Tinh thần Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng len lỏi vào nhịp sống của các bạn trẻ, từ việc “săn” chỗ lý tưởng để theo dõi lễ diễu binh, diễu hành cho đến những chuyến thăm bảo tàng nhằm ôn lại kiến thức lịch sử.
Tri ân quá khứ
Điểm nhấn thu hút sự quan tâm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh TP. HCM) là triển lãm “Từ Chiến thắng Điện Biên Phủ đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975” thuật lại hành trình từ chiến công vang dội đến tiềm năng phát triển của vùng đất Điện Biên hôm nay. Triển lãm do Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) phối hợp thực hiện.
Nhóm sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, trường CĐ Kinh tế Đối ngoại đến Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh TP. HCM) tham quan.
Đặng Lê Nhật Vy (trái) lần đầu đến Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Trong những ngày này, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn bảo tàng là nơi để tiếp cận lịch sử một cách sâu sắc và chọn lọc hơn. Đặng Lê Nhật Vy (Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho biết: “Mình có người thân là bộ đội, nên từ đó mình được truyền cảm hứng với lịch sử Việt Nam hiện đại. Khi đến TP. HCM du lịch, mình muốn tranh thủ thời gian để ghé thăm những địa điểm có ý nghĩa như thế này”.
Vy chia sẻ: “Mình thuộc nhóm những người trẻ sinh vào cuối thế hệ 9X, đầu 2000 nên mình thấy các bạn trẻ ngày càng quan tâm nhiều đến lịch sử, một phần nhờ vào sự phát triển của mạng xã hội. Tuy nhiên, không phải thông tin nào trên mạng cũng chính xác, mình nghĩ, nếu không có nền tảng kiến thức vững chắc thì rất dễ bị dẫn dắt sai”.
Nhóm sinh viên ngành Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TP. HCM thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Phạm Quốc Bảo (khoa Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TP. HCM) bày tỏ: “Những năm gần đây, một số sản phẩm âm nhạc đã lồng ghép yếu tố văn hóa, lịch sử dân tộc vào, khiến các bạn trẻ cũng cảm thấy như có mình trong đó. Khi dịp lễ 30/4 đến gần, hình ảnh hoạt động diễn tập diễu binh được chia sẻ rộng rãi, phần nào mình được khơi gợi cảm xúc tự hào và mong muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử”.
Chị Đỗ Bích Hạnh (giáo viên Tổng phụ trách, trường THCS Nguyễn Công Trứ, Hà Nội) vừa đưa một học sinh vào TP. HCM nhận giải thưởng trong cuộc thi tìm hiểu lịch sử, cô và trò cũng tranh thủ đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh. Từ góc độ giáo dục, chị chia sẻ: “Là một người từng giảng dạy môn Lịch sử, tôi nhận thấy những đổi mới gần đây của sách giáo khoa, cùng với sự lan tỏa của mạng xã hội đã giúp lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ”.
Lịch sử không chỉ là chuyện của quá khứ
Đồng hành với nhân dân và du khách, các đơn vị bảo tàng cũng tìm cách đổi mới nội dung và hình thức thể hiện. Theo bà Vũ Thị Tuyết Nga - Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ: “Việc thu hút người trẻ đến với bảo tàng không chỉ xuất phát từ ý thức cá nhân, mà còn là kết quả của những phương pháp tiếp cận sáng tạo, gần gũi từ các đơn vị tổ chức. Mỗi chuyến đi đến bảo tàng, mỗi cuộc triển lãm là một lời nhắc nhở không lời: Muốn sống tốt, lao động tốt, học tập tốt – trước hết đừng quên lịch sử cha ông đã làm nên. Để hiểu rõ lịch sử, hãy bắt đầu từ những không gian gần gũi như bảo tàng hoặc xa hơn là đến với mảnh đất Điện Biên anh hùng”.
Bà Vũ Thị Tuyết Nga trong không gian trưng bày của Triển lãm.
Một số ấn phẩm gửi đến du khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Một trong những điểm nhấn tại triển lãm “Từ Chiến thắng Điện Biên Phủ đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975” là chủ đề “Tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh Điện Biên và TP. HCM”. Các ấn phẩm giới thiệu danh thắng, di tích và văn hóa của 19 dân tộc anh em… cũng được trưng bày và gửi đến du khách.
Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng là điểm đến trên hành trình của nhiều du khách nước ngoài.
Các tư liệu và hình ảnh quảng bá về tỉnh Điện Biên được lựa chọn nhằm phục vụ mục tiêu lan tỏa nét đẹp văn hóa, tiềm năng du lịch và bản sắc dân tộc của tỉnh đến công chúng. Không chỉ nhằm mục đích giới thiệu, triển lãm còn muốn gửi lời mời đến khách thập phương, đến thăm mảnh đất ghi dấu chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Mỹ Uyên - Dư Thư