Bản đồ dự báo quỹ đạo và cường độ bão số 4 tính đến 13h ngày 25-7. Ảnh: Nchmf
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 13h ngày 25-7, vị trí tâm bão số 4 nằm trên vùng biển phía Bắc đảo Lu Dông (Philippines) với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Hiện bão di chuyển nhanh theo hướng Đông Bắc và không có khả năng quay trở lại Biển Đông.
Dù đã ra khỏi Biển Đông, song tác động gián tiếp của bão kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới vẫn gây ra mưa to đến rất to tại các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, Thanh Hóa và Nghệ An. Nhiều nơi ghi nhận lượng mưa cao hơn 150mm, như: Mường Tùng (tỉnh Điện Biên) 168,8mm, Chiềng Lao (tỉnh Sơn La) 162,8mm, Nậm Hàng (tỉnh Lai Châu) 162,4mm. Tối và đêm 25-7, những khu vực trên tiếp tục mưa to với lượng phổ biến 20-40mm, có nơi cao hơn 80mm. Độ ẩm đất tại nhiều nơi đã đạt trạng thái bão hòa, tiềm ẩn nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ; sạt lở đất, sụt lún đất ở sườn dốc, đặc biệt tại vùng cao, khu dân cư ven suối, tuyến đường đồi núi. Các địa phương khẩn trương rà soát điểm xung yếu, điểm nghẽn dòng chảy, tăng cường cảnh báo cộng đồng, sẵn sàng phương án sơ tán, bảo vệ người và tài sản.
Tỉnh Nghệ An huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: Trọng Tuấn
Về tình hình thiệt hại, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 25-7, thiên tai những ngày vừa qua đã làm 987 ngôi nhà ở bị hư hỏng, tốc mái (Phú Thọ 19 nhà, Thanh Hóa 30 nhà, Nghệ An 938 nhà); 54.415ha lúa bị ngập (Ninh Bình 41.415ha, Thanh Hóa 13.000ha); 306 con gia súc và 30.746 gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Về giao thông, tại tỉnh Thanh Hóa xuất hiện 301 vị trí sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ với khối lượng 52.000m3; tại Nghệ An xuất hiện 291 vị trí sạt lở, ngập lụt tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Hiện các địa phương vừa khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, vừa tập trung phòng ngừa, ứng phó nguy cơ lũ quét, sạt lở đất...
Bảo Châu