Tại Hội thảo “Thông báo Khảo cổ học toàn quốc lần thứ 59 - năm 2024” đang diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 14-15/11, Cụm Di chỉ Vườn Chuối lại được nhắc đến như một vấn đề thời sự nóng hổi.
Theo PGS.TS Bùi Văn Liêm (Viện Khảo cổ học), sau cuộc khai quật Cụm Di chỉ Vườn Chuối vào giữa năm 2024, mới đây, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương, lãnh đạo Cục Di sản văn hóa và lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể Thao TP Hà Nội đã kiểm tra, thị sát tại cụm di chỉ này.
Đại biểu xem thông tin về kết quả các cuộc khai quật khảo cổ năm 2024. Ảnh: Thế Vũ
Những kết quả khai quật mới thu được cho thấy, xuất hiện nhiều giá trị mới và quý hiếm, đòi hỏi đặt ra nhiều vấn đề trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di chỉ Vườn Chuối. Vì vậy, cần có cách ứng xử với di sản văn hóa trong bối cảnh mới.
Vì vậy, việc di dời toàn bộ di tích, di vật hay bảo tồn nguyên trạng tại chỗ cần được nghiên cứu thấu đáo, có sự tham gia của các bên liên quan. Bộ VHTT&DL và TP Hà Nội sẽ tổ chức các cuộc họp có sự tham gia của cơ quan Bộ, ngành liên quan; các chuyên gia, nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực để thống nhất trong nhận định, đánh giá về kết quả khai quật, qua đó đề xuất những biện pháp bảo tồn phù hợp.
Ông Liêm cho rằng, những vấn đề xung quanh việc bảo tồn di chỉ Vườn Chuối là vấn đề rất thời sự, nóng hổi lúc này, không chỉ là việc khai quật rồi dừng lại; từ đó đề nghị các nhà khoa học cần có ý kiến mạnh mẽ để bảo tồn, gìn giữ di sản quý giá này.
Trước đó, hồi giữa năm 2024, tại cuộc khai quật trên diện tích 6.000m2 tại Cụm Di chỉ Vườn Chuối (thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã phát hiện nhiều dấu tích một ngôi làng Việt cổ đã được con người thời đại Kim khí suốt trong thời gian khoảng 2.000 năm, liên tục từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến Đông Sơn và hậu Đông Sơn.
Một số thông tin, hình ảnh về cuộc khai quật khảo cổ Cụm Di chỉ Vườn Chuối năm 2024
Những kết quả này đã góp phần cung cấp đầy đủ chứng cứ lịch sử về sự có mặt của con người từ rất sớm trên địa bàn Hà Nội. Hơn nữa còn chứng minh nguồn gốc bản địa và lịch sử dân tộc Việt Nam thời tiền sơ sử, khẳng định thời đại Hùng Vương dựng nước trong lịch sử dân tộc không hề là truyền thuyết.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam, người trực tiếp tham gia khai quật tại di chỉ Vườn Chuối cho rằng, khu di chỉ này không khác gì là một Hoàng thành Thăng Long thứ hai. Mặc dù giá trị là quý báu như vậy nhưng rất tiếc, cơ quan chức năng liên quan vẫn chưa lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích.
T.Toàn