hà, đảm bảo quyền lợi cho người thụ hưởng.
Từ năm 1995 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết trên 20.000 hồ sơ hưởng BHXH hằng tháng, gần 300.000 hồ sơ hưởng 1 lần, trên 1 triệu lượt hồ sơ ốm đau, trên 350.000 lượt hồ sơ hưởng chế độ thai sản, trên 80.000 lượt hồ sơ nghỉ dưỡng sức - phục hồi sức khỏe và trên 350.000 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Từ năm 2003 đến ngày 31-12-2024, BHXH tỉnh đã giám định, thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT trên 15.000 tỷ đồng cho trên 60 triệu lượt người.
Suốt chặng đường phát triển 30 năm qua, BHXH tỉnh Tiền Giang đã tạo nên vị thế xã hội trong thực hiện các chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Mặc dù đã thực hiện đạt tiệm cận mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, nhưng trong thời gian tới, BHXH tỉnh cần phải thường xuyên cập nhật, nâng cao nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả để đáp ứng sự hài lòng của nhân dân.
NGUYỄN VĂN TÂM
Nguồn Ấp Bắc : http://baoapbac.vn/xa-hoi/202502/bao-hiem-xa-hoi-tinh-tien-giang-dau-an-chang-duong-30-nam-phat-trien-1034370/