Bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng nhanh nhưng chưa tương xứng với tiềm năng

Bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng nhanh nhưng chưa tương xứng với tiềm năng
6 giờ trướcBài gốc
Nhân viên bảo hiểm xã hội tuyên truyền người lao động về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện
Ưu việt nhưng chưa hiệu quả
Báo cáo về công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, từ năm 2016 đến hết tháng 8-2024, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng hàng năm. Cụ thể, nếu như năm 2016 cả nước có trên 203.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì đến năm 2017 có trên 224.000 người tham gia, tăng khoảng 10% so với năm trước; năm 2018 khi có hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước, số người tham gia tiếp tục tăng nhanh đạt trên 277.000 người, tăng 23,6% so với năm 2017. Đặc biệt từ năm 2019, cùng với hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước và với những giải pháp đột phá trong tổ chức thực hiện thì số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã tăng vượt bậc, đạt trên 574.000 người, tăng trên 296.000 người, tương ứng tăng 107% so với năm 2018. Đến cuối năm 2023, cả nước có hơn 18,26 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 39,25%, thì có hơn 1,91 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 4,09% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Theo ông Đào Việt Ánh - Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mặc dù tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã vượt mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 đề ra tại Nghị quyết 28-NQ/TW, tuy nhiên so với tiềm năng thì số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn còn thấp (nếu đem so sánh với số lao động tự do là 33,1 triệu người - theo Tổng cục Thống kê). Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách bảo hiểm ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện do Nhà nước tổ chức thực hiện mang đến cơ hội cho hàng chục triệu người nông dân, lao động tự do được đảm bảo về an sinh xã hội. Tuy nhiên, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khiêm tốn như vậy, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh tuổi già của một bộ phận lớn dân cư sau này.
Nguyên nhân do đâu?
Chỉ ra nguyên nhân khiến lao động khu vực phi chính thức chưa “mặn mà” với bảo hiểm xã hội tự nguyện, Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho hay, về mặt cơ chế chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người tham gia so với bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa được hưởng các chế độ ngắn hạn; đời sống của người lao động vẫn còn khó khăn nhưng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện lại tăng lên do mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng, mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước hiện nay chưa tạo được cú hích để thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Trong khi đó, điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu còn dài làm giảm tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng khiến một bộ phận người dân nản lòng. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền tại một số địa phương đối với việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội còn hạn chế, chưa thực sự quyết liệt; các thông tin sai lệch về chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội lan truyền trên các trang mạng xã hội cũng gây dao động trong việc tạo động lực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của một bộ phận người dân.
Khi được hỏi về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, chị Nguyễn Thị Thu (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết bản thân chị từng làm việc tại doanh nghiệp, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nhưng rồi vì lý do cá nhân, chị nghỉ việc và không tham gia bất kỳ loại hình bảo hiểm nào. Chị Thu so sánh, khi đi làm việc, tham gia bảo hiểm do công ty lo hết, tổng mức đóng vào quỹ 32% tiền lương nhưng người lao động chỉ đóng 10,5% và được hưởng đến 5 chế độ. Trong khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, lao động phải đóng 22% và chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Chị Nguyễn Thị Thu cho rằng, giống như chị, nhiều lao động muốn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nhưng còn nhiều băn khoăn.
Từ thực tế tại Hà Nội, bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông (Bảo hiểm xã hội Hà Nội) cho biết thêm, một phần nguyên nhân gây khó khăn trong triển khai phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện là do chưa tính được cụ thể nếu đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ 20 năm thì lương hưu nhận được bao nhiêu. Trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với người dân, họ thường có câu hỏi mà người thực hiện chính sách chưa trả lời thỏa đáng được là: 20 năm nữa họ được hưởng mức lương hưu như thế nào nếu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?
Bổ sung nhiều quyền lợi cho người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ ngày 1-7-2025
Linh hoạt, tăng quyền lợi cho người tham gia
Thuyết phục người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm chưa bao giờ là việc dễ dàng. Theo các chuyên gia, muốn thu hút người dân tham gia, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cần linh hoạt hơn. TS Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhấn mạnh, để mang lại lợi ích tối đa cho người lao động khu vực phi chính thức, cần có chính sách đồng bộ, toàn diện hơn như: Thúc đẩy chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm bền vững cho người lao động, hỗ trợ cho người lao động vay vốn phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế gia đình… Có như vậy, lao động mới có cơ hội để lao động để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã dành một chương để quy định về bảo hiểm xã hội, bao gồm 3 mục với 22 điều (từ Điều 94 đến Điều 115) đề cập đến 3 quyền lợi chính là trợ cấp thai sản, chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025. Khi đó, những quy định mới dành cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ chính thức được áp dụng. Khi xây dựng các chính sách này, nhà làm luật kỳ vọng sẽ tăng tính hấp dẫn cho loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện, thu hút nhiều hơn lao động ở khu vực phi chính thức tham gia, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội.
Về phía cơ quan thực thi, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã có nhiều quy định theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, khuyến khích việc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Từng bước khắc phục tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu. Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển bền vững người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
An Nhiên
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-tang-nhanh-nhung-chua-tuong-xung-voi-tiem-nang-post591693.antd