Bão số 3 Wipha: Dự báo về thời gian mưa to nhất và vùng mưa nhiều nhất

Bão số 3 Wipha: Dự báo về thời gian mưa to nhất và vùng mưa nhiều nhất
9 giờ trướcBài gốc
Dự báo bão số 3 Wipha sẽ gây mưa nhiều hơn từ chiều tối nay 21.7. Nguồn ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia/Hệ thống Giám sát thiên tai Việt Nam
Trả lời trên báo Lao động, bà Bình cho hay, đêm qua và sáng sớm nay 21.7 có một sự thay đổi đối với cơn bão số 3 đó là bão đổ bộ vào khu vực phía nam Trung Quốc, đi qua bán đảo Lôi Châu.
Sáng sớm nay 21.7, khi đi từ bán đảo Lôi Châu xuống Vịnh Bắc Bộ, tốc độ cơn bão có xu hướng giảm, chậm lại. Nhưng từ sáng đến nay khi xuống tới Vịnh Bắc Bộ, cơn bão lại có xu hướng tăng tốc lên. Hiện nay tốc độ di chuyển trung bình của bão là 15km/h, theo hướng Tây Tây Bắc.
"Hoàn lưu của mây bão khá rộng. Hiện nay trên ảnh mây vệ tinh thấy rằng hoàn lưu bão đã bao phủ toàn bộ khu vực phía Đông Bắc Bộ và ra đến tận phía đông của khu vực bán đảo Lôi Châu. Tuy nhiên, phần mây dày với mây đối lưu phát triển có thể gây mưa lại nằm ở trong phạm vi hẹp. Chính vì thế, thủ đô Hà Nội và một số tỉnh đồng bằng ngày hôm nay không có nắng nhưng cũng chưa có mưa nhiều.
Với xu hướng di chuyển của cơn bão khi xuống Vịnh Bắc Bộ, tổ chức mây sẽ ổn định lại và cường độ có thể tăng thêm.
Trong những giờ tới, khi bão di chuyển sát vào khu vực ven biển của Việt Nam thì vùng mây đối lưu sẽ tiến đến gần hơn và mưa sẽ tăng lên.
Theo tính toán của chúng tôi thì mưa sẽ tăng lên trong chiều tối nay và sẽ mưa nhiều nhất trong đêm nay cho đến sáng ngày mai 22.7, khi mà tâm bão tiến gần đến khu vực ven biển của nước ta", bà Bình nói.
Về cảnh báo vùng mưa trọng tâm do bão số 3 Wipha, bà Bình cho biết: Vùng núi phía Đông Bắc sẽ có mưa nhiều. Một vùng đáng lưu ý nữa là khu vực phía nam đồng bằng, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An. Theo tính toán thì với việc phân bố mây cũng như các mô hình dự báo thì vùng mưa lớn nhất do bão gây ra thì sẽ nằm ở khu vực vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An - đây là tâm mưa lớn".
Cũng theo bà Bình, lượng mưa cực đoan có thể gây ngập úng ở vùng trũng và đặc biệt là có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, cần lưu ý là đôi khi tình trạng sạt lở đất không phải vào những lúc mưa dữ dội nhất mà thậm chí sau khi cơn bão đi qua, mưa không còn dữ dội nhưng nguy cơ sạt lở đất lúc bấy giờ vẫn ở cái mức rất cao. Rất nhiều trường hợp mưa đã giảm đi rồi nhưng mà sạt lở nó vẫn tiếp tục xảy ra và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Khi vùng áp thấp suy yếu từ bão số 3 di chuyển sang Lào, vẫn có thể tiếp tục gây mưa chứ không phải sẽ dừng mưa ngay được. Kể cả khu vực miền Bắc và Bắc miền Trung, khi tâm bão đi qua và suy yếu rồi thì vẫn tiếp tục có mưa trong một vài ngày tới. Bởi vì nó sẽ thiết lập một giải thời tiết xấu vắt ngang qua Bắc Bộ và khu vực Bắc Lào.
Bản tin lúc 14h hôm nay trên Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nêu rõ các thông tin:
Hiện trạng bão:
Do ảnh hưởng của bão số 3, tại đặc khu Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; đặc khu Cô Tô gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Hồi 13h ngày 21/7, tâm bão ở khoảng 21,1°N; 109,1°E, cách Quảng Ninh khoảng 120km, Hải Phòng 260km, Hưng Yên 280km và Ninh Bình khoảng 310km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 9–10 (75–102km/h), giật cấp 12. Bão di chuyển hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10–15km/h.
Dự báo:
Đến 01 giờ ngày 22/7, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 10–15km/h và có khả năng mạnh thêm. Vị trí tâm bão khi đó sẽ nằm trên khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, ở khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc và 108,0 độ Kinh Đông. Cường độ bão đạt cấp 10–11, giật cấp 14.
Vùng nguy hiểm trên biển tại thời điểm này là khu vực phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc, từ kinh tuyến 106,0 đến 112,0 độ Kinh Đông. Khu vực chịu ảnh hưởng gồm vùng biển phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông, vịnh Bắc Bộ, và vùng biển ven bờ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Ninh Bình. Cấp độ rủi ro thiên tai được đánh giá là cấp 3.
Đến 13 giờ ngày 22/7, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với vận tốc tương tự. Tâm bão dự báo nằm trên vùng biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa, tại khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc và 106,6 độ Kinh Đông. Cường độ bão giữ nguyên ở cấp 10–11, giật cấp 14.
Vùng nguy hiểm mở rộng về phía Tây, nằm phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc và phía Tây kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông. Các khu vực chịu ảnh hưởng bao gồm vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và cả đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Cấp độ rủi ro thiên tai vẫn ở mức cấp 3.
Đến 13 giờ ngày 23/7, bão được dự báo tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, với tốc độ 10–15km/h và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Vị trí tâm vùng áp thấp sẽ nằm trên đất liền khu vực Thượng Lào, tại khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc và 103,8 độ Kinh Đông.
Cường độ lúc này giảm xuống dưới cấp 6. Vùng nguy hiểm khu vực phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc và phía Tây kinh tuyến 109,0 độ Kinh Đông. Vùng ảnh hưởng tiếp tục bao gồm vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Cấp độ rủi ro thiên tai vẫn duy trì ở cấp 3 do gió mạnh và mưa lớn tiếp tục ảnh hưởng.
Gió mạnh – Biển động:
Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông: gió cấp 7–8, giật cấp 10; sóng 3,0–5,0m; biển động mạnh.
Bắc vịnh Bắc Bộ (Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải, Hòn Dấu): gió cấp 6–7, tăng lên cấp 8–9, vùng gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 14; sóng 4,0–6,0m; biển động dữ dội.
Nam vịnh Bắc Bộ (Hòn Ngư): gió dần lên cấp 6–7, vùng gần tâm bão cấp 8–9, giật cấp 11; sóng cao 2,0–4,0m; biển động rất mạnh.
Khuyến cáo:
Nước dâng – Nguy cơ ngập úng ven biển:
Vùng ven biển Quảng Ninh – Hưng Yên: nước dâng cao 0,5–1,0m.
Ba Lạt: 2,4–2,6m
Hòn Dấu: 3,9–4,3m
Cửa Ông: 4,6–5,0m
Trà Cổ: 3,6–4,0m
Nguy cơ ngập úng tại các cửa sông, vùng trũng thấp vào chiều 22/7.
Khu vực nguy hiểm: các phương tiện, công trình như tàu du lịch, vận tải, bè nuôi trồng thủy sản, đê kè, đường ven biển đều không an toàn khi hoạt động trong vùng ảnh hưởng bão.
Trên đất liền:
Từ tối và đêm 21/7: vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh cấp 7–9, vùng gần tâm bão cấp 10–11, giật cấp 14.
Khu vực sâu trong đất liền như Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa: gió cấp 6, giật cấp 7–8.
Tác động: Gió cấp 10–11 có thể gây đổ cây, cột điện, tốc mái, thiệt hại nặng.
Mưa lớn:
Từ 21–23/7:
Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An: 200–350mm, có nơi trên 600mm
Các nơi khác Bắc Bộ và Hà Tĩnh: 100–200mm, có nơi trên 300mm
Nguy cơ:
Mưa cực lớn (>150mm/3h)
Lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi
Ngập lụt tại vùng trũng thấp, đô thị
Cấp độ rủi ro thiên tai:
Cấp 3: khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền từ Quảng Ninh đến Nghệ An.
Nhật Hạ (t/h)
Nguồn Góc nhìn pháp lý : https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/bao-so-3-wipha-du-bao-ve-thoi-gian-mua-to-nhat-va-vung-mua-nhieu-nhat-20251.html