Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn nhìn từ trên cao.
Trải qua hơn 25 năm kể từ ngày được vinh danh Di sản văn hóa thế giới, nhờ chiến lược bảo tồn đúng đắn, Mỹ Sơn đã trở thành hình mẫu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, xứng đáng là tài sản văn hóa, lịch sử và kiến trúc quý báu của nhân loại.
HÌNH MẪU TRONG CÔNG TÁC BẢO TỒN
Được xây dựng từ cuối thế kỷ IV đến thế kỷ XIII với hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp, di sản Mỹ Sơn là quần thể kiến trúc mang những giá trị đỉnh cao về lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của nền văn minh Chăm-pa đã từng phát triển rực rỡ trong lịch sử. Mặc dù bị thời gian và chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng những di tích còn lại ở Mỹ Sơn vẫn đóng một vai trò quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật thế giới.
25 năm qua, nhờ sự giúp đỡ, hợp tác sâu rộng với các tổ chức quốc tế và cơ quan trong nước như UNESCO, JICA (Nhật Bản), Lerici Foundation (Italia), Viện ASI (Ấn Độ); Chính phủ Italia, Ấn Độ, Ba Lan; Viện Bảo tồn di tích, Viện Khảo cổ, Cục Di sản văn hóa… hầu hết các công trình kiến trúc đền tháp ở Mỹ Sơn được bảo tồn, trùng tu vững chãi. Điển hình như Dự án hợp tác ba bên UNESCO-Việt Nam-Italia về việc gia cố chống xuống cấp và từng bước định hình lại nguyên trạng nhóm tháp G; Dự án khai quật khảo cổ suối Khe Thẻ; Dự án trùng tu tháp E7; Dự án bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp K, H, A thuộc dự án Ấn Độ... góp phần quan trọng hồi sinh hệ thống kiến trúc đền tháp Mỹ Sơn sau hàng trăm năm bị quên lãng.
Đáng chú ý, Dự án bảo tồn, trùng tu các nhóm tháp K, H, A thuộc dự án Ấn Độ được thực hiện từ năm 2016-2022 đã trùng tu, khai quật, khảo cổ đạt được những kết quả quan trọng; trong đó có kiến trúc A1- kiệt tác Mỹ Sơn (cao 24m) được trả lại dáng dấp ban đầu. Trong quá trình triển khai còn phát hiện 734 hiện vật có giá trị, trong đó hiện vật đài thờ Mỹ Sơn A10 được công nhận Bảo vật quốc gia năm 2022. Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn Nguyễn Công Khiết chia sẻ, quá trình thực hiện đã góp phần nâng cao năng lực về quản lý và chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện xây dựng và hình thành lực lượng công nhân lành nghề về bảo tồn di tích. Việc hoàn thành tu bổ, tôn tạo 3 khu tháp K, H, A không những khắc phục được tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các di tích mà còn góp phần phục hồi, hoàn thiện không gian kiến trúc Khu đền tháp Mỹ Sơn. Sự giúp đỡ, hợp tác của các tổ chức trong và ngoài nước đã thể hiện hình mẫu trong công tác bảo tồn các đền tháp Chăm, nhất là nguyên vật liệu gạch cổ của người Chăm.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng đánh giá, 25 năm qua, công tác quản lý, bảo tồn di sản Mỹ Sơn đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Cơ sở pháp lý về bảo tồn Mỹ Sơn ngày càng được củng cố vững chắc, sự can thiệp trực tiếp qua công tác trùng tu, tôn tạo giúp kiến trúc di tích từng bước ra khỏi tình trạng đổ nát, chuyển sang giai đoạn ổn định, bền vững. Quá trình hợp tác đã tạo những tiền đề, kinh nghiệm quý báu trong công tác quản lý, bảo tồn, trùng tu các di tích kiến trúc Chăm nói chung và Mỹ Sơn nói riêng.
PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN
Năm 1979, Khu đền tháp Mỹ Sơn được xếp hạng Di tích cấp quốc gia; năm 2009 được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngày 4/12/1999, UNESCO chính thức công nhận Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới; hiện là 1 trong 8 Di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam.
Cùng với bảo tồn, việc phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn cũng đạt thành công vượt bậc với những kết quả quan trọng từ công tác đầu tư hạ tầng đến xây dựng sản phẩm du lịch, thu hút khách tham quan, phát triển du lịch cộng đồng. Nếu như 20 năm trước, mỗi năm du khách tham quan đến với Mỹ Sơn chỉ vài trăm lượt, đến nay đã đạt hơn 450.000 lượt. Vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trung bình trên 10%, đối tượng du khách ngày một mở rộng, thị trường ngày càng đa dạng. Năm 2024, khách du lịch đến Mỹ Sơn tăng trưởng trên 21%; doanh thu từ hoạt động du lịch dịch vụ đạt trên 70 tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Duy Xuyên Phan Xuân Cảnh cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích Khu Đền tháp Mỹ Sơn luôn được sự quan tâm, hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương; nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa, Viện Bảo tồn di tích và các cơ quan liên quan thuộc bộ. Việc lượng khách tham quan luôn vượt chỉ tiêu đề ra hằng năm đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tăng thu ngân sách, đồng thời bảo đảm đời sống và thu nhập ổn định cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động; qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thực hiện chính sách phúc lợi, an sinh xã hội và đầu tư lại cho công tác bảo tồn di sản.
Bên cạnh sự quan tâm văn hóa vật thể, những giá trị văn hóa phi vật thể cũng được địa phương bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Ngoài việc tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, củng cố các cơ sở khoa học nhằm bảo tồn, gìn giữ văn hóa phi vật thể tại một vùng đất in đậm dấu ấn văn hóa Chăm, công tác quảng bá giá trị dân gian Chăm được thường xuyên quan tâm. Trong 25 năm qua, giá trị nổi bật nhất của công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể là việc xây dựng thành công thương hiệu múa Chăm Mỹ Sơn. Đơn vị còn tổ chức khai thác, xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ sự kiện, lễ hội như Đêm Mỹ Sơn huyền ảo; Hành trình Di sản lần 1, 2, 3; chương trình Lễ hội mùa Xuân bên tháp cổ, Festival di sản; các sự kiện kỷ niệm 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm và 25 năm được UNESCO vinh danh… tạo nên những sản phẩm du lịch và sự kiện văn hóa đặc trưng.
Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên đã có các nghị quyết cùng chương trình, kế hoạch để thực hiện thực sự hiệu quả nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn với tầm nhìn trung và dài hạn; tạo thuận lợi trong công tác bảo tồn và phát triển du lịch tại Mỹ Sơn. Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng, công tác phát huy giá trị di sản với những sản phẩm du lịch được định hình đã khẳng định thương hiệu, điểm đến di sản Mỹ Sơn trên bản đồ du lịch Quảng Nam và miền trung Việt Nam, có sức lan tỏa đến vùng phụ cận. Điều này giải quyết hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản với việc nâng cao đời sống nhân dân, nhất là người dân sinh sống trong vùng di sản. Người dân ngày càng gắn trách nhiệm với di sản, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tăng thu ngân sách.
Bài và ảnh: LÊ ANH QUÂN