Bảo tàng Tuyên Quang: Không gian lưu giữ hồn cốt văn hóa dân tộc

Bảo tàng Tuyên Quang: Không gian lưu giữ hồn cốt văn hóa dân tộc
3 giờ trướcBài gốc
Giáo viên và học sinh tham quan gian trưng bày các hiện vật đặc trưng như trang phục, đồ dùng sinh hoạt và các công cụ lao động của dân tộc Tày.
Bước vào không gian trưng bày của bảo tàng, khách tham quan sẽ được cảm nhận ánh sáng ấm áp từ những chiếc đèn trang trí tỏa ra dìu dịu đủ để thấy những bộ trang phục truyền thống của đồng bào Dao, Mông… rực rỡ với nhiều màu sắc và họa tiết phong phú, thể hiện sự tinh tế trong nghệ thuật của mỗi dân tộc. Tại đây, khách tham quan có thể tìm hiểu rõ hơn về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang.
Cô giáo Ma Thị Tiền, giáo viên trường THCS Thổ Bình, cùng các em học sinh tham quan gian trưng bày trang phục truyền thống của dân tộc Dao Đỏ.
Du khách có thể tham quan từng gian trưng bày, đầu tiên là khu trưng bày của dân tộc Tày, nơi giới thiệu những bộ trang phục xưa cùng các công cụ như khung cửi, quay sợi… và những vật dụng sinh hoạt hàng ngày như nón, giỏ… tất cả tạo nên một không gian sống động và chân thực. Tiếp đến, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng khu trưng bày của các ngành Dao ở tỉnh Tuyên Quang. Trang phục của các ngành Dao chủ yếu có màu rực rỡ trên nền chàm, nhưng trang phục Dao Tiền lại khác biệt rõ rệt với màu chàm đen, hai bên mép áo là những chiếc cúc to bằng bạc, khăn quấn đầu màu trắng, chân váy thêu hoa văn bằng sáp ong, tạo nên nét độc đáo riêng. Gian trưng bày của dân tộc Mông bao gồm Mông Hoa, Mông Trắng… Đặc biệt là khu bếp của người Mông tái hiện cảnh sinh hoạt hàng ngày với hình ảnh người mẹ địu con ngồi bên bếp lửa. Tất cả tạo nên một không gian ấm cúng và sống động, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về cuộc sống thường ngày của người Mông. Cuối cùng, khách tham quan sẽ đến với khu trưng bày của người Pà Thẻn, người Sán Chay… Mỗi dân tộc mang một sắc thái riêng, tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng và phong phú của tỉnh Tuyên Quang.
Các em học sinh tham quan góc trưng bày gian bếp truyền thống của người Mông.
Cô giáo Ma Thị Tiền, giáo viên trường THCS Thổ Bình, chia sẻ: "Trong những buổi ngoại khóa, chúng tôi đưa các em đến tham quan Bảo tàng. Tại đây, các em được cán bộ thuyết minh hướng dẫn và giới thiệu khái quát về vị trí địa lý, cảnh quan tự nhiên và đặc biệt là gian trưng bày về bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số. Các em được tận mắt thấy những bộ trang phục và đồ trang sức của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Mỗi bộ trang phục đều được trưng bày một cách tỉ mỉ và công phu. Điều này không chỉ giúp các em mở rộng kiến thức mà còn mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc, giúp các em hiểu rõ hơn về việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Hiện nay, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ rất nhiều bộ trang phục truyền thống của các dân tộc như: Tày, Dao, Sán Chay, Mông, Pà Thẻn… với rất nhiều mẫu trang phục gốc khác nhau như dân tộc Dao Đỏ có các bộ trang phục dùng cho những mục đích khác nhau (Lễ hội, cưới hỏi, lên nương, thường ngày). Đặc biệt, rất khó tìm lại trang phục gốc của một số dân tộc ít người như: Dao Ô Gang, Dao Cóc Mùn… Việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang trong giai đoạn hiện nay góp phần lưu giữ, bảo tồn, phát triển văn hóa của các dân tộc, nâng cao lòng tự hào, giúp người dân có ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Bài, ảnh: Cảnh Trực
Nguồn Tuyên Quang : http://baotuyenquang.com.vn/bao-tang-tuyen-quang-khong-gian-luu-giu-hon-cot-van-hoa-dan-toc-199521.html