Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa ở Bình Lục

Bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa ở Bình Lục
4 giờ trướcBài gốc
Hiện nay, huyện Bình Lục có 376 di tích, trong đó có 41 di tích đã được xếp hạng: 22 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh, với hơn 30 lễ hội được ghi nhận. Không chỉ là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa đặc sắc mà Bình Lục còn là địa phương có số lượng trống đồng, thạp đồng được phát hiện đứng hàng thứ hai trong tỉnh. Trong tổng số 19 trống đồng của toàn tỉnh thì Bình Lục có 7 chiếc chiếm tỉ lệ 1/3 (xã Ngọc Lũ 3 chiếc; các xã: An Mỹ, Vũ Bản, An Lão và An Nội mỗi nơi 01 chiếc). Huyện cũng có 02 chiếc thạp đồng trong tổng số 9 chiếc phát hiện được trong toàn tỉnh. Đặc biệt, trống đồng Ngọc Lũ có niên đại cổ nhất và đẹp nhất trong toàn quốc, được phát hiện khoảng năm 1893 - 1894, xếp vào loại H1-Heger, là hiện vật tiêu biểu nhất của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng khu vực Đông Nam Á. Trong hàng ngàn chiếc trống được phát hiện từ trước đến nay, trống đồng Ngọc Lũ vẫn là chiếc trống có kiểu dáng và kích thước hài hòa, đề tài trang trí đẹp và phong phú nhất, phản ánh nhiều nét đặc trưng văn hóa của cư dân Lạc Việt. Hiện trống đồng Ngọc Lũ đang được lưu trữ theo chế độ Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Năm 1995 Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Liên Hợp Quốc đã tặng một phiên bản trống đồng Ngọc Lũ I cho Liên hợp quốc.
Đình Mỹ Đôi (tổ dân phố Mỹ Đôi, thị trấn Bình Mỹ, Bình Lục) năm 1998 đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Theo ông Phạm Minh Khánh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Lục, mặc dù, được xác định là một trong những địa phương trọng điểm trong phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nhưng với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa cùng hệ thống di tích nổi trội, những năm qua, Bình Lục luôn chú trọng phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM kiểu mẫu và NTM nâng cao. Nhiều di tích được ngành văn hóa bảo tồn và phát huy thông qua việc trùng tu, tôn tạo, đề nghị các cấp xếp hạng di tích.
Với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, lấy nông nghiệp làm trọng, văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, hiện Bình Lục đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển du lịch; trong đó, phát huy giá trị các di tích gắn với văn hóa đồng chiêm chính là một sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện. Vì vậy, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa; các lễ hội truyền thống luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của huyện Bình Lục. Những năm qua, huyện đã thực hiện hiệu quả việc bảo vệ và trùng tu tôn tạo nhiều di tích như: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đình Đồng Du Trung, đình An Bài - xã Đồng Du; đình Ngọc Lũ - xã Ngọc Lũ; đình Cổ Viễn - xã Hưng Công, đưa các nơi này trở thành điểm tham quan, giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho các thế hệ. Năm 2024, Bình Lục tiếp tục tu sửa các di tích đã được xếp hạng như: đình chùa Đạo Truyền - xã Đồn Xá; đình chùa Ngọc Lũ- xã Ngọc Lũ theo dự án của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và xã hội hóa lên đến trên 10 tỷ đồng; đồng thời, tu sửa các di tích đình làng Hưng Công; đình Cước- xã Tràng An, bằng nguồn xã hội hóa. Trong năm, ngành văn hóa huyện cũng đã phối hợp với bảo tàng tỉnh triển khai khảo sát các di tích đề nghị xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Trong đó có 01 di tích đề nghị xếp hạng cấp quốc gia là đình làng Hưng Công- xã Hưng Công và 03 di tích đề nghị xếp hạng cấp tỉnh là: đình Nguyễn Xá; đình, miếu Văn Ấp (xã Bồ Đề), đình Trong, đình Ngoài, phủ Phú Mỹ (xã An Lão); đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia Khánh đá chùa Điều (xã Vũ Bản). Cùng với đó, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghề thủ công truyền thống Sừng mỹ nghệ Đô Hai, xã An Lão; đồng thời, triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 điểm du lịch khu Từ đường Nguyễn Khuyến với tổng diện tích 5 ha. Trước đó, tháng 7/2023, ngành cũng đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh và Quân khu III thực hiện thám sát khảo cổ ở khu vực núi Quế (An Lão). Cũng theo ông Phạm Minh Khánh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện, qua kết quả thám sát ban đầu cho thấy, vùng đất này đã và đang lưu giữ những dấu ấn vật chất của nhiều giai đoạn lịch sử. Điển hình là dấu tích chùa Cao, tên chữ Hán là Khánh Long tự, được xây dựng gần đỉnh núi Quế. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, chùa được xây thời Lý, năm Kỷ Mão 1099 đời vua Lý Nhân Tông. Năm 2021, trong quá trình điền dã, Bảo tàng Hà Nam đã phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện mở rộng khảo sát trên đỉnh núi An Lão và xác định được quy mô ngôi chùa.
Hy vọng, với sự kết hợp mạnh mẽ giữa trí lực và vật lực, giữa nội sinh với ngoại sinh, khát vọng đưa văn hóa đồng chiêm trở thành sản phẩm lợi thế trong phát triển du lịch của Bình Lục sẽ sớm trở thành hiện thực và núi Quế - sông Ninh sẽ trở thành biểu tượng hấp dẫn, dẫn dắt du khách tìm về với những giá trị lịch sử văn hóa được coi là “hồn cốt” của Bình Lục. Đó chính là cách Bình Lục bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa trường tồn của các di tích có tuổi đời hàng trăm, hàng nghìn năm.
Minh Thu
Nguồn Hà Nam : https://baohanam.com.vn/trang-binh-luc/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-cua-cac-di-tich-lich-su-van-hoa-o-binh-luc-136070.html