Thuộc Bảo tàng Nông nghiệp Kluk Priest Krzysztof, Bảo tàng Trứng Phục sinh vừa kỷ niệm 20 năm thành lập vào năm ngoái. Nơi đây trưng bày trứng Phục sinh từ 7 châu lục, gồm cả trứng của Ba Lan mang tên “pisanki”. Du khách khi ghé thăm có thể tìm hiểu lịch sử truyền thống trang trí cũng như kỹ thuật dân gian được giới nghệ nhân sử dụng.
Martyna Gieros - người phụ trách bộ phận dân tộc học của Bảo tàng Nông nghiệp Kluk Priest Krzysztof cho biết: “Hiện tại chúng tôi có được 2.752 quả trứng Phục sinh. Mỗi quả lại ẩn chứa câu chuyện đằng sau, một con người đằng sau”.
Nguồn gốc số trứng trên bắt nguồn từ bộ sưu tập cá nhân của hai vợ chồng Giáo sư Irena Stasiewicz-Jasiukowa (Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan) và Giám đốc Bảo tàng Công nghệ quốc gia Ba Lan Jerzy Jasiuk. Họ tiến hành thu thập suốt hơn 30 năm thông qua chuyến đi du lịch, nghiên cứu, học tập. Cuối cùng hai vợ chồng quyết định tặng lại 1.000 hiện vật.
Hai trong số 2.752 quả trứng Phục sinh tại bảo tàng - Ảnh: Artur Warchala
Bộ sưu tập nhiều loại trứng
Trứng Phục sinh tại bảo tàng không chỉ gồm hiện vật kiểu truyền thống làm từ trứng gà, vịt hay ngỗng mà còn cả tác phẩm từ trứng chim công, thiên nga, cò, đà điểu, chim cánh cụt. Du khách đặc biệt quan tâm đến tác phẩm nhỏ xíu làm từ trứng chim sẻ hay vẹt châu Phi. Quả trứng nhỏ thực sự là thách thức với nghệ nhân trang trí.
Không chỉ trứng tự nhiên, bảo tàng còn trưng bày trứng làm bằng gỗ hoặc đá quý.
Kỹ thuật trang trí đa dạng
Kỹ thuật trang trí cũng đa dạng không kém số hiện vật trưng bày. Trứng được làm bằng kỹ thuật vẽ sáp (batik), chạm khắc (engrave), sơn dầu, acrylic, đục lỗ (openwork)…
Thông thường kỹ thuật truyền thống sử dụng vật liệu tự nhiên. Theo bà Gieros: “Chúng tôi có những quả trứng được phủ ngũ cốc tự nhiên hạt anh túc, bột semolina, pasta, hạt táo. Bộ sưu tập cũng gồm tác phẩm dùng len màu, hạt dưa chuột, hạt gạo, hạt kiều mạch trang trí’.
Trứng Phục sinh từ mọi châu lục
Bảo tàng tự hào quy tụ trứng Phục sinh từ khắp nơi trên thế giới, từ châu Âu (Ba Lan, Ukraine, Nga, Czech) đến Trung Quốc, Nhật Bản, Kenya, Indonesia, Úc…
“Khách du lịch Ba Lan hay nước khác đem tác phẩm của mình đến cho chúng tôi. Do đó bộ sưu tập có trứng Phục sinh của không chỉ Ba Lan mà của mọi châu lục”, theo một nhân viên bảo tàng.
Bà Gieros cho biết thêm: “Tất nhiên bảo tàng không thể chấp nhận mọi thứ. Chúng tôi sàng lọc để chọn ra tác phẩm thú vị nhất. Với chúng tôi kỹ thuật trang trí rất quan trọng, đồng thời cố gắng thu thập tác phẩm truyền thống”.
Bộ sưu tập "pisanki" - Ảnh: Artur Warchala
Hình thức văn hóa dân gian cổ xưa
Dù ngày nay trứng Phục sinh gắn liền với Thiên chúa giáo và lễ Phục sinh, nhưng lịch sử của chúng thực ra cổ xưa hơn nhiều. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge khẳng định trứng đã được trang trí ở phía nam châu Âu từ 60.000 năm trước.
Phong tục trang trí trứng gắn liền với tín ngưỡng thờ thần Mặt trời, quả trứng tượng trưng cho Mặt trời và ánh sáng. Vài quả trứng nhuộm màu lâu đời nhất được phát hiện đến từ vùng Lưỡng Hà Sumer, nơi phong tục lan rộng ra khắp Địa Trung Hải. Trứng đà điểu nhuộm màu được tìm thấy ở Ai Cập có niên đại năm 3.000 trước Công nguyên. Nhiều nền văn hóa khác nhau gồm cả Ba Tư đều tiếp thu phong tục trang trí trứng, trước khi Thiên chúa giáo liên kết chúng với sự phục sinh.
Trong văn hóa Slavic, trứng trang trí gắn liền với lễ Jare Gody đánh dấu mùa đông kết thúc, đảm bảo vụ mùa sắp tới bội thu. Người gieo hạt cũng đem theo bùa hộ mệnh hình quả trứng hoặc rải chúng trên đồng.
Bà Gieros nhấn mạnh thời xưa trứng trang trí không chỉ mang ý nghĩa nông nghiệp mà còn là biểu tượng của sự sống mới. Ở nhiều nơi trên thế giới, chúng được đặt trong quan tài để “thổi sinh khí mới” cho người chết tiếp tục cuộc sống thứ hai. Hoặc trứng cũng gắn liền với thời điểm xuân phân lúc vạn vật sinh sôi nảy nở.
Bảo tàng trứng Phục sinh khắp thế giới
Bảo tàng tại Ciechanowiec không phải địa điểm duy nhất sở hữu bộ sưu tập chủ đề này. Vài địa phương khác của Ba Lan, Ukraine, Nga, Hungary, Canada cũng có bảo tàng trứng Phục sinh tương tự.
Điều khiến bảo tàng tại Ciechanowiec hơn cả là cách tiếp cận toàn diện, thu thập hiện vật từ khắp nơi và ghi chép tất cả kỹ thuật trang trí lẫn truyền thống khác nhau, đem lại cho khách tham quan hành trình khám phá xuyên thời gian lẫn xuyên lục địa.
Cẩm Bình