Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước với hai “trụ cột” kinh tế chính là nông nghiệp và thủy sản. Vì thế, việc xây dựng một Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL mang ý nghĩa lớn với các tỉnh miền Tây nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng - Không chỉ là nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa nông nghiệp mà còn là nơi tôn vinh người nông dân Việt Nam trong suốt quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
MỘT ĐỜI VÌ ĐẢNG VÌ DÂN
Ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long được xem là vị trí tối ưu để xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL vì nơi đây các điều kiện tự nhiên, con người, không gian kiến trúc đều thuận lợi, đã có sẵn quỹ đất được thu hồi. Là công trình hết sức ý nghĩa khi được quy hoạch đối diện với Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cũng nhằm thực hiện di nguyện của Thủ tướng lúc sinh thời.
Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khó, phải đi làm thuê, coi trâu, giữ ghe, cắt lúa mướn… rồi được giác ngộ lý tưởng cách mạng. Dù học vấn ít nhưng ông là người có tầm nhìn rộng và tập hợp được đội ngũ trí thức, nhà khoa học quanh mình. Những chuyến đi ngồi đò, lội ruộng, gặp gỡ nông dân trên vùng đất phèn, mặn của Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã làm Thủ tướng Võ Văn Kiệt trăn trở và ông quyết tâm đưa vùng ĐBSCL phát triển, đời sống người nông dân vươn lên, thoát nghèo.
Năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt khảo sát trước khi đào kênh T5 (ở An Giang) với mục đích thoát lũ ra biển Tây. Năm 2009, kênh T5 được đặt tên là Võ Văn Kiệt
Để làm được điều nầy Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nghiêm túc lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn, dũng cảm vượt qua những ý kiến phản đối của một số người, kể cả những nhà khoa học. Những đợt “tiến quân” đánh thức Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên được triển khai với những công trình khai hoang phục hóa, làm thủy lợi để “trị phèn, hạ mặn”.
Từ năm 1988 chương trình khai thác Tứ giác Long Xuyên đã được thực hiện với mục đích đưa đất nước thoát cảnh đói nghèo, thiếu gạo trong lúc đất đai bao la bát ngát, bỏ hoang, còn nếu trồng lúa mùa màng thất bát do túi phèn quá nặng của vùng Đồng Tháp, An Giang. Trong 5 năm đầu khai hoang, phục hóa hơn 90 ngàn hec-ta, đưa sản lượng lúa các địa phương tăng lên, góp phần đưa nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2 trên thế giới.
Năm 1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các bộ, ngành liên quan và chính quyền hai tỉnh An Giang, Kiên Giang quyết định đào hệ thống các kênh T4, T5, T6 có tổng chiều dài trên 100km, từ An Giang qua Kiên Giang. Sau 2 năm, các công trình hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng năm 1999. Đây là hệ thống kênh giúp thoát nhanh nước lũ từ Campuchia đổ sang, tạo mực nước vừa phải cho người dân khai thác làm kinh tế trong mùa lũ; giúp tháo chua, rửa phèn, ngăn mặn cho vùng Tứ Giác Long Xuyên, cải tạo đất hoang hóa, nâng vòng quay của đất trồng lúa, hoa màu, thuận lợi nuôi thủy sản. Nhớ ơn bác Sáu Dân, Kênh T5 được tỉnh An Giang quyết định đặt tên là kênh Võ Văn Kiệt để tưởng nhớ vị Thủ tướng vì nước, vì dân.
“Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối... Ông đã ghi đậm dấu ấn trên đồng đất miền Tây Nam Bộ. Người dân gọi đó là “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc…” (Trích văn bia Nhớ ơn Thủ tướng Võ Văn Kiệt do ông Nguyễn Minh Nhị nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang viết).
TÂM HUYẾT CỦA NGƯỜI
Cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL được phát động vào ngày 12/6/2024, do UBND tỉnh Vĩnh Long và Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ đạo, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Vĩnh Long cùng Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp tổ chức. Cuộc thi dành cho các tổ chức, cá nhân tư vấn thiết kế trong và ngoài nước có đủ năng lực chuyên môn, hành nghề theo quy định pháp luật hiện hành và tự nguyện tham gia, nhằm tập hợp trí tuệ, lựa chọn phương án tối ưu nhất để đầu tư xây dựng một bảo tàng xứng tầm trong khu vực và cả nước - Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL làm cơ sở triển khai lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và lập dự án đầu tư xây dựng.
Ý tưởng và phương án đạt giải nhì của Liên danh NDV and Partners + PES Architects Ltd.
Tại đêm khai mạc Festival gạch gốm đỏ - kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần I năm 2024 trên kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít, Ban tổ chức đã công bố và trao giải cuộc thi ý tưởng qui hoạch và phương án kiến trúc Bảo tàng nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cuộc thi không có giải nhất; 2 giải Nhì được trao cho Liên danh NDV and Partners + PES Architects Ltd và Công ty TNHH Tư vấn & Thiết kế TAD; giải Ba Công ty CP tư vấn thiết kế DESO Asia.
Nhìn tổng thể các phương án thiết kế đều có những ưu điểm, khuyết điểm, có thể bổ trợ cho nhau khi triển khai thực hiện. Một trong các phương án được nhiều người chú ý là thiết kế ý tưởng của Liên danh NDV and Partners + PES Architects Ltd.
Theo nhận xét của Tiến sĩ, Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trưởng ban Giám khảo cuộc thi: “Về ưu điểm của phương án Liên danh NDV and Partners + PES Architects Ltd là khu đất xây dựng khu bảo tàng giai đoạn 1 nằm gọn trong khu đất có sẵn trong quy hoạch, không cần giải phóng thêm, được xem là phương án rất khả thi về tính chủ động về thời gian và kinh phí triển khai. Tổ hợp cấu trúc chung mặt bằng tổng thể bảo tàng hài hòa trong kết nối với khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Về tổ chức mặt bằng công năng sinh động gắn kết tốt với yêu cầu, tính chất bảo tàng “nông nghiệp”, vừa trưng bày, vừa mang tính mở để trải nghiệm tương tác. Dây chuyền hoạt động tạo được khả năng bố trí hợp lý, mềm dẻo, linh hoạt cao. Việc tổ chức tuyến mặt bằng từ khai thác yếu tố gợi “nông nghiệp tuyến tính” theo đặc trưng của miền Tây Nam bộ (thửa chữ nhật liên tục theo tuyển thẳng), cùng với các sân trống đan xen từng khu vực hợp lý trong mặt bằng toàn thể công trình, là một sáng tạo tốt, kết hợp được bản sắc và hiện đại một cách nhuần nhuyễn.
Về hình thái: Kiến trúc công trình trông như các ngôi nhà mái dốc thường gặp ở làng quê miền Tây được kết thành nhóm, gần với cách tổ chức làng xã vùng đất Tây Nam bộ vừa đáp ứng được yêu cầu về tính độc đáo và chất riêng của vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Long, tạo xúc cảm bản địa rõ rệt, không bị nhầm lẫn với các công trình kiến trúc đã có ở các địa phương khác.
Yếu tố và chất liệu hiện đại đã được triển khai thành công ở cả cách tổ chức mặt bằng và tổ hợp hình khối kiến trúc. Công trình có khả năng hiện thực và tiềm ẩn mang đến sức hút, với du khách trong nước và quốc tế do gợi được tính gần gụi, bản sắc nhưng vẫn đủ độ hiện đại, tinh tế.”
Việc xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ có lợi thế lớn trong việc thu hút du khách, do vùng này có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản và vườn cây ăn trái, cùng cảnh quan sông nước đặc trưng. Nông dân khu vực rất sáng tạo, phát triển nhiều mô hình đa dạng trong trồng trọt và chăn nuôi, sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về cuộc sống tại ĐBSCL. Bảo tàng tái hiện chân thực cuộc sống của nông dân qua nhiều thế hệ, từ không gian sống đến hoạt động sản xuất, đồng thời bảo tồn các giá trị truyền thống của vùng. Ngoài ra, bảo tàng cũng sẽ là nơi diễn ra các hoạt động như hội chợ, hội thảo chuyên đề về nông nghiệp, các hoạt động nghiên cứu và giáo dục, tổ chức sự kiện, trưng bày giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, tạo không gian kết nối cho các sản phẩm nông sản các vùng miền.
Tin tưởng rằng trong thời gian không xa, trên vùng đất Vũng Liêm “địa linh nhân kiệt” công trình Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL nơi lưu giữ, tái hiện các hoạt động nông nghiệp và thực hiện di nguyện của Thủ tướng Võ Văn Kiệt sẽ mở của đón du khách gần xa. Bảo tàng Nông nghiệp-một công trình kiến trúc vừa mang dáng dấp hiện đại vừa gần gủi với người dân miền Tây, thể hiện quyết tâm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long với khu vực ĐBSCL và cả nước nhằm tôn vinh ngành Nông nghiệp cùng những con người đã góp công sức, trí tuệ, mồ hôi làm ra hạt lúa, củ khoai, con tôm, con cá…tôn vinh từ những bửa cơm dân dã xứ đồng đến những chuyến tàu mang hàng nông sản Việt Nam hiên ngang vượt sóng ra khơi.
Trần Thắng