Bão số 3 nằm trên đất liền các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa, sắp suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Bão số 3 nằm trên đất liền các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa, sắp suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
7 giờ trướcBài gốc
Hồi 8 giờ ngày 22-7, do ảnh hưởng của bão số 3, tại các đặc khu ven biển đã có gió mạnh.
Cụ thể: Bạch Long Vĩ cấp 10, giật cấp 12; Cô Tô cấp 8, giật cấp 11; Cát Bà cấp 6, giật cấp 8; Cửa Ông cấp 9, giật cấp 12; Bãi Cháy cấp 8, giật cấp 9; Quảng Hà cấp 8; Tiên Yên cấp 7, giật cấp 9; Thái Bình cấp 7, giật cấp 8; Móng Cái cấp 6, giật cấp 9; Phủ Liễn cấp 6, giật cấp 8.
Đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa đến rất to, phổ biến 70–150mm, có nơi >200mm.
Dự báo, lúc 19 giờ ngày 22-7: Trên đất liền từ Hải Phòng đến Thanh Hóa, cấp 6, giật cấp 8.
Tại khu vực ven biển tỉnh Hưng Yên, hiện tại gió cấp 5 cấp 6, trời bắt đầu mưa to.
Đồng chí đại tá Trần Ngọc Yên, Phó tham mưu trưởng Quân khu 3 kiểm tra công tác trực phòng, chống bão số 3 tại Trung đoàn 568, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hưng Yên.
Bộ CHQS tỉnh đã triển khai cho các đơn vị LLVT trực tại các địa bàn xung yếu, bảo đảm quân số, phương tiện sẵn sàng ứng phó với bão.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 568, Bộ CHQS tỉnh Hưng Yên sẵn sàng phòng, chống, khắc phục bão số 3. Ảnh: NGUYỄN HÙNG
Tại Quảng Ninh: Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa có thiệt hại về người và phương tiện, cơ sở vật chất. Tuy nhiên theo quan sát của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, trên một số tuyến phố, nhiều pano, chậu cây cảnh... bị đổ ngổn ngang, các lực lượng kịp thời có mặt dọn dẹp.
Các lực lượng chức năng thu dọn panô bị đổ trên địa bàn phường Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh.
Chỉ huy Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị tiếp tục duy trì chặt chẽ trực chỉ huy, trực ban, trực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, theo dõi nắm chắc tình hình thời tiết, bão để có biện pháp ứng phó kịp thời; cơ quan, đơn vị trực 100% quân số. Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với bão số 3, tập trung theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nắm chắc tình hình, ảnh hưởng của hoàn lưu bão, chủ động ứng phó với mưa và sạt lở trên địa bàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cơ động ứng cứu, khắc phục, xử lý các tình huống xảy ra khi có lệnh của trên. Tổ chức lực lượng sẵn sàng chốt chặn tại nơi có nguy cơ sạt lở, ngập úng để ngăn chặn không cho người dân qua lại sau khi bão đi qua, bảo đảm an toàn. (Tin, ảnh: SƠN BÌNH)
Ban lãnh đạo các xã Hải Xuân, Hải Tiến của tỉnh Ninh Bình họp bàn phương án sẵn sàng ứng phó khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền.
9 giờ 00: Sáng 22-7, trên địa bàn các xã tuyến biển của tỉnh Ninh Bình, trời có mưa nhỏ, gió khoảng cấp 5, nước biển đang lên nhưng chưa đến đỉnh triều cường. Đại tá Trịnh Hồng Phong, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Ninh Bình cho biết: "Thực hiện theo chỉ đạo của trên, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ tại các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các Ban Chỉ huy Phòng thủ khu vực sẵn sàng lực lượng, phương tiện trực ứng phó với bão số 3.
Trước đó, các lực lượng gồm Bộ đội Biên phòng, Ban CHQS các xã đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân đưa các phương tiện thuyền đánh cá loại nhỏ lên bờ để tránh bão.
Đơn vị duy trì 100% quân số tại các Ban Chỉ huy Phòng thủ khu vực, sẵn sàng cơ động xuống hiện trường giúp dân khi có lệnh. Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Bình đã liên lạc với 100% các tàu cá của bà con ngư dân trên địa bàn thông báo hướng đi của bão số 3 để các phương tiện có phương án di chuyển, vòng tránh và cơ động về bờ để tránh bão. Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không còn phương tiện tàu cá của ngư dân ở trong vùng nguy hiểm của bão số 3. (Tin, ảnh: CHU ANH)
Cán bộ điều hành cống Doanh Châu, xã Hải Quang, tỉnh Ninh Bình trực tại hiện trường, sẵn sàng ứng phó khi bão vào đất liền.
Sáng 22-7, trên tuyến biển của các xã của tỉnh Ninh Bình không còn người dân ở vùng nguy hiểm.
9 giờ 10 phút:
Trên địa bàn TP Hải Phòng trời đang mưa, gió giật mạnh khoảng cấp 5-6, hiện tại không có thiệt hại người, tài sản do bão số 3 gây ra.
Trên các đường phố ít người qua lại, các cửa hàng, nhà hàng, cây xăng, nhà dân hầu hết đóng kín cửa và được chằng chéo cẩn thận để bảo đảm an toàn.
Các nhà hàng, cây xăng trên địa bàn thành phố Hải Phòng đóng cửa và được che chắn cẩn thận.
Đường phố khu vực ngoại thành vắng người đi lại.
Theo chỉ huy Bộ CHQS thành phố Hải Phòng, đơn vị đã hiệp đồng với 26 đơn vị đóng quân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh, với tổng quân số gần 15.500 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ; 276 phương tiện ô tô, xe thiết giáp, xe cẩu, tàu, xuồng...
Đến thời điểm hiện tại, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố phối hợp với các lực lượng trên biển thông báo cho gần 1.700 phương tiện/ gần 5.000 ngư dân; 157 lồng bè/ gần 300 người... về diễn biến, hướng di chuyển của bão số 3, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên biển, trên sông, các hộ nuôi trồng thủy sản để chủ động về khu vực neo đậu, tránh trú an toàn. (Tin, ảnh: SƠN BÌNH)
9 giờ 20:
Theo Thượng tá Bùi Bá Ngọc, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Nghi Sơn, BĐBP tỉnh Thanh Hóa hiện nay trên địa bàn có sóng biển cấp 6-7, các tổ công tác đơn vị bám các địa bàn, âu tàu thuyền thực hiện nhiệm vụ. Cho thời điểm này, trên địa bàn đơn vị quản lý đều đảm bảo an toàn. (Tin, ảnh: BIÊN CƯƠNG)
Vùng biển Vũng Nghi Sơn
Bộ đội thường trực tại Cảng cá Lạch Bạng đảm bảo an toàn về mọi mặt cho phương tiện tránh trú.
Trung tá Lương Bá Thanh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sầm Sơn cho biết trên địa bàn bắt đầu xuất hiện mưa to, gió mạnh lên, mọi phương tiện của ngư dân đảm bảo an toàn. Các tổ công tác duy trì nghiêm nắm địa bàn kiên quyết không để xảy ra các tình huống ngoài dự kiến.
Các phương tiện neo đậu tại âu tàu Sầm Sơn.
Đến 9 giờ 25 phút ngày 22-7, bão số 3 đã vào đất liền Việt Nam.
9 giờ 30 phút: BĐBP tỉnh Nghệ An di dời khẩn cấp người dân vùng sạt lở ở xã Nhôn Mai
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trong ngày 20 và 21-7, trên địa bàn xã Nhôn Mai, (Nghệ An) liên tục xảy ra mưa lớn kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đất. Trước tình hình này, Đồn Biên phòng Nhôn Mai (Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An) đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời khẩn cấp 19 hộ dân tại bản Xói Voi - khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đến nơi an toàn.
Sáng 22-7, mưa to vẫn tiếp tục diễn ra trên địa bàn. Đơn vị đã huy động tối đa quân số, phương tiện thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra; đồng thời, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống cho các hộ dân đã được di dời.
Lực lượng Đồn Biên phòng Nhôn Mai đội mưa cắm biển báo các điểm sạt lở.
Hiện trên tuyến Quốc lộ 16, đoạn đi qua xã Nhôn Mai đã xuất hiện 5 điểm sạt lở cục bộ. Đồn Biên phòng Nhôn Mai đã tổ chức cắm biển cảnh báo, không cho người dân qua lại khu vực nguy hiểm.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Thưởng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhôn Mai, Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An, ngoài 19 hộ dân ở bản Xói Voi đã được sơ tán, đơn vị đang tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức di dời thêm 1 hộ dân tại bản Có Hạ, nơi cũng đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, địa hình và sẵn sàng các phương án di dời, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mọi tình huống,” Trung tá Nguyễn Văn Thưởng cho biết. (HẢI THƯỢNG)
9 giờ 55 phút:
Trung tá Trần Văn Thế, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết: "Vùng biển do đơn vị quản lý có mưa nhỏ, chưa xuất hiện sóng to, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương bám địa bàn tuyên truyền vận động người dân không có tâm lý chủ quan tránh xảy ra mất an toàn đáng tiếc". (Tin, ảnh: BIÊN CƯƠNG)
Khu vực biển trên địa bàn phường Cửa Lò, tỉnh Nghệ An có mưa nhỏ, chưa xuất hiện sóng bất thường.
Trung tá Đặng Xuân Quang, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An: "Ngư dân địa phương chấp hành tốt việc neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão. Mặc dù thời tiết chưa có gì biến động nhưng các tổ công tác của đơn vị tiếp tục bám địa thực hiện đúng nhiệm vụ được giao".
Tàu cá của ngư dân địa phương neo đậu trong lòng Lạch Cờn, phường Quỳnh Phương, tỉnh Nghệ An.
Trong khi đó, từ đêm 21-7 đến nay, khu vực biên giới đất liền tỉnh Nghệ An có mưa to liên tục khiến nước trên sông suối tại một số xã dâng cao, xuất hiện một số điểm sạt lở nghiêm trọng.
Cụ thể quốc lộ 16 (đường Tây Nghệ An) địa phận qua xã Nhôn Mai xuất hiện 2 điểm sạt lở tại bản Có Hạ và Nhôn Mai gây ách tắc giao thông, ngoài ra còn 5 điểm khác có nguy cơ cao. Một số khu dân cư tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng nhưng tất cả các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đã được chính quyền địa phương tổ chức sơ tán đến nơi an toàn từ trước đó.
Xã biên giới Nhôn Mai tiếp tục xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng.
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/bao-so-3-nam-tren-dat-lien-cac-tinh-ninh-binh-thanh-hoa-sap-suy-yeu-thanh-ap-thap-nhiet-doi-838008