Ngôi nhà sàn của gia đình ông Nguyễn Văn Chìu ở xã Thạch Lâm.
Gìn giữ những nếp nhà sàn
Con đường bê tông nối từ đường Hồ Chí Minh về với điểm du lịch Thác Mây, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành uốn lượn qua những cánh rừng thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương. Dọc hai bên đường, những nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Mường tựa lưng vào núi đồi, ngoảnh mặt ra sông suối “nghiêng nghiêng” trong nắng chiều.
Thạch Lâm là xã miền núi với hơn 98,5% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Người Mường ở Thạch Lâm hiện vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hóa phong phú, mang sắc thái văn hóa riêng, đặc sắc, như: “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui”; các loại hình diễn xướng dân gian (cồng chiêng, hát ru, hát sắc bùa, mo Mường...); các trò chơi dân gian (đánh mảng, tung còn, bắn nỏ, chơi đu...); các phong tục, tập quán tốt đẹp; món ăn truyền thống đặc sắc (xôi nếp nương, gà đồi, thịt trâu lá lồm, cá bính Sông Ngang, canh lá đắng, ốc đá, măng đắng...); trang phục thổ cẩm váy áo Mường...
Anh Bùi Văn Năng, công chức văn hóa - xã hội xã Thạch Lâm, cho biết: Xã còn lưu giữ được hệ thống nhà sàn đặc trưng với trên 85% là nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường. Xã có 6 thôn thì 570/668 hộ hiện đang sinh sống trong những ngôi nhà sàn được thiết kế từ truyền thống đến mang hơi hướng hiện đại nhưng vẫn giữ nét văn hóa đặc trưng nhà sàn người Mường. Trong đó, nhiều nhất là thôn Đăng Thượng chiếm 98% hộ sinh sống ở nhà sàn, thôn Nội Thành với 92%; thôn Nghéo, thôn Đồi, thôn Biện với 80% bà con sinh sống trong nhà sàn... Nhà sàn người Mường Thạch Lâm chủ yếu tựa lưng vào núi hướng ra sông suối. Phần cột nhà, xà nhà làm bằng gỗ tròn hoặc vuông. Nhà sàn thường có một gian, hai chái hoặc hai gian, hai chái và thông nhau. Trước đây vật liệu chủ yếu để làm nhà sàn được lợp bằng cỏ tranh, lá cọ, hiện nay chủ yếu lợp ngói đỏ, tấm lợp, phần tường làm bằng các vật liệu gỗ, phên nứa. Hiện nay do vật liệu gỗ cũng ít dần, một số nhà sàn được làm bằng bê tông cốt thép nhưng vẫn giữ nguyên lối kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường...
Thúc đẩy du lịch phát triển
Trên địa bàn xã Thạch Lâm có nhiều điểm với cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách, trong đó nổi bật là Thác Mây. Thác nằm trên địa bàn thôn Đăng Thượng, nước chảy quanh năm, nhưng đẹp nhất vào các tháng từ 4 đến 10 âm lịch. Nước một phần chảy xuống thác, một phần được bà con sử dụng cho trồng trọt. Thác Mây được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh năm 2019. Năm 2024 là năm thứ 3 xã Thạch Lâm tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch gắn với khai trương du lịch Thác Mây. Vào những dịp hè, Thác Mây thu hút nhiều du khách đến tham quan, tắm thác, nghỉ ngơi, khám phá nét văn hóa truyền thống của người Mường, trong đó có những nếp nhà sàn. Hiện nay, thôn Đăng Thượng có 150 hộ dân, 99% là dân tộc Mường thì 98% đồng bào ở nhà sàn truyền thống. Các gia đình đang gìn giữ nhà sàn truyền thống lâu năm nhất như hộ ông Nguyễn Văn Thỏa, Nguyễn Văn Khải, Bùi Văn Kình, Nguyễn Văn Nận, Nguyễn Văn Sợi, Nguyễn Văn Tuyệt... có tuổi đời 30 - 50 năm. Nhà sàn trên 100 năm tuổi hiện còn rất ít do lâu năm bị hư hỏng, bà con đã sửa chữa, làm lại mới nhưng kết cấu nhà sàn mới vẫn giữ nguyên các nét truyền thống của nhà sàn dân tộc Mường.
Theo anh Bùi Văn Năng, về với thôn Đăng Thượng, du khách được khám phá cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và trải nghiệm nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Mường. Tuy nhiên, hiện nay trong thời kỳ CNH, HĐH, hội nhập quốc tế, những giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một, những nếp nhà sàn của người Mường có thể bị thay thế bởi những ngôi nhà kiên cố.
Thạch Lâm là xã miền núi điều kiện kinh tế, thu nhập của người dân còn rất thấp, việc quan tâm, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch sẽ góp phần phát triển đời sống kinh tế của người dân. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư bảo tồn hệ thống nhà sàn truyền thống trên địa bàn xã Thạch Lâm là rất cần thiết. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân, nâng cao nhận thức, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có gìn giữ nếp nhà sàn truyền thống, sửa chữa, tôn tạo đảm bảo với cuộc sống mới nhưng không làm mất đi nét đặc trưng của nhà sàn người Mường.
Theo Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thành Lê Thị Hương, thực hiện Đề án “Phát triển du lịch huyện Thạch Thành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, khu vực du lịch trọng điểm trên địa bàn huyện được chia thành 3 khu vực, trong đó khu vực 1 (xã Thạch Lâm) với quy mô khoảng 6.521,4ha, phát triển sản phẩm là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch tìm hiểu văn hóa, làng nghề. Định hướng đến năm 2025, Thạch Thành ưu tiên phát triển du lịch tại khu vực xã Thạch Lâm (gồm Thác Mây, làng nhà sàn cổ) và khu vực thị trấn Vân Du, xã Thành Tân và xã Thành Công (gồm đền Phố Cát, thiền viện Tịnh Lạc, khu trang trại nông nghiệp công nghệ cao). Huyện Thạch Thành đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: xây dựng, khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch có ưu thế của huyện như du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại thác Mây, thác Voi, thác Đẹn, suối khoáng nóng Thành Minh; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch cộng đồng tại Thạch Lâm; du lịch nông nghiệp gắn với giáo dục, trải nghiệm tại xã Thạch Lâm...; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch như Dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Memorina, thác Mây Ecologe tại xã Thạch Lâm; mở rộng đường vào khu du lịch thác Mây; đầu tư bảo tồn và tôn tạo nhà sàn của đồng bào Mường tại thôn Đăng Thượng, xã Thạch Lâm phục vụ phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện Chương trình phát triển du lịch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025. Hiện nay, nguồn ngân sách địa phương khó khăn, vì vậy để thực hiện nội dung bảo tồn, tôn tạo nhà sàn của đồng bào dân tộc Mường thôn Đăng Thượng, xã Thạch Lâm, huyện rất cần sự quan tâm đầu tư của tỉnh.
Bài và ảnh: Ngọc Huấn