Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Mường

Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật hát Mường
6 giờ trướcBài gốc
Trước kia, hát thường rang bộ mẹng, hát đúp giao duyên là thể loại diễn ra nhiều nhất trong đời sống sinh hoạt của người Mường Hòa Bình. Sau thời gian mai một, nghệ thuật độc đáo này được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm bảo tồn, cộng đồng chung tay giữ gìn nhằm đưa hát Mường trở về vị trí quan trọng vốn có, góp phần phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp.
Các nghệ nhân hát đúp giao duyên trong khuôn khổ Liên hoan hát thường rang bộ mẹng, hát đúp giao duyên và hát lẩy chuyện thơ dân gian Mường huyện Lạc Sơn năm 2024.
Cứ vào những ngày đầu năm mới, nhất là dịp lễ hội ở 4 vùng Mường: Bi, Vang, Thàng, Động thường diễn ra các hội thi, giao lưu hát thường rang bộ mẹng, hát đúp giao duyên. Ấn tượng hơn cả ở Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình năm 2023 tổ chức tại xã Phong Phú thuộc vùng Mường Bi (Tân Lạc), hội thi hát đúp giao duyên được đưa vào là một trong những hoạt động chính, thu hút sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân đến từ 4 vùng Mường lớn, góp phần mang đến không khí giao lưu, hứng khởi và đậm bản sắc. Bên cạnh duy trì tổ chức nội dung này ở Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2024, trong khuôn khổ Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn - Tân Lạc, hàng năm huyện duy trì tổ chức hội thi hát thường rang bộ mẹng, hát đúp giao duyên quy mô cấp xã.
Nghệ thuật hát Mường được yêu thích cũng như được cộng đồng mến mộ hơn cả tại các xã thuộc vùng Mường Vang (Lạc Sơn). Hát thường rang bộ mẹng, hát đúp giao duyên trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ ở khu dân cư, các cuộc vui lớn, nhỏ của cộng đồng… Các nghệ nhân thường diễn xướng hát Mường trong không gian lễ hội, như: lễ hội đình Cổi - xã Vũ Bình, đu Mường Vôi - thị trấn Vụ Bản, rước Bụt hang Khụ Dúng - xã Nhân Nghĩa, đình Khói - xã Ân Nghĩa, đình Khênh - xã Văn Sơn… Ngoài ra còn tại các địa điểm diễn xướng khác như: nhà văn hóa, khu du lịch… Trên địa bàn thành lập được nhiều câu lạc bộ (CLB) hát Mường duy trì sinh hoạt thường xuyên, tích cực giao lưu, biểu diễn với các CLB trong, ngoài huyện và một số tỉnh bạn.
Tháng 11/2024, tại huyện Lạc Sơn - địa phương với 92% dân số là người dân tộc Mường diễn ra Liên hoan hát thường rang bộ mẹng, hát đúp giao duyên và hát lẩy truyện thơ dân gian Mường. Đồng chí Bùi Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Lạc Sơn cho biết: Liên hoan lần đầu tiên tổ chức, hơn 300 nghệ nhân đến từ các xã, thị trấn, các CLB Mường Khụ, Bai Chim, Vũ Bình… đã hội tụ để giao lưu, khoe tài nghệ đối đáp cùng chất giọng ngọt ngào, sâu lắng.
Theo chia sẻ của nghệ nhân Bùi Văn Ẩy thuộc đơn vị xã Định Cư, liên hoan tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, là dịp để các nghệ nhân, những người yêu mến văn hóa dân gian có thêm sân chơi ý nghĩa, được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các nghệ nhân đến từ CLB và các xã. Việc tổ chức liên hoan giúp những người con đất Mường thêm tự hào, thêm yêu quê hương, đất nước, khích lệ việc bảo tồn, phát huy các phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc Mường.
Nghệ nhân Ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) trao đổi: Hát thường rang bộ mẹng, hát đúp giao duyên là lối hát truyền khẩu có nguồn gốc từ xa xưa. Cuộc hát có thể diễn ra ở đám cưới, mừng nhà mới, ngày lễ, ngày hội… với nội dung phong phú, giàu chất thơ, mượn cảnh vật thiên nhiên để ví von trao gửi tâm tình qua làn điệu, âm nhạc mộc mạc, giản dị. Chủ đề trong hát Mường rất rộng, từ chuyện chào hỏi, tình yêu đôi lứa, mùa màng, phong tục tập quán, chúc nhau dịp Tết... Bàn về diễn xướng, nghệ thuật hát Mường đặc sắc ở chỗ thể hiện được sự hiểu biết sâu rộng của người hát. Họ tự đặt lời bài hát hoặc vận dụng từ vốn kho tàng dân ca của dân tộc mình.
Hiện nay, cùng với việc phục dựng, bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể, các làn điệu dân ca thường rang bộ mẹng, hát đúp giao duyên ngày càng phổ biến và tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương khích lệ, tạo điều kiện về không gian diễn xướng, môi trường thực hành. Năm 2023, nghệ thuật diễn xướng độc đáo này là 1 trong 2 di sản được tỉnh trình hồ sơ khoa học đề nghị nhà nước ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bùi Minh
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/16/197378/bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-nghe-thuat-hat-muong.htm