Bảo tàng gốm sứ: Sức hút mới của du lịch Bình Dương

Bảo tàng gốm sứ: Sức hút mới của du lịch Bình Dương
một ngày trướcBài gốc
Các tác phẩm trưng bày tại Bảo tàng Gốm sứ Minh Long.
Trên mảnh đất Bình Dương giàu sức sống, mùa Xuân năm nay thêm phần rực rỡ với sự kiện Bảo tàng Gốm sứ Minh Long - bảo tàng gốm sứ độc đáo chính thức khai trương.
Đây không chỉ là cột mốc quan trọng trong việc gìn giữ và tôn vinh tinh hoa gốm sứ truyền thống, mà còn hứa hẹn tạo động lực mới cho du lịch Bình Dương.
Bước ngoặt “hút” du khách
Bình Dương từ lâu đã nổi tiếng là “cái nôi” của nghề gốm sứ phía nam. Vùng đất này còn sở hữu nhiều làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi, với những nghệ nhân gắn bó cả đời cùng đất, nước và ngọn lửa lò nung. Dù vậy, so với các tỉnh lân cận, du lịch Bình Dương vẫn còn khá khiêm tốn về số lượng và quy mô sản phẩm du lịch.
Mới đây, Bảo tàng Gốm sứ Minh Long - không gian nghệ thuật độc bản tôn vinh văn hóa Việt đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức khánh thành tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Sự kiện được xem là một “cú hích” quan trọng, mở ra cơ hội mới cho sự phát triển du lịch của Bình Dương.
Chính thức đón khách từ tháng 1/2025, bảo tàng nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo du khách, giới nghiên cứu, nghệ thuật và truyền thông. Đây không chỉ là một biểu tượng khẳng định vị thế của nghệ thuật gốm sứ Việt Nam nói chung và gốm sứ Bình Dương nói riêng mà còn phản ánh sự lên ngôi của xu hướng du lịch văn hóa - nghệ thuật đang được ưa chuộng.
Ông Bùi Hữu Toàn, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Bình Dương, chia sẻ: “Việc hình thành bảo tàng gốm sứ là nỗ lực lớn của doanh nghiệp, nghệ nhân gốm sứ. Bảo tàng được kỳ vọng thúc đẩy phát triển du lịch Bình Dương nói chung và du lịch làng nghề truyền thống của tỉnh nói riêng.”
Tính đến hiện tại, số lượng du khách đến Bình Dương thường gói gọn trong các chuyến đi ngắn ngày, phần lớn nhằm mục đích công tác hoặc tham quan những khu du lịch quen thuộc như Đại Nam, khu du lịch sinh thái Hồ Dầu Tiếng…
Vì thế, sự xuất hiện của Bảo tàng Gốm sứ Minh Long với tính độc đáo và những giá trị văn hóa đặc trưng được kỳ vọng sẽ thu hút thêm lượng khách mới - những người đam mê du lịch nghệ thuật, mong muốn tìm hiểu sâu về lịch sử, văn hóa và quy trình chế tác gốm sứ.
Không gian lưu giữ tinh hoa gốm sứ
Bước chân vào Bảo tàng Gốm sứ Minh Long, du khách như lạc vào một thế giới nghệ thuật đầy màu sắc. Tại đây, hàng trăm tác phẩm gốm sứ độc bản được chế tác công phu bởi những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Minh Long. Mỗi sản phẩm mang một câu chuyện riêng, phản ánh nét tinh hoa của nghề gốm sứ Việt Nam qua nhiều thế kỷ.
Nổi bật trong bộ sưu tập là những tác phẩm mang tính kỷ lục, tạo dấu ấn mạnh mẽ cho khách tham quan. Chẳng hạn, bức phù điêu gốm sứ khổng lồ khắc họa hình ảnh Việt Nam vươn tầm, tượng trưng cho tinh thần đoàn kết và phát triển vượt bậc.
Hay dàn nhạc cụ bằng sứ lần đầu tiên xuất hiện, mang đến những trải nghiệm âm thanh độc đáo. Đặc biệt, bộ sưu tập cúp cao hơn 1 mét, được chế tác theo kỹ thuật sứ liền khối tiên tiến cũng là điểm nhấn thu hút sự chú ý.
Bên cạnh việc trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, bảo tàng còn được chia thành nhiều khu vực mô phỏng theo dòng chảy lịch sử gốm sứ Việt Nam. Du khách có cơ hội tìm hiểu về những dấu ấn đầu tiên của gốm sứ Việt, chứng kiến quá trình đổi thay về kiểu dáng, hoa văn qua các triều đại, đồng thời khám phá những kỹ thuật chế tác hiện đại nhất ngày nay.
Nhà trưng bày được thiết kế theo phong cách hiện đại nhưng vẫn mang đậm nét văn hóa truyền thống. Kiến trúc mở, kết hợp hài hòa giữa không gian xanh và các gian trưng bày, giúp du khách dễ dàng tiếp cận và quan sát các tác phẩm.
Đặc biệt, hệ thống thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ cung cấp thông tin đầy đủ, giúp khách quốc tế hiểu sâu hơn về lịch sử, mỹ thuật và kỹ thuật làm gốm sứ của người Việt.
Nhịp cầu phát triển du lịch
Không chỉ dừng lại ở việc trưng bày, Bảo tàng Gốm sứ Minh Long còn được định hướng trở thành cầu nối giữa du khách và các làng nghề gốm sứ tại Bình Dương. Để xây dựng chuỗi trải nghiệm khép kín, bảo tàng đã kết hợp với một số làng nghề lâu đời trong tỉnh như làng gốm sứ Tân Phước Khánh, làng gốm sứ Lái Thiêu…
Khách du lịch sau khi tham quan bảo tàng có thể đến trực tiếp các lò gốm, tự tay khám phá quy trình tạo ra một sản phẩm gốm sứ hoàn chỉnh từ khâu nhào đất, nặn hình, tráng men đến nung trong lò ở nhiệt độ cao.
Các nghệ nhân tại các làng nghề cũng kỳ vọng rằng, với sự hỗ trợ và đồng hành của bảo tàng, giá trị tinh hoa của gốm sứ Bình Dương sẽ ngày càng được lan tỏa. Từ đó, không chỉ thu hút thêm khách du lịch, mà còn góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Chị Nguyễn Hồng Mai, một nghệ nhân trẻ ở làng gốm Tân Phước Khánh, chia sẻ: “Tôi rất vui khi chúng tôi có thêm cơ hội giới thiệu sản phẩm đến du khách. Ngoài việc chiêm ngưỡng các bộ sưu tập gốm sứ nghệ thuật tại bảo tàng, du khách còn có thể ghé thăm làng gốm để tìm hiểu, trải nghiệm và mua các sản phẩm lưu niệm chính gốc. Đây là hướng đi bền vững để bảo tồn làng nghề, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập hiện nay”.
Trước xu thế phát triển du lịch gắn với văn hóa bản địa, nhiều chuyên gia nhận định Bình Dương có đầy đủ tiềm năng để trở thành điểm đến hấp dẫn, nhờ kết hợp giữa “du lịch công nghiệp” với trải nghiệm văn hóa làng nghề.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, Bảo tàng gốm sứ ở Bình Dương sẽ hình thành thêm một điểm đến hàng đầu của gốm sứ Việt Nam, góp phần khẳng định vị thế của nghệ thuật gốm sứ trong nước thông qua các sản phẩm đẳng cấp quốc tế.
“Du khách đến bảo tàng có thể tham quan quy trình sản xuất, tìm hiểu quá trình hình thành phát triển của gốm sứ Bình Dương, kết hợp mua sắm tại trung tâm trưng bày. Đây sẽ là điểm đến trải nghiệm hấp dẫn cho du khách”, ông Nguyễn Trùng Khánh đánh giá.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng từ bảo tàng và các làng nghề, tỉnh Bình Dương cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, nghệ nhân và cộng đồng dân cư. Một “mạng lưới du lịch gốm sứ” được hình thành, kéo dài từ những lò gốm truyền thống đến các xưởng sản xuất hiện đại, rồi đan xen với những điểm tham quan, mua sắm và nghỉ dưỡng khác, sẽ giúp du khách có những trải nghiệm toàn diện.
Tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều kế hoạch và chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề gốm sứ. Trong giai đoạn tới, các đề án phát triển du lịch làng nghề sẽ tập trung cải thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế.
Hồng Cường
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/bao-tang-gom-su-suc-hut-moi-cua-du-lich-binh-duong-post716008.html