Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, vùng gần tâm bão có sức gió mạnh cấp 9-10 (tốc độ trên 100km/giờ), giật cấp 13, kèm theo mưa lớn trên diện rộng.
Vùng biển Cô Tô sáng 22-7 vẫn còn mưa nhưng sóng lớn đã giảm. Ảnh: THU BÁU
Tại Đặc khu Cô Tô, từ đêm 21 đến rạng sáng 22-7, mưa lớn và gió mạnh đã khiến khu vực này mất điện diện rộng, gây khó khăn trong công tác ứng phó, nhất là tại các điểm sơ tán, tránh trú và các đơn vị cứu hộ trên đảo.
Tuy nhiên, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng triển khai máy phát điện dự phòng tại các cơ sở trọng yếu như trạm y tế, trụ sở UBND, các điểm sơ tán... Đồng thời, tăng cường ứng trực, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, bảo đảm an toàn cho người dân.
Lực lượng chức năng tại đặc khu Cô Tô kiểm tra công tác phòng chống bão tại Trung tâm y tế Cô Tô đêm 21-7. Ảnh: THU BÁU
Bão số 3 gây mất điện tại đặc khu Cô Tô khiến công tác phòng chống gặp nhiều khó khăn. Ảnh: THU BÁU
Tới 7 giờ sáng nay, Bí thư Đảng ủy đặc khu Cô Tô Lê Ngọc Hân xác nhận: “Cô Tô an toàn trong bão số 3”. Bà cho biết, từ tờ mờ sáng, hệ thống chính quyền cơ sở liên tục báo cáo ngắn gọn “địa bàn an toàn”.
“Thật xúc động, khi cùng với các dòng thông tin đổ về, chúng tôi nhận được hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay tại cột cờ chủ quyền trên đảo Thanh Lân - hòn đảo nằm biệt lập với đảo Cô Tô lớn có gần 2.000 dân sinh sống. Xin cảm ơn tình cảm của tất cả mọi người hướng về biển đảo, dành cho Cô Tô sự quan tâm, động viên kịp thời để cán bộ, quân và nhân trên đảo kiên cường vượt bão thành công! Hiện tại các thôn khu và các đảo đều đảm bảo an toàn cho người dân, toàn đặc khu chưa ghi nhận thiệt hại nào đáng kể”, Bí thư Cô Tô bày tỏ.
Cột cờ chủ quyền trên đảo Thanh Lân ở đặc khu Cô Tô vững vàng sau một đêm mưa bão
Tại Đặc khu Vân Đồn, mưa gió bắt đầu giảm từ sáng sớm. Đến 7 giờ, chưa ghi nhận thiệt hại về người. Một số cây xanh, biển quảng cáo bị gãy đổ tại khu dân cư, các tuyến đường chính. Chính quyền địa phương đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương kiểm tra, thống kê và xử lý các sự cố nếu có.
Lực lượng chức năng thu dọn cây xanh bị đổ, gãy trên địa bàn Hạ Long vào sáng 22-7
Tại khu vực trung tâm Quảng Ninh như Hạ Long, Hồng Gai, Bãi Cháy..., mưa vừa và gió cấp 5-6, giật cấp 7 vẫn tiếp diễn trong sáng nay. Một số cây xanh, biển hiệu bị đổ do gió mạnh, nhưng người dân được bảo đảm an toàn.
Lực lượng chức năng tiến hành khắc phục sữa chữa một tấm pano ở Hạ Long bị hư hỏng do bão số 3 gây ra
Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, từ tối 21-7, lực lượng chức năng đã cấm mô tô và phương tiện thô sơ lưu thông qua cầu Bãi Cháy do gió giật cấp 7-8. Tới 7 giờ 45 sáng nay, khi gió giảm, rào chắn đã được tháo dỡ, các phương tiện được phép lưu thông trở lại. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo người dân chú ý an toàn, giữ khoảng cách và tốc độ khi lưu thông qua cầu.
* Hồi 8 giờ 30 phút, Hà Nội bắt đầu có gió rít. Các chuyên gia khí tượng thông tin, vào lúc 7 giờ 50 phút ngày 22-7, bão số 3 đã suy yếu hơn khi còn ở trên vùng biển Hải Phòng - Ninh Bình và có xu hướng dịch chuyển dần xuống phía Nam.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 22-7, tâm bão nằm trên vùng biển ven bờ Hải Phòng - Ninh Bình.
Bão còn cấp 9, giật cấp 12, di chuyển chậm với tốc độ khoảng 15km/giờ.
Vị trí tâm bão và khu vực đổ bộ cập nhật lúc 8 giờ ngày 22-7 từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia
Dự báo trưa nay, tâm bão đổ bộ vào khu vực Hưng Yên - Ninh Bình rồi tiếp tục suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây ảnh hưởng trên đất liền từ Hải Phòng đến Thanh Hóa.
Mô hình của GFS (Hoa Kỳ) dự báo tâm bão số 3 (Wipha) đổ bộ trưa đến chiều 22-7
Tính đến sáng 22-7, do ảnh hưởng bão lệch về phía Nam và di chuyển từ vịnh Bắc Bộ vào đất liền theo hướng Tây Tây Nam, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đang tăng nhanh tại nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng núi Thanh Hóa và Nghệ An trong ngày và đêm 22-7.
Tâm mưa hội tụ ở phía Nam đồng bằng sông Hồng và Thanh Hóa - Nghệ An. Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia
Ông Nguyễn Hữu Huỳnh, chuyên gia của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, cảnh báo: trong 12 giờ qua, các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Nghệ An đã có mưa vừa đến rất lớn.
Một số điểm ghi nhận lượng mưa lớn như Vạn Mai (Phú Thọ) đạt 115mm, Thạch Quảng (Thanh Hóa) 95mm, Mường Lống (Nghệ An) 69mm. Mô hình độ ẩm đất cho thấy nhiều khu vực tại 3 tỉnh này đã đạt trạng thái gần bão hòa hoặc bão hòa hoàn toàn, với độ ẩm trên 85%.
Mưa như trút ở Thanh Hóa sáng 22-7. Ảnh: VOV
Trong 3 đến 6 giờ tới, khu vực này tiếp tục có mưa, có nơi vượt 100mm đi kèm nguy cơ sạt lở và ngập úng, lũ quét.
Tỉnh Lào Cai chủ động sơ tán người dân tại phường Sa Pa để tránh nguy cơ sạt lở khi bão số 3 đổ bộ. Ảnh: T.H.S.P
Đường Hà Nội vắng hơn thường lệ. Tầm 8 giờ 30 phút bắt đầu xuất hiện gió rít
Cục Khí tượng - Thủy văn liên tục phát các bản tin cảnh báo nguy cơ mưa lũ sạt lở ở khu vực bão đổ bộ. Dự báo từ ngày 22 đến 23-7, khu vực đồng bằng Bắc bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to kèm dông, lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 300mm.
Các khu vực khác ở Bắc bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa đến to, có nơi mưa rất to, với tổng lượng phổ biến 50-100mm, cục bộ có nơi vượt 150mm.
NGUYỄN QUỐC - PHÚC HẬU