Có lẽ trên đất nước Việt Nam hiếm có nơi nào du khách cảm nhận được sự gần gũi, thân thiện như vùng đất, con người Tân Cương. Bởi đến đây, chẳng nề thân sơ, chủ nhà cũng mang thứ trà ngon nhất của mình pha để đãi đằng ẩm khách. Có khách nước ngoài băn khoăn xin được trả tiền trà và công phục vụ thì nhận được một nụ cười tươi giòn kèm câu nói ngọt ngào: “100% free and see you soon”.
Chén trà ở xứ “Đệ nhất danh trà” cũng khác nhiều so với chén trà ở các vùng khác. Bởi ở đây làm chè là một nghề được trao truyền qua nhiều đời, nên mỗi người dân làm chè được ví như một nghệ nhân. Ngay cách pha trà cũng là một nghệ thuật. Bởi thế giữa ngày Đông ngồi trản trà ở Không gian này, mỗi người vơi quên hơi lạnh se sắt của gió mùa.
Câu chuyện về vùng chè Tân Cương được khai mở tự nhiên, dụ du khách về miền thực đẹp như mơ, với những nương chè mơn mởn xanh tràn đầy sức sống. Càng sảng khoái hơn khi biết sản phẩm chè Tân Cương đứng trong TOP 100 đặc sản quà tặng Việt Nam. “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Du khách tham quan, trải nghiệm Không gian Văn hóa trà Tân Cương - Bảo tàng trà của Thái Nguyên.
Rất xứng đáng với tên gọi “Đệ nhất danh trà”, nhiều du khách về đây thưởng ẩm, bình trà đã thảng thốt hồn nhiên như vậy. Rồi câu chuyện bên bàn trà được “bẻ lái” về một thời chưa xa. Hồi bấy giờ là những năm đầu thế kỷ 20, Ðội Năm (tức cụ Vũ Văn Hiệt), người xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên, đưa dân lên Thái Nguyên, về chân núi Guộc khai phá đất đai, lập làng. Trong thời gian ở đây, cụ Hiệt đã cùng dân làng sang Phú Thọ lấy hạt giống chè mang về trồng.
Mỗi năm một ít, diện tích chè dần được mở mang ra khắp đồi đất Tân Cương và các vùng lân cận. Các thế hệ người dân Tân Cương lớp sau theo lớp trước gắn bó, mưu sinh nhờ cây chè; tâm huyết nâng tầm giá trị của sản phẩm chè bằng xây dựng thương hiệu.
Đến nay, chè Tân Cương là sản phẩm quốc gia được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên toàn quốc; đồng thời khẳng định được thương hiệu tại hơn 100 quốc gia.
Cơ chế thị trường đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân. Để phát triển mạnh hơn, các nông hộ trồng chè trong vùng đã có sự liên kết chặt chẽ kể từ khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hái, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Sự liên kết tạo thành xâu chuỗi khép kín cùng hướng đến mục đích nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo thương hiệu mạnh.
Nhiều sản phẩm chè ở vùng “Đệ nhất danh trà” được bán với giá 5-10 triệu đồng/kg. Không chỉ tiêu thụ trong nước, chè còn được xuất khẩu đến thị trường các nước Trung Ðông, một số nước châu Á và Ðông Âu.
Năm 2011, Không gian Văn hóa trà Tân Cương được tỉnh Thái Nguyên xây dựng hoàn thiện, đưa vào sử dụng phục vụ nhân dân, du khách. Không gian có tổng diện tích 2,6ha, được chia thành 3 không gian kiến trúc chính, gồm: Không gian đón tiếp; không gian trưng bày hiện vật và không gian giới thiệu văn hóa - sản phẩm trà.
Hằng năm vào dịp đầu Xuân, không gian này được UBND TP. Thái Nguyên tổ chức Lễ hội “Hương sắc trà xuân” với mục đích tôn vinh người trồng chè và cây chè.
Cũng trong năm 2011, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Festival Trà quốc tế lần thứ nhất. Ngoài đại diện các tỉnh có diện tích chè lớn trên cả nước như: Lâm Đồng, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang… về tham dự, Festival còn thu hút được những người đến từ nhiều quốc gia như: Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc…
Dịp đó, sự độc đáo của Bảo tàng chè đã trở thành tâm điểm của nhiều du khách. Sau 14 năm mở cửa (từ 2011 đến hết năm 2024), Bảo tàng chè đã đón tiếp khoảng 150.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm, thưởng trà và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử liên quan đến chè Thái Nguyên.
Không gian Văn hóa trà có kiến trúc độc đáo, với một không gian mở. Mỗi hạng mục của công trình đều mang dấu ấn thời gian và nghệ thuật. Phía trước công trình là một không gian thoáng rộng để tổ chức các hoạt động lễ hội, đón tiếp, quảng bá du lịch. Bên trong là một bảo tàng thu nhỏ khắc họa câu chuyện trọn vẹn về cây chè, về các công đoạn gieo trồng, chăm sóc, chế biến chè của người dân.
“Lạc” vào Không gian Văn hóa trà, du khách “bị” dẫn dụ từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngay từ khoảng sân rộng, nhiều du khách đã mê mải live stream cho người thân về khung cảnh đầy chất thơ. Gần đó, một đài phun nước cách điệu thành bộ ấm chén khổng lồ bày trên chiếc lá chè lớn.
Khi bước vào sảnh đón tiếp, du khách ấn tượng với dòng chữ lớn: “Thái Nguyên đệ nhất danh trà”. Rồi thảng thốt bên ấm trà gỗ lũa tự nhiên lớn, cao đến “đỉnh nhà”.
Đến tiếp là các khu lưu giữ, trưng bày nhiều nhóm tài liệu, hiện vật giới thiệu lịch sử, sự phát triển của chè và văn hóa trà, du khách được trực tiếp chiêm ngưỡng những hình ảnh giới thiệu về các vùng chè Thái Nguyên, nông cụ sản xuất như nong, nia, quạt bếp bằng lá cọ, chảo sao chè bằng gang, tấm tôn sao chè, máy sao chè, máy đóng gói…
Đứng trước những bộ ấm chén có niên đại hàng trăm năm, với đủ hình dáng khác biệt và hình họa, chạm khắc cầu kỳ mới thấy từ xưa các cụ đã rất rành rẽ về chè và tinh tế trong thưởng trà. Tiếp tục lên tầng trên của Không gian Văn hóa trà, ta gặp được ở đó nhiều loại sản phẩm chè của nhiều tình, thành trên cả nước đang được trưng bày, quảng bá đến nhân dân, du khách.
“Muôn hoa đua sắc”, du khách mãn nhãn khi lựa chọn các sản phẩm chè, ở đó luôn có sản phẩm chè của “Tứ đại danh trà Thái Nguyên” gồm: Tân Cương (TP. Thái Nguyên); Minh Lập (Đồng Hỷ); Tức Tranh (Phú Lương) và La Bằng (Đại Từ). Đặc biệt là có một vị trí trang trọng được bài trí giống như ban thờ trong ngôi nhà của người Việt.
Ở đó có ảnh chân dung những người có công mang cây chè về trồng trên đất Tân Cương; Giấy chứng nhận sản phẩm chè Cánh Hạc Tân Cương đoạt giải Nhất thi đấu xảo ở Hà Nội năm 1939; bảng chữ giới thiệu lịch sử làng nghề chè Tân Cương và các văn bản chữ Hán, có bản dịch tiếng Việt. Hai bên treo câu đối: “Thái Nguyên giàu đẹp muôn thuở” - “Tân Cương cường thịnh vạn vạn niên”.
Giữa lòng “Đệ nhất danh trà”, Bảo tàng trà ôm cả vào lòng một chặng dài lịch sử mô tả trọn vẹn quá trình sản xuất, chế biến chè và một phần văn hóa thưởng trà của người Thái Nguyên. Tất cả hội tụ lại, trở thành một nét đẹp văn hóa riêng biệt với vô số câu chuyện xoay quanh chủ đề về đời chè và đời người.
Vậy nên, những “tao nhân mặc khách” bốn phương khi đến Không gian Văn hóa trà, chiêu một ngụm nước sóng sánh vàng nóng ấm mà thấy tinh thần sảng khoái, lòng trở nên khoáng đạt, thanh tao...
TNĐT