Báo Nhật chú ý đến chiến lược của Việt Nam thu hút nhân tài ở nước ngoài

Báo Nhật chú ý đến chiến lược của Việt Nam thu hút nhân tài ở nước ngoài
12 giờ trướcBài gốc
Phòng nghiên cứu công nghệ nano hiện đại của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN phát
Minh Hoang chia sẻ với phóng viên tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) rằng gia đình 5 người của anh vừa chuyển nhà, tận hưởng cuộc sống sung túc nhờ công việc lương cao trong ngành công nghệ. Vợ Minh Hoang vốn là kỹ sư dữ liệu tại TikTok. Cô phản đối việc chuyển cả gia đình trở về quê hương.
Tuy nhiên, Minh vẫn giữ ước mơ cháy bỏng trở về Việt Nam. Tháng 1 năm nay, Minh nắm được thông tin về vị trí tuyển dụng trong lĩnh vực dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam và anh muốn công việc này. Lần này, vợ Minh đã đồng ý. Cô tin rằng các con của họ có thể thích nghi với thay đổi. Chỉ trong vòng ba tháng, Minh đã trở về Việt Nam, đoàn tụ cùng gia đình.
Ngồi trên vỉa hè đông đúc ở Hà Nội, Minh nói với đôi mắt ngập tràn nhiệt huyết: "Tôi có mọi thứ ở Mỹ, một công việc tốt, ngôi nhà đẹp, cuộc sống ổn định. Nhưng làm việc ở Việt Nam đồng nghĩa với việc tôi có thể đóng góp cho đất nước nơi tôi sinh ra”.
Minh hiện là giám đốc dữ liệu tại một doanh nghiệp ở Hà Nội. Anh là ví dụ điển hình cho rất nhiều lao động Việt Nam có tay nghề cao đang sống ở nước ngoài được khuyến khích trở về nước.
Ngày 17/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam cho biết, việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khi thực hiện thủ tục nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam. Qua đó, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết, thúc đẩy chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Sáng 24/6, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025 với nhiều quy định mới về nới lỏng điều kiện nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam, các trường hợp được giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập tịch…
Nikkei Asia đưa tin rằng, nhiều nhà quan sát nhận định rõ ràng Việt Nam cần những chuyên gia có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm tiếp xúc với các nền kinh tế tiên tiến như Minh, để lãnh đạo và tạo ra những đột phá trong khoa học và công nghệ, bao gồm cả lĩnh vực bán dẫn và AI.
Bà Ingrid Christensen - giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đánh giá việc mở rộng lực lượng lao động thông qua cải cách trong nước, thúc đẩy di cư công bằng và an toàn, có thể là hướng tiếp cận phù hợp cho Việt Nam. Bà nhận định: “Trong bối cảnh Việt Nam gia tăng nỗ lực khẳng định vị thế trong các lĩnh vực chiến lược có tốc độ tăng trưởng nhanh như ngành bán dẫn, nhu cầu thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia giàu kinh nghiệm và kiến thức chuyên biệt như kỹ sư thiết kế chip, sẽ ngày càng trở nên cấp thiết, nhằm bổ trợ và nâng cao trình độ cho lực lượng lao động nội địa”.
Anh Kim Pham (36 tuổi), một công dân Mỹ gốc Việt, từng làm việc tại Accenture và Bank of America. Cô chuyển đến Hà Nội ba năm trước với vị trí Trưởng bộ phận Cơ sở dữ liệu tại một ngân hàng Việt Nam. Nếu Anh Kim Pham có thể đạt được 2 quốc tịch theo luật mới, cô sẽ không cần thị thực lao động nữa và có thể sẽ được hưởng đầy đủ quyền sở hữu bất động sản và các dịch vụ ngân hàng mà hiện tại chỉ dành cho công dân Việt Nam.
Anh Kim Pham chia sẻ: "Ở Việt Nam, tôi được công nhận, được lắng nghe và có thể trực tiếp hỗ trợ phát triển kỹ năng cho cả nhóm. Còn tại Mỹ, hầu hết thời gian bạn chỉ làm việc độc lập, như một cá nhân riêng lẻ, nhỏ bé trong lực lượng lao động hơn 100.000 người".
Hà Linh/Báo Tin tức và Dân tộc (Theo Nikkei Asia)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/bao-nhat-chu-y-den-chien-luoc-cua-viet-nam-thu-hut-nhan-tai-o-nuoc-ngoai-20250726172347989.htm