Trung niên là giai đoạn mà mọi người đều sẽ trải qua, là bước đệm giữa tuổi trẻ và tuổi già. Trước khi bước vào giai đoạn này, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận những thay đổi của cơ thể, đồng thời có những điều chỉnh trong lối sống nhằm đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Trước hết, bạn cần biết bao nhiêu tuổi được gọi là trung niên và giai đoạn này kết thúc vào lúc nào.
Bao nhiêu tuổi được gọi là trung niên?
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giai đoạn trung niên thường kéo dài từ khoảng 40 đến 65 tuổi. Tuy nhiên, mốc tuổi này có thể dao động tùy thuộc vào quan điểm văn hóa, sức khỏe, và lối sống của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng.
Các nhà xã hội học thường chia cuộc đời thành nhiều giai đoạn và trung niên được nhắc đến như giai đoạn thứ tư, sau thời kỳ trưởng thành sớm. Ở nhiều quốc gia phát triển, tuổi thọ con người được kéo dài nhờ vào sự tiến bộ của y học, từ đó giai đoạn trung niên có thể bắt đầu muộn hơn.
Bao nhiêu tuổi được gọi là trung niên? (Ảnh: TheJakartaPost)
Tuổi trung niên thường đi kèm với nhiều thay đổi cả về mặt thể chất, tâm lý lẫn xã hội. Về mặt sức khỏe, đây là giai đoạn mà cơ thể bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu lão hóa như suy giảm thị lực, tóc bạc, da bắt đầu nhăn nheo; các vấn đề về tim mạch và xương cũng cần được chú trọng.
Tâm lý ở độ tuổi này cũng thay đổi đáng kể. Nhiều người bắt đầu suy ngẫm về những thành tựu, thất bại và định hướng lại cuộc sống. Đôi khi, hiện tượng "khủng hoảng tuổi trung niên" xảy ra khi con người cảm thấy mình đã qua nửa cuộc đời mà chưa thực hiện được những ước mơ hay dự định.
Trong độ tuổi này, nhiều người đang ở đỉnh cao sự nghiệp, chủ trọng nuôi dưỡng thế hệ con cái tiếp theo hoặc chăm sóc cha mẹ già, đóng vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội.
Tuổi trung niên có vai trò rất lớn với xã hội. (Ảnh: Mike)
Nên làm gì ở tuổi trung niên?
Nghiên cứu của Viện Thống kê Quốc gia (ONS) tại Anh cho thấy, áp lực chăm sóc con cái và cha mẹ già là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc của nhóm tuổi này. Những người trên 90 tuổi cũng cho biết họ cảm thấy hài lòng và hạnh phúc hơn so với những người ở độ tuổi 40 - 59. Phụ nữ trải qua mức độ lo lắng cao hơn nam giới, nhưng họ lại thể hiện sự hài lòng và hạnh phúc tốt hơn so với nam giới.
Trung niên không chỉ là giai đoạn diễn ra những thay đổi sinh học mà còn là một cơ hội để các cá nhân phát triển, đổi mới và đặt ra những mục tiêu mới cho thời gian còn lại của cuộc đời. Đây có thể là thời điểm để khám phá những sở thích mới, tham gia hoạt động cộng đồng, hoặc tối ưu hóa sức khỏe thông qua chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh.
Để tận dụng tối đa những năm tháng trung niên, việc duy trì một lối sống lành mạnh là rất quan trọng. Điều này bao gồm việc tập luyện đều đặn, ăn uống cân đối, và quản lý stress một cách hiệu quả. Kiểm tra sức khỏe định kỳ và duy trì các mối quan hệ xã hội cũng là những yếu tố không thể thiếu giúp nâng cao chất lượng cuộc sống trong suốt giai đoạn này.
Nhật Thùy