Quang cảnh thị trấn Nuuk, Greenland. Ảnh: THX/TTXVN
Trong thời gian qua, những đề xuất đối với Greenland của Tổng thống Trump đã gây ra những sự phẫn nộ nhất định và nhiều lần bị phía Đan Mạch phản đối. Tuy vậy, theo một số nguồn tin, trong những tuần gần đây, các quan chức Nhà Trắng đã có những bước đi nhằm xác định những khoản tài chính phải bỏ ra trong trường hợp Greenland trở thành lãnh thổ của Mỹ. Điều này bao gồm chi phí cung cấp dịch vụ của chính phủ Mỹ cho khoảng 58.000 cư dân trên đảo.
Những ước tính chi phí cho tham vọng của Tổng thống Trump
Tại Văn phòng Ngân sách Nhà Trắng, các nhân viên đang tìm hiểu các khoản chi phí tiềm tàng để Greenland tiếp tục duy trì hoạt động nếu hòn đảo này được mua lại. Họ cũng đang cố gắng ước tính nguồn thu mà Bộ Tài chính Mỹ có thể thu được từ nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Greenland.
Một phương án đang được phía Mỹ cân nhắc là đưa ra một thỏa thuận hấp dẫn hơn với chính quyền hòn đảo Greenland so với Đan Mạch – quốc gia hiện đang trợ cấp khoảng 600 triệu USD mỗi năm cho hòn đảo này.
“Mức này cao hơn nhiều so với con số đó”, một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ khi so sánh với các khoản mà phía Đan Mạch đang hỗ trợ cho Greenland.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết: “Có một cuộc thảo luận về lợi ích và chi phí đối với Mỹ nếu chúng ta mua lại Greenland. Chúng ta sẽ phải trả bao nhiêu để duy trì Greenland như một lãnh thổ của Mỹ?”.
Vị quan chức này nhấn mạnh rằng các phân tích chi phí đang dựa trên giả định rằng người dân Greenland bỏ phiếu và ủng hộ việc sáp nhập vào Mỹ. Ông nói thêm: “Nếu chúng ta có được nó (Greenland) thì chúng ta sẽ phải tốn bao nhiêu để chăm sóc những người này như một phần của chương trình bảo vệ Bắc Cực?”.
Vị quan chức này tiết lộ rằng trong số những thương vụ “thâu tóm” mà Tổng thống Trump từng đề xuất, bao gồm cả Canada và kênh đào Panama thì vấn đề Greenland được ông đánh giá là “nơi dễ dàng nhất”.
Phản ứng của Đan Mạch và Greenland về đề nghị của Tổng thống Trump
Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rằng Mỹ sẽ “có được” Greenland. Vào ngày 29/3, phát biểu với NBC News, ông Trump cho rằng điều này là 100%. Khi được hỏi liệu có liên quan đến vũ lực hay không, ông đã nói rằng “khả năng cao là chúng tôi có thể làm được mà không cần vũ lực” nhưng “không loại trừ bất cứ điều gì”.
Các kế hoạch nội bộ cho thấy tham vọng của chính quyền ông Trump trong việc mua lại Greenland không chỉ là suy nghĩ nhất thời của tổng thống mà đang dần được phản ánh vào chính sách của chính phủ.
Sự quan tâm của Tổng thống Trump đối với việc giành quyền kiểm soát hòn đảo từ một đồng minh NATO đã gây ra sự hoài nghi từ Copenhagen. Đan Mạch nhiều lần bày tỏ sẵn sàng để Washington mở rộng hiện diện quân sự và kinh tế tại Greenland mà không cần thay đổi ranh giới lãnh thổ.
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen dự kiến sẽ có chuyến thăm kéo dài ba ngày tới Greenland bắt đầu từ ngày 2/4 theo lời mời của chính quyền mới của hòn đảo. Điều này dường như nhằm minh chứng những cam kết của Đan Mạch trong việc tăng cường sự bền chặt trong quan hệ với vùng lãnh thổ này.
Trong khi đó, phản ứng trước đề nghị của Tổng thống Trump, các nhà lãnh đạo Greenland khẳng định tương lai của hòn đảo sẽ do chính người dân quyết định, chứ không phải ai khác.
Vào ngày 30/3, Thủ hiến Greenland Jens-Frederik Nielsen đã đăng tải bài viết trên Facebook cho biết: “Chúng ta phải lắng nghe khi người khác nói về chúng ta. Nhưng chúng ta không được dao động. Chúng ta không được hành động vì sợ hãi. Chúng ta phải phản ứng bằng hòa bình, phẩm giá và sự đoàn kết. Và thông qua những giá trị này, chúng ta phải cho Tổng thống Mỹ thấy rõ ràng và bình tĩnh rằng Greenland là của chúng ta”.
Phát biểu của Thủ hiến Greenland đưa ra khi ông vừa mới nhậm chức được vài ngày sau một cuộc bầu cử mà đề xuất của ông Trump với hòn đảo này là chủ đề trọng tâm.
Những động thái gần đây của chính quyền Mỹ với Greenland
Trong tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã trở thành quan chức Mỹ cấp cao nhất từng đến thăm Greenland. Khi đó, ông đã cùng với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Waltz và Đệ nhị Phu nhân Usha Vance đến thăm một căn cứ quân sự Mỹ.
Tại Greenland, Phó Tổng thống Vance thể hiện sự không đồng thuận với Đan Mạch trong quản lý lãnh thổ rộng lớn này và khẳng định Washington sẽ là đối tác tốt hơn với Greenland.
“Thông điệp của chúng tôi gửi tới Đan Mạch rất rõ ràng. Các bạn đã không làm tốt nhiệm vụ của mình với người dân Greenland. Các vị đã đầu tư quá ít vào họ và cả vào hệ thống an ninh của vùng lãnh thổ rộng lớn, tuyệt đẹp này, nơi có những con người tuyệt vời”, ông Vance tuyên bố.
“Chúng ta không thể phớt lờ nơi này. Chúng ta không thể phớt lờ mong muốn của Tổng thống (Donald Trump), nhưng quan trọng nhất, chúng ta không thể phớt lờ thực tế rằng Nga và Trung Quốc đang gia tăng hiện diện tại Greenland. Chúng ta phải hành động nhiều hơn”, ông Vance nói thêm.
Tổng thống Trump coi việc kiểm soát Greenland là một chiến thắng chiến lược cho Mỹ, không chỉ vì tài nguyên khoáng sản của hòn đảo mà còn vì vị trí địa lý quan trọng. Nằm ở điểm nút quan trọng giữa Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương, Greenland gần các tuyến đường biển quan trọng cho thương mại và di chuyển quân sự, bao gồm cả các tuyến đường dành cho tàu ngầm—một phương tiện quan trọng giúp các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân thể hiện sức mạnh.
Tuy nhiên, một quan chức Nhà Trắng cảnh báo rằng đây chưa phải là ưu tiên hàng đầu trong danh sách các vấn đề an ninh quốc gia. Việc sở hữu Greenland được mô tả như một “kế hoạch bổ sung” chỉ được xem xét sau khi chính quyền Mỹ giải quyết các mục tiêu chính, trọng tâm trong năm nay như: chấm dứt xung đột Nga - Ukraine, đảm bảo hòa bình giữa Israel và Gaza, cũng như vấn đề liên quan đến vũ khí hạt nhân Iran.
Những vấn đề của chính quyền Mỹ nếu tìm cách sở hữu Greenland
Chính quyền Trump hy vọng có thể thuyết phục công chúng Mỹ rằng chính phủ liên bang sẽ thu hồi chi phí từ “thương vụ” Greenland thông qua nguồn thu khoáng sản và tiền thuế từ các hoạt động thương mại.
Chia sẻ về các cuộc thảo luận nội bộ, một nguồn tin giấu tên cho biết Nhà Trắng đang khiến cho các đề nghị đưa Greenland trở thành một phần của Mỹ trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, lợi ích kinh tế tiềm năng từ nguồn tài nguyên khoáng sản của Greenland vẫn chưa thực sự rõ ràng. Khai thác khoáng sản vốn là lĩnh vực khó đoán định và điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại Greenland càng làm tăng thêm thách thức. Chính quyền Greenland cũng đã từ chối một số dự án khai khoáng trong quá khứ.
Cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden, ông Alex Jacquez cho biết: "Ý tưởng về việc Mỹ sẽ khai thác quy mô lớn các mỏ chưa thăm dò, có thể không có giá trị kinh tế và hiện đang bị băng bao phủ tại nơi không muốn chúng ta có mặt ở đó, là điều không thể chấp nhận được". Ông cho rằng đấy chỉ là giấc mơ của Tổng thống Trump và là cơ hội để các nhà đầu tư “có quan hệ” với tìm cách kiếm lời nhanh chóng.
Ông Stephen K. Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, cho biết: “Tổng thống Trump bị ám ảnh bởi Greenland vì tầm quan trọng của nó đối với an ninh quốc gia… Đây là chiến lược hải quân sáng suốt nhất từ trước đến nay và rất cần thiết để bảo vệ đất nước mãi mãi. Sẽ có một thỏa thuận”.
Vào tháng 1, Diễn đàn Hành động Mỹ - một nhóm nghiên cứu theo đường lối trung hữu – nhận định giá trị thị trường của trữ lượng khoáng sản của Greenland cho thấy có thể sở hữu hòn đảo với giá 200 tỷ USD. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu này cho rằng giá trị chiến lược của hòn đảo ở Bắc Đại Tây Dương có thể lên đến 3.000 tỷ USD.
“Hiện tại, chúng ta chỉ có một địa điểm có thể dõi theo những diễn biến ở Bắc Đại Tây Dương, đó là Iceland. Greenland sẽ cung cấp cho bạn điều đó cùng với các tuyến đường vận chuyển khi băng ở vùng cực đang tan. Đó là một địa điểm chiến lược hơn”, ông Doug Holtz-Eakin, chủ tịch của nhóm cho biết.
Trong quá khứ, việc mở rộng lãnh thổ của Mỹ đã diễn ra thông qua việc mua lại hoặc tiến hành các cuộc chiến. Quần đảo Virgin thuộc Mỹ được mua từ Đan Mạch vào năm 1917. Guam, Puerto Rico được giành lại sau cuộc chiến với Tây Ban Nha. Hawaii được sáp nhập sau khi chế độ quân chủ tại đây bị lật đổ trong một cuộc đảo chính mà Quốc hội Mỹ sau này thừa nhận có sự tham gia của nước này.
Các nhà phân tích cho biết tham vọng của Tổng thống Trump dường như chứa đựng sự kết hợp giữa ý thức hệ trong lịch sử với sự toan tính về mặt kinh tế.
“Một trong những lợi ích mà họ nghĩ đến là tái tạo lại bản sắc của biên giới Mỹ. Thật khó để định lượng điều đó bằng tiền”, ông Sam Hammond, nhà kinh tế trưởng tại nhóm nghiên cứu Quỹ Đổi mới Mỹ cho biết.
“Nhưng những lợi ích an ninh quốc gia thiết thực hơn như việc sử dụng Greenland làm nơi tập kết để đóng tàu phá băng và mở rộng quyền kiểm soát vùng Bắc Cực, đồng thời một điều hiển nhiên là sẽ sở hữu thêm đất đai và tài nguyên thiên nhiên”.
Bình Thanh/Báo Tin tức