Phụ nữ dân tộc Mường tại xã Cúc Phương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) biểu diễn cồng chiêng.
Xã Cúc Phương là một trong 7 xã được công nhận thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình). Trên địa bàn xã, hiện có 86% dân số là đồng bào dân tộc Mường với nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo như: hát Mường, các trò chơi dân gian, đánh cồng chiêng, các phong tục tập quán bản địa.
Cùng với cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái độc đáo, với Vườn Quốc gia Cúc Phương là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, được nhiều lần vinh danh là "Vườn Quốc gia hàng đầu châu Á", nên xã Cúc Phương có một tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch cộng đồng.
Xã Cúc Phương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) có 86% dân số là dân tộc Mường.
"Phát triển du lịch cộng đồng là một trong những thế mạnh của địa phương dựa trên các tiềm năng sẵn có được ưu ái bởi thiên nhiên ban tặng. Từ cảnh quan hùng vĩ gắn với nét đẹp văn hóa bản sắc của đồng bào dân tộc Mường", ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương nhấn mạnh.
Để khai thác những tiềm năng sẵn có, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, UBND xã Cúc Phương đã ban hành các kế hoạch tổ chức thực hiện về phát triển văn hóa con người Cúc Phương gắn với phát triển du lịch bền vững.
Phục dựng lại nghi lễ cưới hỏi của đồng bào dân tộc Mường tại xã Cúc Phương.
Đặc biệt, kể từ khi triển khai thực hiện Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, xã đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mường.
Trong đó có phục dựng nhà sàn truyền thống của dân tộc Mường tại thôn Bãi Cả, thôn Đồng Bót, thôn Nga 3. Khôi phục lại Lễ hội Khai hạ (còn được gọi là Lễ Hạ nêu), tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng (âm lịch), bị thất truyền từ thập niên 1960 của đồng bào người Mường. Bảo tồn nghi lễ Mo Mường và các trò chơi dân gian như đánh mảng, đi cà kheo, bắn nỏ, bắn cung, ném còn, đẩy gậy…
Phục dựng lại Lễ hội Khai hạ (bị thất truyền từ những năm thập niên 1960) tại xã Cúc Phương.
Phát triển các câu lạc bộ hát, múa gieo duyên tiếng Mường. Từ 1 câu lạc bộ vào năm 2017, đến nay đã có 11 câu lạc bộ được thành lập trên địa bàn xã, tất cả các thôn đều có câu lạc bộ riêng. Các câu lạc bộ được xã đầu tư mua trang phục, dụng cụ biểu diễn, loa đài, ti vi để phục vụ luyện tập, hỗ trợ kinh phí hoạt động mỗi năm 20 triệu đồng.
"Trong khoảng 2 năm trở lại đây, chúng tôi thường xuyên đi biểu diễn hát, múa gieo duyên tiếng Mường để phục vụ khách du lịch trên địa bàn. Trung bình mỗi buổi biểu diễn, mỗi thành viên trong đoàn được trả khoảng 200.000 đồng. Nhìn chung, qua việc phát huy các giá trị truyền thống, đời sống các thành viên cũng từng bước được cải thiện", chị Đinh Thị Tuyết, đội trưởng Câu lạc bộ Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường thôn Bãi Cả chia sẻ.
Chị Đinh Thị Tuyết, đội trưởng Câu lạc bộ Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường thôn Bãi Cả
Nhờ những hoạt động tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào người Mường, những năm qua trên địa bàn xã Cúc Phương đã từng bước hình thành và phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch.
Các mô hình du lịch thu hút đông đảo du khách về tham quan, tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương. Các điểm cắm trại, check-in hình thành ngày một nhiều, thu hút đông đảo khách du lịch dừng chân tham quan, nghỉ dưỡng.
Phụ nữ dân tộc Mường tại xã Cúc Phương hát, múa tiếng Mường.
Bên cạnh đó, với việc xã Cúc Phương 3 năm liền được lựa chọn làm địa điểm tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Nho Quan, Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông lâm nghiệp của vùng đối với đồng bào các dân tộc huyện Nho Quan. Đây cũng là dịp để địa phương quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa đặc trưng và các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, thể thao, các sản phẩm nông, công nghiệp của đồng bào dân tộc Mường. Qua đó thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
"Trong thời tới, UBND xã Cúc Phương tiếp tục sưu tầm, biên tập lưu giữ các làn điệu dân vũ, hát giao duyên, rằng xường, bọ mẹng, hát sắc bùa... Cũng như việc chú trọng phát triển du lịch văn hóa, cộng đồng, du lịch dân tộc học, du lịch nông thôn miền núi, hướng phát triển du lịch nội địa gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường", ông Đinh Văn Xuân chia sẻ.
Trường Hùng