Bản tin bão mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, hồi 7h ngày 13/11, vị trí tâm bão số 8 ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 116,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88km/h), giật cấp 11. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 10-15km/h.
Bão số 8 suy yếu dần trên Biển Đông. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.
Dự báo diễn biến bão số 8 trong 24 - 72 giờ tới:
Cơ quan khí tượng dự báo, bão gây tác động gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3 - 5m, vùng gần tâm bão 5 - 7m; biển động rất mạnh.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Dự báo những cơn bão liên tiếp hình thành và hoạt động trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Ảnh: JMA.
Tin bão mới nhất của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết, 2 cơn bão Usagi và Man-yi nối đuôi nhau hoạt động, dự báo tác động tới Philippines, có khả năng vào Biển Đông.
Đáng chú ý, tin bão mới nhất của cơ quan thời tiết Philippines PAGASA lúc 5h sáng 13/11 cho biết, bão Usagi (tên địa phương là Ofel) đã mạnh lên thành bão cuồng phong. Tâm bão cách Virac, Catanduanes, Philippines 475km về phía đông đông bắc. Bão Usagi đang di chuyển về phía tây với tốc độ 25 km/h. Sức gió duy trì tối đa gần tâm bão là 120km/h và gió giật tới 150km/h.
Lao Động dẫn nguồn PAGASA dự báo đường đi của bão Usagi có khả năng thay đổi, nhất là trong ngày thứ 4 và thứ 5 của giai đoạn dự báo. Đặc biệt, khi tiến gần Đài Loan (Trung Quốc), bão Usagi có khả năng ngoặt về phía bắc đông bắc, đi thành vòng tròn để hướng về phía Biển Đông. Hướng chuyển động bất ngờ của cơn bão gần Biển Đông này dự kiến diễn ra ngày 16 và 17/11. Khả năng cao bão Usagi được dự báo tăng cấp đều đặn trong 24 giờ tới và có khả năng đổ bộ đất liền Philippines ở cường độ cao nhất.
Theo AFP, một nghiên cứu gần đây cho thấy các cơn bão ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và kéo dài hơn trên đất liền do biến đổi khí hậu.
Trúc Chi (t/h)