Bạo lực tại bệnh viện, cơ sở y tế: Vấn đề nhức nhối

Bạo lực tại bệnh viện, cơ sở y tế: Vấn đề nhức nhối
9 giờ trướcBài gốc
Cần những quy định pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn hành vi bạo lực đối với nhân viên y tế. Ảnh: M.H.
Lo ngại an ninh bệnh viện
Ngày 6/5, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ngắn ghi lại hình ảnh một người nhà bệnh nhân có hành vi sử dụng bạo lực với nhân viên y tế. Theo đoạn clip ghi lại, một người nam giới mặc áo đen đã đánh liên tiếp vào vùng đầu, mặt nhân viên y tế. Trước sự tấn công, người đàn ông mặc áo blouse chỉ biết ôm mặt chịu đau, không chống trả. Trong lúc sự việc xảy ra, các nhân viên y tế khác vẫn đang nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân. Vụ việc chỉ dừng lại khi người phụ nữ lớn tuổi đứng bên cạnh can ngăn.
Liên quan tới vụ việc nói trên, ông Trần Trung Kiên - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nam Định xác nhận, sự việc xảy ra vào ngày 4/5, tại Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định). Người bị đánh là điều dưỡng của bệnh viện. Sau khi vụ việc xảy ra, công an cũng đã trực tiếp có mặt làm việc với những người liên quan.
Trước đó, một clip lan truyền trên mạng xã hội trở thành tâm điểm chú ý và gây bất bình trong dư luận. Sự việc xảy ra ngày 25/4, ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ), nạn nhân bị hành hung là một điều dưỡng viên - người đang trực tiếp hỗ trợ cho ekip cấp cứu bé trai 12 tuổi bị sốc phản vệ, còn người gây ra chuyện lại chính là bố của bệnh nhân.
Ông Vi Quốc Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba xác nhận, việc trung tâm có nhận một trường hợp bé trai 12 tuổi bị tai nạn giao thông được bố mẹ cùng người thân đưa đến trung tâm trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, vùng trán, chân tay xuất hiện vết sưng nề bầm tím, chảy máu... Tại thời điểm đó, người nhà bệnh nhân có phản ứng rất dữ dội thậm chí hành hung cả nhân viên y tế nhưng các y bác sĩ vẫn tiếp tục cấp cứu cho bệnh nhân.
Tương tự, cuối tháng 3 vừa qua, nữ BS Nguyễn Thị Diễm Hằng bị hành hung khi đang cấp cứu bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai). Vụ việc không chỉ gây tổn hại về mặt thể chất cho bác sĩ, mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần làm việc của toàn bộ nhân viên y tế tại cơ sở này.
Không chỉ các y, bác sĩ làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh, ngay cả các dược sĩ làm việc tại quầy thuốc ngoài cơ sở khám chữa bệnh cũng gặp tình huống bị đe dọa, hành hung. Đó là vào cuối tháng 2/2025, một người đàn ông có hành vi bạo lực, gây thương tích cho nữ dược sĩ của một nhà thuốc tại địa chỉ 184 Nguyễn Công Trứ, phường Tân Giang (TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh).
Nhân viên y tế bị hành hung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Ảnh: Tư liệu từ clip.
Y, bác sĩ cần được bảo vệ, đào tạo xử lý tình huống khi bị bạo hành
Liên quan tới các vụ bạo hành nhân viên y tế, TS.BS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) nhấn mạnh: Dù nguyên nhân là gì, hành vi hành hung nhân viên y tế, đặc biệt khi họ đang làm nhiệm vụ cứu người, là hoàn toàn không thể chấp nhận. Cho dù ai sai ai đúng, khi y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ chuyên môn, phải đảm bảo an toàn để họ hoàn thành công việc. “Mục tiêu sắp tới của ngành y tế là giảm tối đa các áp lực không đáng có cho cả nhân viên y tế và người bệnh. Muốn vậy, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ. Trước hết, quy trình đón tiếp tại các cơ sở y tế cần chuyên nghiệp hơn để giảm căng thẳng ban đầu. Bên cạnh đó, cán bộ y tế cần được đào tạo kỹ năng xử lý tình huống kịp thời và hiệu quả” - TS Hà Anh Đức nói, đồng thời cho rằng, trong toàn bộ cải cách, yếu tố cốt lõi vẫn là người bệnh. Mọi chính sách và giải pháp đều phải hướng đến việc lấy người bệnh làm trung tâm. Riêng về cơ chế tài chính, các đơn vị cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh để tạo ra sự thông thoáng, giảm bớt rào cản cho người bệnh. (X.Ban)
Cần những quy định pháp lý đủ mạnh
Theo thống kê từ Bộ Y tế, về những vụ mất an ninh, trật tự tại các cơ sở khám, chữa bệnh cho thấy, 70% bác sĩ là đối tượng bị tấn công chủ yếu và 15% là điều dưỡng. Có tới 90% số vụ việc xảy ra tại khuôn viên bệnh viện, trung tâm y tế, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh (60%) và 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích về bệnh lý cho người bệnh, người nhà người bệnh. Các vụ hành hung nhân viên y tế chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60% số vụ việc), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương (chiếm 20%).
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá: “Hiện tượng hành hung thầy thuốc đã diễn ra nhiều năm nay, với những vụ việc tương tự và lặp đi lặp lại. Rõ ràng, đây không chỉ là hành vi đe dọa tính mạng và sức khỏe người thầy thuốc, mà còn là sự thách thức lương tri, thách thức pháp luật vì nghề thầy thuốc là nghề cứu người. Dù bất cứ vì nguyên nhân gì thì việc tấn công bác sĩ trong lúc họ đang nỗ lực cứu chữa người bệnh là hành vi coi thường mạng sống người khác, đi ngược lại với truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Tôi cho rằng đây là những hành vi vi phạm rất nghiêm trọng đến công việc, quyền hành nghề của người thầy thuốc và cũng là những hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng”.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nạn hành hung này gặp nhiều nhất ở các trung tâm, các khoa Cấp cứu tại bệnh viện. Người dân vào việc ai cũng muốn mình là người được cứu chữa trước, ai cũng nghĩ là mình cần được chăm sóc ngay, ai cũng cần có thuốc luôn. Thế nhưng, bác sĩ không thể phục vụ yêu cầu của hàng chục con người trong cùng một thời điểm. Bác sĩ cũng cần khám bệnh, chuẩn đoán, rồi còn cần trang thiết bị, máy móc và sự phối hợp từ các bác sĩ chuyên môn khác. Một nguyên nhân khác, dường như người ta nghĩ thầy thuốc nào cũng là người xấu, không phục vụ theo yêu cầu thì họ cho rằng đó là vì thầy thuốc vòi vĩnh họ về vật chất.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, cũng có nhiều ý kiến cho rằng bạo lực bệnh viện xảy ra không chỉ vì sự suy đồi đạo đức trong xã hội hay sự thiếu hiểu biết của người dân mà còn do thái độ phục vụ từ chính các bác sĩ, hay như một câu hỏi được khá nhiều người sử dụng là “không có lửa làm sao có khói?”.
BSCKII Lê Công Tước - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang tâm sự: “Rất nhiều người dân vẫn còn tâm lý khi người nhà vào viện, khi người nhà cần cấp cứu, phẫu thuật là muốn gặp riêng bác sĩ để đưa tiền, đưa phong bì. Đương nhiên là bác sĩ không nhận, đây cũng là hành động để bác sĩ được ngợi khen, được tôn trọng khi điều trị thành công cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu việc điều trị không thành công, kể cả trong trường hợp tập thể y, bác sĩ đã nỗ lực hết mình thì việc không nhận phong bì đó cũng có thể biến thành tư duy: “Do bác sĩ không nhận tiền nên không cố gắng chữa trị”. Rồi từ đó, những lỗi lầm đều đổ lên nhân viên y tế”.
Còn PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, trong những tình huống căng thẳng, nhất là khi sinh mạng của người thân đang bị đe dọa, người nhà bệnh nhân khó giữ được sự bình tĩnh cũng có thể hiểu được. Tuy nhiên, nếu có hệ thống bảo vệ chuyên nghiệp và những quy định pháp lý đủ mạnh thì những tình huống đó có thể đã diễn biến khác.
“Mặc dù hiện tại đã có những điều khoản pháp lý răn đe hành vi bạo lực đối với nhân viên y tế, nhưng chúng chưa phát huy được hiệu quả trong thực tế. Cần phải có một điều luật cụ thể hơn để xử lý các hành vi xâm hại sức khỏe và tinh thần đối với các nhân viên y tế, đặc biệt là trong các tình huống cấp cứu, nơi mà những căng thẳng có thể dễ dàng dẫn đến mâu thuẫn” – PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu kiến nghị.
Người đàn ông tấn công nhân viên y tế tại Phú Thọ công khai xin lỗi các y, bác sĩ
Ngày 7/5, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Phú Thọ cho hay: Ngày 25/4/2025 tại Trung tâm y tế huyện Thanh Ba, Khuất Văn Sinh (SN 1984, trú tại khu 24, xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba) đã có hành vi xâm hại đến sức khỏe của nhân viên y tế trong khi đang thực hiện nhiệm vụ. Tại Cơ quan điều tra, sau khi được các cán bộ điều tra giải thích, Sinh đã nhận thức được hành vi vi phạm của bản thân và xin lỗi công khai đối với các y, bác sĩ, nhân viên y tế, đồng thời gửi lời cảm ơn đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba vì đã kịp thời cấp cứu cho con trai mình. Xét thấy hành động của Khuất Văn Sinh đã vi phạm khoản 6, Điều 48, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế”, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã đề nghị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Nguyên Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai): Nâng cao văn hóa ứng xử
PGS.TS Nguyễn Văn Chi.
Câu chuyện xung đột, hành hung, tấn công nhân viên y tế gần như là câu chuyện thường trực của bác sĩ, điều dưỡng tại các Trung tâm, khoa Cấp cứu. Sự xung đột dễ xảy ra khi ai cũng lo lắng cho người nhà của mình, mong muốn người nhà được các nhân viên y tế chăm sóc, cứu chữa kịp thời nhưng không hiểu hay không chấp nhận rằng, đối với nhân viên y tế cấp cứu, chúng tôi hoạt động chuyên môn theo nguyên tắc ưu tiên, cách bố trí ưu tiên thứ tự cấp cứu dựa vào phân loại bệnh nhân theo mức độ nặng nhẹ, không ưu tiên theo thời gian vào viện. Nếu phá vỡ nguyên tắc này, nguồn lực y tế sẽ không được tập trung bởi có những bệnh nhân cần nhân viên y tế can thiệp ngay lập tức, thời gian lúc này là vàng. Khi xảy ra một vụ việc hành hung nhân viên y tế, đặc biệt tại khu vực cấp cứu thì sẽ là vấn đề vô cùng nguy hiểm tới không chỉ bác sĩ, điều dưỡng bị hành hung mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng cho tất cả các bệnh nhân đang cần sự trợ giúp y tế. Để giải quyết triệt để vấn đề này cần có sự vào cuộc, phối hợp của rất nhiều cấp ngành, đối tượng, nhưng trước hết vẫn là nâng cao văn hóa ứng xử giữa mỗi người. Bệnh nhân và người nhà cũng cần hết sức bình tĩnh, phối hợp với các y, bác sĩ không nên quá nôn nóng mà có những lời nói và hành vi không đúng chuẩn mực.
Đức Trân
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/bao-luc-tai-benh-vien-co-so-y-te-van-de-nhuc-nhoi-10305305.html