Cuộc sống của bầy voi đang ngày một ổn định trong KBTV.
Nhiều năm qua, tình trạng phá rừng diễn ra tại nhiều địa phương làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài động vật hoang dã. Môi trường sống bị thu hẹp, xung đột với con người diễn ra thường xuyên dẫn đến một số loài đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. Trước thực trạng này, năm 2017 Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi (KBTV) có diện tích gần 19.000ha thuộc 2 xã Quế Lâm và Phước Ninh, huyện Nông Sơn (Quảng Nam) được Nhà nước thành lập nhằm bảo tồn loài voi Châu Á đang có nguy cơ biến mất trên hệ sinh thái rừng Việt Nam.
Theo đó, KBTV Quảng Nam được cấu thành từ 4 sinh cảnh: Sinh cảnh voi; Sinh cảnh chim di cư; Sinh cảnh rừng giàu, trung bình, nghèo (LRTX) nhiệt đới ẩm; Sinh cảnh rừng LRTX nhiệt đới kết hợp với vùng đệm là đất sản xuất và rừng trồng. Theo kết quả điều tra của các nhà khoa học, tại KBTV có 586 loài thực vật (có 45 loài có tên trong Sách Đỏ của IUCN và Việt Nam), 50 loài thú (8 loài được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới) cùng nhiều loài chim, bò sát... mang tính đặc hữu.
Ông Mai Văn Dưỡng - Giám đốc KBTV trao đổi, nhờ sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương cùng sự hỗ trợ về chuyên môn của các ngành chức năng, dù mới được thành lập song KBTV đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cụ thể, nhận thức của người dân trong bảo vệ và phát triển rừng ngày một nâng cao, tình trạng vi phạm pháp luật về rừng đã có chiều hướng giảm xuống, duy trì quy luật phát triển, bảo vệ sự ổn định của hệ sinh thái giúp đàn voi có điều kiện sống ổn định và phát triển. “Một tin vui đến với chúng tôi, vào năm 2021, đàn voi đã sinh thêm 1 con non”, ông Dưỡng chia sẻ thêm.
Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và bữa cơm trưa trên đường tuần tra.
Theo tìm hiểu, từ khi đi vào hoạt động, KBTV đã tạo những hiệu ứng tích cực đến đời sống, tập quán canh tác của đồng bào một số dân tộc ít người cư trú lâu đời ở vùng đệm. Người dân từng bước biết áp dụng kỹ thuật vào canh tác nông lâm kết hợp, mang lại hiệu quả theo hướng bền vững. Tất cả người dân vùng đệm đều tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng, được hưởng các khoản hỗ trợ từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng... Bên cạnh việc bảo tồn rừng, tạo sinh cảnh cho đàn voi, KBTV còn hướng đến thực hiện nhiều mục tiêu, như: dịch vụ lưu trữ carbon, phát triển du lịch sinh thái, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đệm... nhằm bảo tồn và phát triển các loài động thực vật quý hiếm, đặc hữu và xây dựng đề án, phát triển du lịch, nâng cao các giá trị của KBTV. Theo ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, việc phát triển du lịch sinh thái trong KBTV sẽ góp phần gìn giữ văn hóa địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế, đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên, mang lại thu nhập bền vững và bình đẳng cho cộng đồng địa phương. Theo đó, nhiều mô hình du lịch sinh thái sẽ được phát triển, như: quan sát voi và thú móng guốc tại Quế Lâm; du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng tại Phước Ninh; tour quan sát chim, trekking khu vực Hòn Mỏ... Bên cạnh đó, để giải quyết triệt để tình trạng xung đột giữa người và voi rừng, gây thiệt hại về tài sản cũng như đe dọa đến tính mạng của người dân sinh sống trong vùng đệm, năm 2019 lãnh đạo KBTV kết hợp với Ban Quản lý Dự án Trường Sơn Xanh nghiên cứu, đề xuất Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam hỗ trợ trồng hàng rào sinh thái xanh bằng cây bồ kết dọc theo ranh giới khu bảo tồn. Kết quả, đến nay hàng rào bằng cây bồ kết có diện tích 12ha, có chiều dài 2,7km, rộng 45m được hình thành đã ngăn chặn triệt để nạn voi rừng xuất hiện trong khu vực sản xuất của người dân.
“Có thể nói, từ khi KBTV đi vào hoạt động cuộc sống của bầy voi Châu Á tại Quảng Nam đã dần đi vào ổn định và sinh trưởng tốt. Bên cạnh đó, ý thức cùng cách hành xử của người dân đối với rừng đã thay đổi theo hướng thân thiện. Ngoài ra, với thu nhập từ việc tham gia lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng cũng góp phần cải thiện kinh tế của nhiều gia đình tại địa phương”, ông Nguyễn Văn Tường - Phó giám đốc KBTV, chia sẻ.
MINH TRÍ