Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn
4 giờ trướcBài gốc
Tháp Bình Sơn, còn gọi là tháp Then, tháp chùa Then, tháp chùa Vĩnh Khánh, nằm ở thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô. Tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIII - XIV với nhiều nét độc đáo cả về kiến trúc nghệ thuật, mỹ thuật, kỹ thuật xây dựng. Trải qua những biến động của lịch sử, tác động khắc nghiệt của thời gian, hiện nay, nhiều hạng mục của khu di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện việc quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích tháp Bình Sơn, giai đoạn 2025 - 2030 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.
Tháp Bình Sơn có nhiều nét độc đáo về kiến trúc nghệ thuật, mỹ thuật và kỹ thuật xây dựng. Ảnh: Kim Ly
Theo các tài liệu ghi chép, trước đây, tháp Bình Sơn có 15 tầng nhưng đã bị đổ 3 tầng, hiện nay còn 12 tầng. Tháp cao gần 15 thước, toàn bộ tháp được xây bằng gạch đất nung. Tất cả các viên gạch đều có ngoàm ở ngoài, có mộng ở trong. Các viên gạch giáp nhau đều có mộng én và còn đổ chì câu viên nọ vào viên kia để tạo thành một khối vững chắc, mỗi lần xây một tầng lại có một mực thước khác nhau, đó là kỹ thuật xây dựng rất cao của ông cha ta ngày trước.
Tháp Bình Sơn là một công trình kiến trúc độc đáo. Theo đánh giá của người Pháp, đây là một cây tháp đẹp nhất xứ Bắc Kỳ, được quan Toàn quyền ký nghị định năm 1935 công nhận là cổ tích.
Khu quần thể di tích tháp Bình Sơn không chỉ độc đáo, đặc biệt bởi ngọn tháp thiêng mang nhiều huyền tích, mà còn có cả nét kiến trúc cổ xưa của ngôi chùa Vĩnh Khánh. Khu di tích hiện còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị.
Tuy nhiên, trải qua thời gian tồn tại lâu dài, nhiều hạng mục của khu di tích đã bị hư hỏng nặng. Tòa Tam Bảo chùa Vĩnh Khánh được đại trùng tu từ năm 1976, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện, công trình này đã được lắp đặt hệ thống cột kèo chống sập, làm giá đỡ bằng khung sắt thép, căng ni lông dưới phần mái để đỡ ngói rơi vỡ, song đây chỉ là giải pháp tạm thời, cần có phương án sửa chữa, nâng cấp kiên cố.
Trước thực tế đó, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 598 về việc phê duyệt Quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn.
Căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện việc quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, giai đoạn 2025 - 2030 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, xây dựng lộ trình cụ thể, triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ và đảm bảo mục tiêu, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn I (từ năm 2024 - 2030), tỉnh thực hiện nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo di tích, gồm các dự án thành phần: Cắm mốc các khu vực bảo vệ di tích; khai quật, khảo cổ học nền chùa Vĩnh Khánh; nghiên cứu cơ sở khoa học để phục hồi, tu bổ và tôn tạo các công trình của di tích. Đồng thời thực hiện nhóm dự án phát huy giá trị di tích, gồm các dự án thành phần: Nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch và các chương trình du lịch kết nối tới di tích; tuyên truyền, quảng bá di tích; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Từ năm 2031 - 2035, tiếp tục thực hiện các nhóm dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, đồng thời thực hiện nhóm dự án hạ tầng kỹ thuật, gồm các dự án thành phần: Xây dựng tuyến đường dạo bộ quanh khu di tích; cải tạo, mở rộng sân phía Đông hồ sen thành bãi đỗ xe; nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực quy hoạch. Giai đoạn III (từ năm 2036 - 2050) tập trung hoàn thành các dự án.
Để thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, cần tăng cường thực hiện các giải pháp gồm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích theo hướng khai thác đi đôi với bảo vệ, gắn bảo tồn di tích với phát triển du lịch; tích cực quảng bá, giới thiệu về di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo tồn di tích, phát triển du lịch, dịch vụ; huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, gắn trách nhiệm của cộng đồng trong việc tham gia quản lý và phát huy giá trị của di tích…
Việc quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn nhằm bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của di tích thành nơi giới thiệu và tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân gian Việt Nam gắn với các thiết chế văn hóa làng xã; góp phần giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa dân tộc; hình thành điểm du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái.
Bạch Nga
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/127626//bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-quoc-gia-dac-biet-thap-binh-son