Di tích đình Phước Lư (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) được Ban Quý tế đình đề xuất tu sửa một số hạng mục xuống cấp trong năm 2025 từ nguồn xã hội hóa. Ảnh: L.Na
Đồng Nai đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa và giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.
Thêm phát hiện khảo cổ…
Đồng Nai được coi là một trong những địa phương có nền văn hóa cổ với nhiều di chỉ khảo cổ có niên đại hàng ngàn năm. Các cuộc khảo sát, khai quật gần đây đã phát hiện nhiều hiện vật quý giá, góp phần làm sáng tỏ lịch sử phát triển của vùng đất này.
Trong đó, ngày 10-3 vừa qua, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức họp khảo sát địa điểm phát hiện khảo cổ thuộc ấp 2, xã Bình Sơn (huyện Long Thành). Địa điểm phát hiện khảo cổ nằm trong Dự án Sân bay quốc tế Long Thành thuộc giai đoạn 2, dự kiến bắt đầu triển khai từ năm 2027-2030. Vị trí địa điểm trên hiện thuộc quyền quản lý của Đồng Nai do chưa thực hiện thủ tục bàn giao đất cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.
Theo khảo sát, đánh giá bước đầu địa điểm phát hiện khảo cổ có nhiều điểm tương đồng với loại hình di tích Đất đắp dạng tròn được phát hiện ở tỉnh Bình Phước và Campuchia, niên đại nằm trong khoảng 3.000-3.900 năm cách ngày nay. Tuy nhiên, để xác định địa điểm này có thuộc loại hình khảo cổ Đất đắp dạng tròn hay không, cần phải thực hiện thêm các cuộc khảo sát, đào thăm dò, khai quật khảo cổ để xác định chính xác loại hình, đặc điểm, tính chất và giá trị của địa điểm khảo cổ trên.
Ngày 15-4, Sở VHTTDL đã có báo cáo kết quả khảo sát gửi UBND tỉnh; đồng thời, kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho sở lập thủ tục hồ sơ pháp lý thực hiện khảo sát, đào thăm dò địa điểm phát hiện khảo cổ tại xã Bình Sơn. Qua đó, làm rõ những giá trị về mặt văn hóa, đặc biệt là giá trị khảo cổ học của di tích trước khi tiến hành xây dựng các hạng mục phục vụ công trình Sân bay quốc tế Long Thành.
Mới đây nhất, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát địa điểm khai quật khảo cổ miếu Ông Chồn (ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu). Địa điểm này còn được gọi là di tích Suối Ràng, được phát hiện năm 1987 với một cụm di tích gồm 2 nhóm gò đất cao khoảng 1,5-3m, nằm cách nhau khoảng 200m theo hướng Đông - Tây. Cụm di tích ở phía Đông (miếu Ông Chồn 1) gồm 3 gò nhỏ nằm kề nhau và gò phía Tây (miếu Ông Chồn 2) nằm trên khu vực đỉnh của một đồi cao.
Địa điểm dự kiến khai quật là miếu Ông Chồn 2. Qua khảo sát thực tế, các đơn vị thống nhất đây là loại hình di tích kiến trúc thuộc giai đoạn văn hóa Óc Eo, cần thiết thực hiện khai quật nhằm nghiên cứu quy mô, vai trò của di tích trong lịch sử phát triển của vùng đất Vĩnh Cửu nói riêng, khu vực Đông Nam Bộ nói chung. Đồng thời, đề nghị Bảo tàng Đồng Nai có cam kết quá trình khai quật không gây ảnh hưởng đến các loại cây rừng có giá trị trên bề mặt và xung quanh di tích. Sau khi hoàn thành thực hiện lấp hố bảo tồn và trả lại hiện trạng ban đầu.
Ngày 26-4, Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG đã ký văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương về tăng cường quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về di sản văn hóa; đẩy mạnh thanh, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích ở địa phương…
Tiếp tục trùng tu, tôn tạo di tích
Năm 2025, Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa thông qua việc triển khai Kế hoạch 160/KH-UBND về tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2028. Nhiều di tích đã và đang được trùng tu, tôn tạo bằng nhiều nguồn vốn, bao gồm vốn đầu tư công, nguồn sự nghiệp và xã hội hóa. Trong đó có tu bổ, phục hồi Di tích đình Tân Lân, thành phố Biên Hòa; trùng tu, tôn tạo di tích Địa điểm thành lập Đoàn 125 - tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia, huyện Cẩm Mỹ; trùng tu Di tích đình Phú Mỹ, xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch...
Theo Trưởng ban Quý tế đình Phước Lư (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) Đỗ Hữu Trí, căn cứ vào Kế hoạch 160/KH-UBND, đình Phước Lư sẽ thực hiện tu bổ, tôn tạo vào năm 2028. Tuy nhiên, hiện một số hạng mục tại di tích đã xuống cấp, nếu chờ đến năm 2028 mới tu bổ thì một vài kết cấu công trình đang hư hại có thể sẽ hư hại nghiêm trọng hơn. Do vậy, Ban Quý tế đình Phước Lư đã kiến nghị với UBND thành phố Biên Hòa, các sở, ngành liên quan cho phép được sửa chữa 2 cột gỗ ở bàn thờ chánh điện và gia cố lại mái hiên bên hông đình. Chi phí thực hiện phần việc này được lấy từ nguồn xã hội hóa do đình Phước Lư huy động.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích ở Đồng Nai không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà còn cần sự chung tay của cộng đồng. Thông qua các hoạt động trùng tu, tôn tạo và nghiên cứu khảo cổ, Đồng Nai đang nỗ lực gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu, góp phần giáo dục truyền thống và phát triển du lịch bền vững.
Ly Na