Bảo tồn biệt thự - kiến trúc đặc thù của đô thị

Bảo tồn biệt thự - kiến trúc đặc thù của đô thị
5 giờ trướcBài gốc
Tháng 11-2024, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM tổ chức Hội thảo sơ kết công tác kiểm kê, đánh giá, phân loại biệt thự cũ cần bảo tồn trên địa bàn.
Dấu ấn lịch sử - văn hóa
Theo thống kê năm 2016 của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, TP HCM có khoảng 1.300 ngôi biệt thự cổ được xây dựng trước năm 1975, tập trung nhiều nhất ở quận 1 và quận 3 nhưng đến nay, gần nửa số biệt thự đã "biến mất". Các biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, nhiều sở hữu (nhà tập thể) và khá nhiều biệt thự là cơ quan làm việc của nhà nước.
Theo tiêu chí đánh giá và phân loại biệt thự cũ trên địa bàn, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND ngày 5-9-2018, có hiệu lực từ ngày 20-9-2018. Hiện nay, thành phố có 13 căn thuộc nhóm 1 (có giá trị điển hình về kiến trúc), 226 căn thuộc nhóm 2 (có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử, văn hóa). Đây là 2 nhóm biệt thự được đề nghị bảo tồn ở mức độ khác nhau.
Những công trình biệt thự cần bảo tồn có nhiều giá trị quan trọng đối với cảnh quan kiến trúc đô thị, là dấu ấn lịch sử - văn hóa của TP HCM.
Giá trị lịch sử của biệt thự cổ thể hiện ở loại hình kiến trúc, kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng, trang trí nội thất... qua nhiều thời kỳ phát triển. Đó là khả năng duy trì chất lượng công trình trong thời gian lâu dài và khả năng cải tạo thích ứng với chức năng mới. Sự phát triển của đô thị luôn hướng đến tính hiện đại, đồng thời vẫn thể hiện được bản sắc riêng. Kiến trúc biệt thự ở TP HCM thể hiện điều đó khá rõ ràng.
Nhiều công trình biệt thự ở TP HCM, nhất là tại khu vực trung tâm, phản ánh quá trình giao lưu, tiếp xúc, tiếp biến văn hóa Việt Nam với văn hóa phương Tây, đặc biệt là văn hóa Pháp. Phần lớn biệt thự với lối kiến trúc đơn giản về hình khối, trang trí kiến trúc nội ngoại thất phù hợp quy mô công trình và các yếu tố thời tiết, khí hậu, phản ánh địa vị xã hội, văn hóa lối sống của chủ thể (người Pháp, Việt, Hoa…); đồng thời mang lại tiện nghi sinh hoạt hiện đại, tăng cường yếu tố vệ sinh, đề cao sinh hoạt và tự do cá nhân.
Một trong những kiểu kiến trúc biệt thự cổ ở TP HCM
Mang lại sức sống mới
Có thể nói, ảnh hưởng văn hóa Pháp và các nước phương Tây khác, trong đó có kiến trúc và cảnh quan biệt thự, đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành những sinh hoạt, nếp sống văn minh đô thị hay lối sống công chức, công nghiệp trong buổi đầu đô thị hóa.
Các biệt thự thường ở vị trí trung tâm, diện tích đất khá lớn, nên hiện nay giá trị bất động sản rất cao. Từ đầu thế kỷ XXI, nhiều biệt thự ở TP HCM đã được chuyển đổi sở hữu từ tập thể sang tư nhân. Chủ sở hữu (hoặc người thuê lại), xuất phát từ nhu cầu kinh tế và nhu cầu xã hội, đã sửa chữa phục hồi một số biệt thự trở về cảnh quan và chức năng là "nơi cư trú của hộ gia đình"; một số chuyển đổi công năng thành quán ăn, quán cà phê có trang trí nội thất kiểu "Sài Gòn xưa" hoặc theo lối Âu Tây…
Sự thay đổi này mang lại sức sống mới cho từng ngôi biệt thự và tăng cao giá trị kinh tế của biệt thự nhưng trên diện rộng, "cảnh quan biệt thự" vẫn chưa được phục hồi. Do đó, giá trị di sản của một số biệt thự và "cảnh quan biệt thự" của đô thị - một tài sản và nguồn vốn lớn - chưa được chính quyền và cộng đồng nhận biết, sử dụng hợp lý.
Việc đánh giá giá trị hệ thống biệt thự như Hà Nội đã làm và TP HCM đang làm, theo hệ thống tiêu chí cụ thể để phân loại bảo tồn hay không bảo tồn là cần thiết nhưng rất khó khăn. Bảo tồn biệt thự, từ cả lý thuyết và thực tế, đã đặt ra cho công tác quản lý đô thị một số công cụ cơ bản để có thể tiếp cận các công trình biệt thự cần bảo tồn từ nhiều góc độ: di sản văn hóa, kinh tế, du lịch...
Kiến trúc kiểu Pháp của một biệt thự ở quận 3, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Trước hết, cán bộ quản lý tại địa bàn cần có "công cụ tri thức". Đó là sự hiểu biết về các loại hình và giá trị di sản văn hóa ở đô thị; nắm Luật Di sản văn hóa, các luật khác và văn bản liên quan; được đào tạo các chuyên môn liên quan quản lý đô thị. Cán bộ quản lý địa bàn là đầu mối và cầu nối giữa chủ sở hữu biệt thự hay chủ đầu tư trùng tu, bảo tồn biệt thự với các cơ quan chuyên môn, nhà tư vấn khoa học.
Trong Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung năm 2009, các điều 54, 55, 56 đã bao gồm những nội dung chính về việc quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa; trách nhiệm cụ thể của các cơ quan phụ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ được phân công đối với mỗi yếu tố của di sản vật thể và phi vật thể.
Các biệt thự nói riêng, công trình kiến trúc nói chung, dù chưa được xếp hạng di sản cấp tỉnh, quốc gia nhưng nếu đánh giá, xác định được giá trị thì cần được đưa vào diện kiểm kê di tích, ứng xử như di sản văn hóa. Là di sản văn hóa đồng thời là tài sản của cá nhân hay tập thể, biệt thự đang chịu sự chi phối của các luật lệ liên quan.
Tiếp theo là "công cụ pháp lý" để bảo tồn và phát huy giá trị biệt thự. Tức là, cần có sự đồng bộ về hệ thống luật và văn bản dưới luật của các lĩnh vực liên quan đến di sản văn hóa - sự nhất quán trong thực thi luật. Từ đó mới có sự thống nhất trong quan điểm, đồng thuận trong việc giải quyết từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở giữ gìn, bảo tồn công trình, huy động nguồn lực kinh tế đáp ứng việc trùng tu, bảo tồn.
Công trình biệt thự được bảo tồn là một loại hình di sản văn hóa. Đây là một nguồn vốn xã hội nên cần có "công cụ tài chính" để quản lý và phát triển. Xây dựng những chính sách cụ thể để khuyến khích, tạo điều kiện để cộng đồng tham gia bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị biệt thự, phát triển kinh tế di sản, kinh tế du lịch từ giá trị tài sản của người dân, của cộng đồng.
Đặc biệt, cần có chính sách kêu gọi các nhà đầu tư vào đô thị nên đầu tư vào bảo tồn di sản, nhất là chính sách về thuế, vinh danh sự đóng góp vào bảo tồn di sản… Cần có chính sách "đền bù di sản" từ phía các nhà đầu tư địa ốc đã gây tổn hại khu vực di sản hay công trình di sản đô thị.
Bên cạnh đó, khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư vào công trình di sản, như có thể mua công trình di sản với giá ưu đãi kèm quy định chặt chẽ về việc chỉ được trùng tu, bảo tồn và thông qua các hoạt động vì cộng đồng để phát huy giá trị di sản. Từ đó, họ được chính quyền hỗ trợ miễn phí về tài liệu, tư vấn chuyên môn, ưu đãi về thuế nếu công trình di sản hoạt động văn hóa phục vụ cộng đồng.
Cần xây dựng quỹ bảo tồn di sản từ nhà nước và xã hội để mua lại các công trình di sản, trong đó có biệt thự, nhằm bảo tồn và sử dụng như các công trình văn hóa. Nguồn thu từ các công trình này cũng là một nguồn đóng góp cho quỹ. Cần kêu gọi xã hội đóng góp bằng nhiều nguồn lực cho việc trùng tu, tôn tạo biệt thự và di tích.
Ngoài ra, cần có những "công cụ thông tin". Cơ quan quản lý di sản và quản lý đô thị, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu có chức năng và trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ cộng đồng nâng cao hiểu biết về các giá trị và trách nhiệm đối với công trình di sản đô thị, trong đó có biệt thự. Các công trình kiến trúc cổ mang tính truyền thông, biểu tượng cho một thời đại, một đô thị cụ thể là tiềm năng quan trọng có thể khai thác lâu dài.
Đề cao vai trò cộng đồng
Hiện nay, ở TP HCM phổ biến tình trạng biệt thự cũ xuống cấp nặng; nhiều biệt thự đã chuyển đổi công năng, chuyển đổi hình thức sở hữu. Vì vậy, nếu đưa tất cả vào diện bảo tồn thì rất khó thực thi. Bởi lẽ, bảo tồn biệt thự nói riêng và bảo tồn di sản nói chung phụ thuộc nhiều chính sách quản lý và giá trị đất đai, nhất là khi trình độ nhận thức về di sản đô thị nhìn chung còn hạn chế.
Cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong các dự án hay chương trình quy hoạch bảo tồn. Sự tham gia của cộng đồng là một quá trình hợp tác giữa các thành phần của cộng đồng (chủ sở hữu, chủ đầu tư trùng tu cải tạo, nhà thiết kế cải tạo, thợ thi công...) và chính quyền, nhà quản lý để đạt được những mục tiêu chung là bảo tồn di sản và đáp ứng nhu cầu đời sống. Đây là 2 vấn đề không hề mâu thuẫn nếu coi bảo tồn di sản là một phương thức phát triển bền vững như nhiều quốc gia đã thực hiện.
Cộng đồng còn cần tích cực tham gia trong việc thảo luận và quyết định về bảo tồn giá trị di sản, thông qua báo chí, truyền thông và những phương thức hợp pháp khác. Cần khuyến khích sự hợp tác và chia sẻ thông tin trong cộng đồng về các công trình kiến trúc cũ có giá trị, kiến trúc biệt thự cổ, nhất là từ các nhà nghiên cứu… Sự đóng góp, tổng hợp tư liệu trong cộng đồng sẽ giúp cho công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản nói chung, biệt thự nói riêng đạt hiệu quả cao hơn.
Những công trình biệt thự cần bảo tồn có nhiều giá trị quan trọng đối với cảnh quan kiến trúc đô thị, là dấu ấn lịch sử - văn hóa của TP HCM.
Tăng giá trị cho di sản văn hóa
Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia bảo tồn tốt di sản đô thị cho thấy về phía cộng đồng, chủ sở hữu hay người sử dụng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị biệt thự cổ. Cần có tâm với di sản (văn hóa, lịch sử), có tầm tri thức, hiểu biết giá trị di sản và có tiềm lực về tài chính để bảo tồn, khai thác bền vững. Kết hợp 3 điều kiện này sẽ mang đến hiệu quả tốt: trùng tu và bảo tồn di sản một cách khoa học, nghiêm túc, mang lại cho công trình thêm một/nhiều công năng mới phù hợp.
Đây là phương thức tăng giá trị cho di sản văn hóa, bao gồm cả giá trị kinh tế. Sử dụng công trình biệt thự như "tài sản kinh tế" để có lợi nhuận, đồng thời với việc lưu giữ "di sản văn hóa", là 2 mục đích không mâu thuẫn nếu đặt trong mục tiêu phát triển bền vững.
Nguyễn Thị Hậu
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/bao-ton-biet-thu-kien-truc-dac-thu-cua-do-thi-196241222192105714.htm