Vietnam Airlines có lãi 3 quý liên tiếp. Ảnh HVN.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (Mã: HVN) vừa có báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với tổng doanh thu hợp nhất hơn 85.466 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế hơn 6.263 tỷ đồng.
Theo BCTC quý III, HVN ghi nhận doanh thu 26.600 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Trừ giá vốn, doanh nghiệp lãi gộp 2.744 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp ở mức 10,3%. Đây cũng là mức lãi gộp cao nhất mà hãng bay này đạt được kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 563 tỷ đồng, gấp 3,2 lần năm trước. Hãng bay này đã được hưởng lợi nhờ tỷ giá. Cụ thể, trong khu công ty lãi ròng gần 400 tỷ nhờ tỷ giá. Chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt giảm.
Kết quả, Vietnam Airlines mang về 975 tỷ đồng lãi trước thuế, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 2.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 768 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp công ty này có lãi.
Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp đạt 79.162 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17% so với ba quý đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế là 6.264 tỷ, cùng kỳ còn lỗ 3.534 tỷ. Lợi nhuận ròng 9 tháng đạt 5.962 tỷ.
Trong 9 tháng, Vietnam Airlines thực hiện 106.400 chuyến bay, vận chuyển hành khách đạt 17,2 triệu lượt, tăng 8,9% so cùng kỳ 2023. Vận chuyển hàng hóa, bưu kiện đạt gần 226.000 tấn, tăng 42% so cùng kỳ 2023. Vietnam Airlines đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa; khai thác trở lại hầu hết các đường bay quốc tế và mở thêm các đường bay mới.
Dù có lãi quý thứ ba liên tiếp song hãng này vẫn còn ghi nhận khoản lỗ lũy kế 35.226 tỷ đồng tính tới cuối tháng 9 khiến vốn chủ sở hữu âm 11.087 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cho biết mặc dù thị trường có sự phục hồi nhất định, Vietnam Airlines vẫn còn nhiều khó khăn phải vượt qua do hệ lụy kéo dài của COVID-19. Thị trường hàng không tiếp tục đối mặt với các thách thức kéo dài như xung đột chính trị, biến động tỷ giá, nhiên liệu bất lợi, vấn đề triệu hồi động cơ của nhà sản xuất, chi phí vật tư, phụ tùng, bảo dưỡng, thuê máy bay tăng cao…
Vietnam Airlines thông tin đã hoàn thành Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 để hãng sớm phục hồi và phát triển giai đoạn 2021-2035 và đã báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Theo đề án, trong năm 2024 - 2025 Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu như: Tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.
Tổng dư nợ vay tính tới cuối quý III của hãng hàng không này là 22.127 tỷ, chiếm 39% tổng nguồn vốn và giảm quý thứ 4 liên tiếp. Trong đó khoản vay dài hạn là 7.126 tỷ.
Dù không thuyết minh chi tiết song theo báo cáo kiểm toán bán niên, Vietnam Airlines vay nợ cả bằng VND và USD. Chi phí lãi vay 9 tháng của doanh nghiệp là 1.035 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9, hãng bay này vẫn đang lỗ lũy kế 35.225 tỷ đồng. Do vậy, vốn chủ sở hữu của công ty âm hơn 11.000 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính ở mức hơn 22.000 tỷ đồng.
Tổng tài sản cũng như tổng nguồn vốn đạt mức 57.351 tỷ đồng. Trong đó, tài sản cố định chiếm hơn một nửa tài sản của doanh nghiệp này, đạt 30.780 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/10, cổ phiếu Vietnam Airlines đạt mức giá 23.250 đồng/cp. Cổ phiếu này đã tăng liền trong 4 phiên tuần này, tương ứng mức tăng 14%.
Đông Bắc