Cán bộ KBTTN Pù Hu kiểm tra sự sinh trưởng của cây ba kích tại xã Hiền Chung (Quan Hóa).
Theo kết quả điều tra, KBTTN Pù Hu hiện có tới 669 loài có công dụng là cây dược liệu. Tuy nhiên, do thời gian dài khai thác không khoa học, trữ lượng của một số loài dược liệu quý bị suy giảm, một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng cục bộ. Để bảo tồn và phát triển cây dược liệu trong KBT, những năm gần đây thông qua các hoạt động khoa học, KBTTN Pù Hu đã triển khai một số chương trình, dự án khoa học nhằm bảo tồn phát triển các loại cây dược liệu đặc trưng, bước đầu mang lại thành công nhất định đồng thời bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, ngăn chặn triệt để tình trạng người dân vào rừng khai thác cây thuốc, như: Dự án “Bảo tồn và phát triển 2 loài dược liệu ba kích và sa nhân tại xã Hiền Chung”; Đề tài “Nghiên cứu, phát triển loài cây dược liệu mạch môn và bách bộ”; “Điều tra, bảo tồn và phát triển một số loài cây thuốc dưới tán rừng tại KBTTN Pù Hu”; nhiệm vụ “Nghiên cứu trồng thử nghiệm nấm linh chi dưới tán rừng”; “Trồng thử nghiệm cây quế”. Đến nay, sau nhiều năm trồng thử nghiệm, kết quả cho thấy các loại cây dược liệu này dễ trồng, dễ chăm sóc và sinh trưởng rất tốt dưới tán rừng trồng. Đơn vị đã tổ chức nhân rộng mô hình trồng cây sa nhân tím tại các xã vùng đệm, như: Nam Tiến 1ha, Hiền Chung 1ha, Trung Lý 2ha và ba kích tím 1ha tại xã Hiền Chung; tiến hành trồng thử nghiệm 1ha cây mạch môn, 1ha bách bộ, 1ha chè hoa vàng, 1ha cát sâm. Cùng với đó, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia quản lý bảo vệ rừng và khai thác hợp lý các loài cây thuốc ở khu vực vùng đệm. Nhờ vậy, đến nay trong rừng tự nhiên, nhiều loài cây thuốc thân gỗ và thân mộc lan đang tái sinh với số lượng lớn.
Ông Đỗ Ngọc Dương, Giám đốc KBTTN Pù Hu cho biết: “Việc thực hiện thành công dự án bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại KBT đã giúp đơn vị đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát triển quần thể các loài cây dược liệu quý hiếm và cũng là cơ sở thông tin dữ liệu quan trọng để nhân rộng mô hình dược liệu này tại các thôn, bản vùng đệm của KBT”.
Từ thành công ban đầu trong công tác bảo tồn các loài dược liệu, hiện nay KBTTN Pù Hu đang tiếp tục nhân rộng mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên và rừng sản xuất. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề tài khoa học về bảo tồn và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Phối hợp với các tổ chức nghiên cứu khoa học, nghiên cứu nguồn gen và giống dược liệu để bảo tồn khai thác nguồn gen, phát triển giống, kỹ thuật nuôi trồng dược liệu... Qua đó, góp phần bảo tồn và phát triển các loại dược liệu quý, đồng thời tạo sinh kế góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho Nhân dân vùng lõi và vùng đệm, giúp họ yên tâm giữ rừng.
Bài và ảnh: Khắc Công