Chia sẻ với hãng tin TASS, ông Dmitry Suslov, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện châu Âu và Quốc tế thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga, cho rằng việc Tổng thống Hoa kỳ Joe Biden cho phép sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga phản ánh sự can thiệp trực tiếp của Washington vào tình hình chiến sự tại khu vực Kursk.
Ông Dmitry Suslov cho rằng việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine là hành động can thiệp trực tiếp của Hoa Kỳ vào chiến trường Kursk. Ảnh: Valdai Discussion Club.
"Quyết định này cuối cùng đã xóa bỏ mọi nghi vấn về sự tham gia của Hoa Kỳ vào toàn bộ cuộc chiến tại Kursk của Kiev. Chúng ta đang nói về thực tế là Hoa Kỳ dựa trên dữ liệu tình báo của Hoa Kỳ, sẽ tấn công bằng tên lửa tầm xa sâu vào lãnh thổ Nga", ông Suslov khẳng định.
Nhà phân tích nói thêm: "Quyết định này nhằm ngăn chặn hoặc ít nhất là làm phức tạp thêm việc giải phóng khu vực Kursk trong tương lai gần, tước đi một trong những quân bài chủ chốt của Kiev trong các cuộc đàm phán".
Trước đó, tờ New York Times đưa tin rằng Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine tấn công sâu vào Nga bằng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS. Trong khi đó, các nguồn tin của tờ Le Figaro khẳng định rằng Pháp và Anh cũng đã cho phép Ukraine tấn công bằng tên lửa chiến thuật SCALP và Storm Shadow vào lãnh thổ Nga. Hiện phía Washington, Paris và London chưa có phản hồi chính thức về thông tin này.
Theo ông Suslov, Tổng thống Joe Biden lo ngại rằng thất bại của Kiev ở khu vực Kursk có thể khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rơi vào thế bất lợi và "dễ bị tổn thương" trước khi các cuộc đàm phán xảy ra. "Đó là lý do tại sao ông ấy đưa ra quyết định trên", ông Suslov khẳng định.
Còn theo nhà nghiên cứu cấp cao Alexander Stepanov, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, quyết định của Tổng thống Joe Biden đã thiết lập đường lối chiến tranh công khai giữa Hoa Kỳ và Nga.
"Đây không chỉ là một bước đi chiến thuật trong khuôn khổ của cuộc chiến tại Kursk, mà còn có thể nghiêm trọng hơn. Đây là một bước đi làm phức tạp thêm quá trình giải quyết hòa bình ở Đông Âu và kéo châu Âu và Hoa Kỳ vào cuộc leo thang xung đột", chuyên gia này cảnh báo, trong một cuộc phỏng vấn với trang tin TASS.
Ông Stepanov nhấn mạnh, việc Hoa Kỳ cho phép các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa có độ chính xác cao sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vạch ra trước đó. "Rõ ràng là Nga sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ, và điều này có thể dẫn đến hậu quả không thể đảo ngược đối với lực lượng Hoa Kỳ tại châu Âu", ông Stepanov lưu ý.
Cụ thể, ông Stepanov cho biết hành động của Hoa Kỳ sẽ tạo ra thêm các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga, và có thể yêu cầu nước này có hành động “răn đe hạt nhân". “Chúng tôi không thể xác định được loại vũ khí tên lửa nào mà Hoa Kỳ sẽ giao cho Ukraine, hoặc liệu có bất kỳ thành phần đầu đạn hạt nhân trong các vũ khí đó hay không. Nếu có, tình hình khu vực sẽ leo thang không kiểm soát", chuyên gia kết luận.
Đồng quan điểm, giáo sư Daniel Kovalik, thuộc Đại học Pittsburgh (Hoa Kỳ), khẳng định: "Rõ ràng là quyết định này rất nguy hiểm đến mức có thể dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba. Nó cũng có thể dẫn đến việc nhiều nước sử dụng vũ khí hạt nhân."
Chia sẻ với hãng tin TASS, Giáo sư Kovalik khẳng định: "Không có gì nguy hiểm hơn đối với thế giới bằng hành động này''.
Phú Quý (theo TASS)