Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh (thứ 2 từ trái qua) trao đổi với lãnh đạo huyện Định Quán và doanh nghiệp về những giá trị di sản, địa chất trên địa bàn huyện Định Quán. Ảnh: N.Liên
Buổi khảo sát đã giúp lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành thu thập những thông tin về giá trị di sản, văn hóa, địa chất trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản, địa chất, tạo sự đột phá, thúc đẩy phát triển du lịch.
Giải mã danh thắng Đá Ba Chồng, Đá Dĩa
Khi nhắc đến những danh thắng nổi tiếng của Định Quán, nhiều người dân thường nhớ đến Đá Ba Chồng, Đá Dĩa, Hang Dơi, Thác Mai - Bàu Nước Sôi. Đá Ba Chồng, Đá Dĩa là “kiệt tác thiên nhiên” với những hình dáng đẹp và độc đáo đã trở thành biểu tượng của huyện Định Quán từ nhiều năm qua.
PGS-TS Trần Tân Văn, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản Việt Nam, cho biết Đồng Nai có nhiều dấu tích liên quan đến hệ thống núi lửa, hang động núi lửa và những công trình kiến trúc đá thiên nhiên độc đáo mà chưa nơi nào có được.
Đồng Nai có hệ thống các hòn, tảng, khối đá granite. Từ những thông tin, dấu tích, các nhà khoa học nhận định khu vực Đá Ba Chồng chính là kết quả của sự tương tác giữa lục địa và đại dương. Trong quá khứ, khu vực này là vùng biển cổ, dấu tích có thể nhận diện được đặc điểm này chính là bề mặt đá bằng phẳng đã tạo nên những hình thể đá đẹp như đá chồng, đá dĩa… Đặc biệt, các nhà khoa học đã giải mã danh thắng Đá Dĩa, nằm phía sau Đá Ba Chồng. Đá Dĩa hay Đá Ba Chồng là kiến tạo địa chất từ biển cổ xa xưa, các tảng đá dĩa là minh chứng cho ngấn biển cổ từ hàng chục ngàn năm trước đã tạo nên sự độc đáo về địa chất tại Đồng Nai.
Đến năm 2024, trên thế giới có 228 công viên địa chất của 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Để hình thành được công viên địa chất hướng đến phát triển bền vững, đòi hỏi phải có sự chung tay từ chính quyền địa phương đến người dân, nhà đầu tư.
PGS-TS Trần Tân Văn nhấn mạnh, khi tìm hiểu tài liệu liên tưởng đến dấu chân ngựa của Thánh Gióng ngày xưa ở miền Bắc, Đồng Nai cũng có rất nhiều dấu chân ngựa là những khu vực đất ngập nước như: bàu Nước Sôi, bàu Cá, cùng với nhiều đầm, hồ… Hệ thống đầm, hồ, đất ngập nước tại Đồng Nai có thể liên quan đến hoạt động của những núi lửa âm.
Ngoài huyện Định Quán, các địa phương Tân Phú, Vĩnh Cửu và một phần Trảng Bom, Thống Nhất có đủ các yếu tố để tham gia mô hình công viên địa chất toàn cầu.
Nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị địa chất
Theo các nhà khoa học, Đồng Nai có đủ các yếu tố về địa chất, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử, khảo cổ học. Cụ thể, về đa dạng sinh học, Đồng Nai có Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu), Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú). Về văn hóa có thánh địa Cát Tiên tại tỉnh Lâm Đồng (giáp ranh với Đồng Nai) cùng các giá trị văn hóa của các dân tộc như: S’Tiêng, Chơro, Châu Mạ… Đồng Nai cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử, các làng nghề truyền thống, có thể kết nối hình thành các tour du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chiến Thắng Hoàng Ngọc Nam chia sẻ, qua khảo sát, cùng với ý kiến của các nhà khoa học, ông biết thêm về đặc tính hoạt động của hệ thống núi lửa, đặc biệt là núi lửa âm, cùng những câu chuyện xoay quanh sự hình thành các bàu. Đồng Nai có thể có cả một cánh đồng núi lửa, riêng Định Quán có khoảng 18 miệng núi lửa, trong đó những núi lửa âm, miệng thấp hơn mặt đất. Tới đây, công ty muốn cùng tỉnh góp phần xây dựng công viên địa chất để bảo tồn và phát triển du lịch.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trao đổi, xem xét chuẩn bị hồ sơ công viên địa chất để trình lên các tổ chức thẩm quyền của UNESCO đề nghị công nhận di sản thiên nhiên về công viên địa chất, tạo nên những giá trị văn hóa cho Đồng Nai.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, các cơ quan truyền thông tuyên truyền để người dân, xã hội hiểu hơn về giá trị của hệ thống núi lửa, hang ngầm và các địa chất trên địa bàn Đồng Nai. Các bãi đá ở Đồng Nai không đơn thuần chỉ là đá, mà còn có giá trị độc đáo so với các nơi trên thế giới, có thể trở thành di sản thiên nhiên, công viên địa chất. Vì vậy, các địa phương, tỉnh cần phải khoanh vùng những không gian có giá trị về địa chất, văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch và giữ gìn cho các thế hệ mai sau.
Ngọc Liên