"Hãy lên tiếng khi bạn bị bạo lực, mọi người sẽ giúp bạn" là một trong những khẩu hiệu tuyên truyền của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm nay
Những vụ việc đau lòng
Thật đau lòng khi trong những ngày đầu hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 (từ ngày 15/11-15/12) ngay tại Hải Dương đã xảy ra một vụ thảm án, cướp đi mạng sống của một phụ nữ trẻ.
Câu chuyện đau lòng ấy xảy ra ngày 18/11. Một cặp vợ chồng người tỉnh Bắc Kạn ở tuổi đôi mươi đến Hải Dương làm công nhân, thuê trọ tại xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng). Do mâu thuẫn mà người chồng đã dùng bình cứu hỏa đánh nhiều nhát vào đầu, khiến vợ tử vong. Chưa biết nguyên nhân chính xác và mâu thuẫn gia đình như thế nào, nhưng xét về cả phương diện xã hội và gia đình, hành vi bạo hành vợ dẫn đến tử vong là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền của phụ nữ, cần phải lên án, loại bỏ.
Tháng 7 vừa qua, vụ việc cha dượng dùng roi điện đánh con riêng của vợ mới 11 tuổi xảy ra tại xã Tiên Động (Tứ Kỳ), cũng khiến nhiều bức xúc trong dư luận. Được biết, do cháu bé đi chơi không xin phép đã làm người cha bức xúc. Anh này đã dùng roi điện đánh làm vùng tay và lưng của cháu bé xuất hiện một số vết bầm tím.
Gia đình cho biết, cháu bé này thường xuyên đi chơi mà không xin phép trước chính là nguyên nhân bị cha dượng đánh. Tuy nhiên, hành vi bạo lực của người cha cũng rất khó chấp nhận vì có thể làm tổn hại đến sức khỏe, tinh thần của cháu bé, vi phạm pháp luật.
Không chỉ bạo lực về thể chất mà còn nhiều vụ việc bạo lực trên cơ sở giới khác rất đáng chê trách. Lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hải Dương cho biết đơn vị từng nhận được đơn kêu cứu của một nam giới trên địa bàn. Lúc đầu đọc đơn, ai cũng nghĩ rằng đây là một vụ “bạo hành ngược” khi đối tượng bị bạo hành là nam giới. Anh này cho biết cuộc sống của gia đình đang rất hạnh phúc, không có mâu thuẫn gì lớn lao nhưng chị vợ bỗng nhiên nằng nặc đòi ly hôn, khiến anh sup sụp tinh thần.
Nhưng sau khi cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ vào cuộc tìm hiểu sự việc, mọi chuyện vỡ lở, cho thấy rằng người chồng này đã dùng chiêu đánh vào tâm lý của vợ và mọi người để giành quyền nuôi con. Trên thực tế, do có sự khác biệt về văn hóa và lối sống nên người vợ đã phải chịu đựng rất nhiều điều áp đặt trong thời gian sống chung với nhà chồng. Cả gia đình chồng đều không chia sẻ mà luôn chì chiết cô. Thậm chí, bố chồng và chồng còn thường xuyên dùng những lời lẽ cục cằn, thô tục… chửi bới cô. Vậy nên khi được hỏi, cô nói mong ước lớn nhất của mình là được ly hôn để có cơ hội làm lại cuộc đời. Sự đau khổ và chân thành thể hiện rõ trên gương mặt và ánh mắt của người phụ nữ ấy, nó khác hẳn với những lời lẽ trong lá đơn kêu cứu của người chồng thuê luật sư viết hộ.
Game show "Gia đình yêu thương" của Đài Phát thanh - Truyền hình Hải Dương định hướng các thành viên trong gia đình cần sự bình đẳng, tôn trọng và yêu thương nhau
Cần chung tay hành động
Thông tin tại lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 vừa qua đã chỉ ra rằng, tại Hải Dương trong thời gian qua, bên cạnh kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải quan tâm.
Đó là tình trạng bạo lực xâm hại, mua bán phụ nữ và trẻ em, lựa chọn giới tính khi sinh vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp. Định kiến giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, nhất là trong gia đình, tư tưởng nam giới phải là “trụ cột” còn phụ nữ phải là nội trợ, chăm sóc gia đình gây ra lệch lạc về vai trò của mỗi giới, dẫn đến thiếu sự chia sẻ trách nhiệm trong công việc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội. Bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra...
Hiện không có thống kê và cũng không thể thống kê chính xác những vụ việc, hành vi bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thường xuyên nghe về những vụ việc như trên. Trong năm nay, Hội Liên hiệp phụ nữ Kinh Môn đã đứng ra hòa giải 5 vụ việc bạo lực gia đình. Trung tâm Y tế các huyện Thanh Hà và Nam Sách, tiếp nhận ít nhất 4 trường hợp phụ nữ bị chồng bạo hành vào điều trị. Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra khoảng 50 vụ xâm hại trẻ em…
“Bạo lực trên cơ sở giới trong xã hội hiện nay vẫn diễn ra. Bằng chứng là thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ Kinh Môn vẫn phải đứng ra hòa giải các vụ mâu thuẫn, bạo lực gia đình, vận động chị em vượt qua rào cản gia đình để tham gia các công tác xã hội”, chị Lê Thị Chinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã Kinh Môn cho biết.
Thời gian qua, Hải Dương đã triển khai nhiều hoạt động thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng này, hướng đến sự bình quyền đầy đủ của cả nam nữ, theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo - Chính sách pháp luật (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương) cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội. Tăng cường công tác truyền thông trên mọi nền tảng. Bản thân mỗi người, đặc biệt là phụ nữ cần nâng cao năng lực kinh tế - xã hội. Cần nhận thức rõ rằng, khi bạo lực xảy ra thì cả nam và nữ đều tổn thương, có thể là về thể chất, tinh thần, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Từ đó, để mỗi người có cách ứng xử phù hợp hơn trước những sự việc trong cuộc sống liên quan đến bình đẳng giới.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, bạo lực trên cơ sở giới là bạo lực nhằm vào một người dựa trên cơ sở giới tính của người đó. Nó bao gồm các hành động gây ra những tổn hại về thể chất, tâm lý và tình dục, những đe dọa dẫn đến những hành động nói trên, sự ép buộc và những hình thức khác nhằm tước bỏ tự do của người đó...
NGỌC THANH