Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào lúc 4 giờ sáng nay, tâm bão nằm ở khoảng 16,8 độ vĩ Bắc và 120,3 độ kinh Đông, trên khu vực phía tây đảo Lu Dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất gần tâm bão đạt cấp 9-10 (tương đương 75–102 km/giờ), giật cấp 12, và bão tiếp tục di chuyển chậm về phía đông bắc với vận tốc 10 km/giờ.
Cập nhật hồi 5 giờ ngày 25.7 về vị trí và đường đi của bão số 4 Comay. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.
Dự báo trong ngày và đêm nay, bão tăng tốc lên 20–25 km/giờ theo hướng đông bắc, hoạt động trên vùng biển phía đông bắc đảo Lu Dông, rồi suy yếu dần. Đến 16 giờ ngày 26/7, bão nhiều khả năng giảm cường độ, chuyển thành vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực phía đông Bắc Biển Đông trong hôm nay có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Sóng biển cao từ 4 đến 6 mét khiến khu vực này biển động dữ dội. Các tàu thuyền hoạt động trong khu vực chịu nguy cơ cao gặp phải dông lốc, gió giật và sóng lớn.
Cơ quan khí tượng khuyến cáo các phương tiện trên biển cần chủ động điều chỉnh hành trình, tránh xa khu vực nguy hiểm, đặc biệt là vùng gần tâm bão.
Song song với diễn biến bão, mưa lớn kéo dài đang khiến nhiều khu vực vùng núi Bắc Bộ đối mặt nguy cơ cao xảy ra thiên tai thứ cấp như lũ quét, sạt lở đất và sụt lún.
Từ đêm qua đến rạng sáng nay (25/7), các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Tuyên Quang đã ghi nhận lượng mưa đáng kể. Cụ thể, tại Điện Biên, trạm Mường Tùng đo được 149,4 mm, Lay Nưa 104,4 mm; Sơn La có Tân Lập 144,8 mm, Chiềng Lao 123,4 mm; Tuyên Quang có Hồ Thầu 80,2 mm và Nấm Dẩn 63,8 mm.
Dữ liệu từ mô hình độ ẩm đất cho thấy nhiều khu vực trong các tỉnh này đã đạt hoặc gần đạt trạng thái bão hòa (trên 85%), làm tăng nguy cơ trượt lở đất khi có thêm mưa.
Trong sáng 25/7, mưa vẫn tiếp diễn với lượng phổ biến tại Điện Biên và Sơn La từ 20–50 mm, có nơi trên 100 mm; Tuyên Quang từ 10–30 mm, một số điểm có thể vượt 70 mm. Do đó, trong 6 giờ tới, nhiều xã, phường tại ba tỉnh trên được đặt trong tình trạng cảnh báo nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở.
Các địa phương được cảnh báo cụ thể bao gồm nhiều khu vực ở huyện Mường Chà, Tủa Chùa (Điện Biên), Mộc Châu, Quỳnh Nhai, Phù Yên (Sơn La), và các huyện Lâm Bình, Na Hang, Hàm Yên (Tuyên Quang)... với nguy cơ xảy ra lũ quét trên suối nhỏ, trượt lở đất trên sườn dốc, ảnh hưởng đến dân cư, giao thông và cơ sở hạ tầng.
Hiện tượng lũ quét và sạt lở đất nếu xảy ra có thể gây hậu quả nghiêm trọng: phá hủy các công trình dân sinh, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất. Đặc biệt, nguy cơ mất an toàn với người dân tại khu vực vùng núi cao, nơi có địa hình dốc và đất dễ trượt.
Cơ quan khí tượng đề nghị chính quyền các tỉnh chịu ảnh hưởng nhanh chóng rà soát những điểm có nguy cơ cao, đặc biệt là các khu dân cư gần sông, suối, sườn núi dốc; tổ chức cảnh báo sớm và có biện pháp sơ tán dân khi cần thiết. Đồng thời, cần theo dõi sát diễn biến của thời tiết để chủ động trong công tác phòng tránh và ứng phó thiên tai.
BN