Bảo tồn văn hóa từ chuyện làng làm nhà rông

Bảo tồn văn hóa từ chuyện làng làm nhà rông
2 ngày trướcBài gốc
1. Những ngày đầu tháng 4, dân làng Kon Sơ Lăl tất bật lợp lại mái tranh cho nhà rông trước khi mùa mưa đến. Chưa đầy 10 năm từ khi xây dựng (năm 2017), làng đã 2 lần lợp lại mái nhà. Trước đây ở làng cũ, mái nhà có tuổi thọ lâu hơn, dù lợp cùng chất liệu cỏ tranh.
Vật liệu làm nhà rông truyền thống lấy từ tre, nứa, gỗ, cỏ tranh... nên người Bahnar có cách “chống thời gian” bằng khói bếp. Già làng Yưuh cho biết: Khi làm nhà rông ở làng cũ, bắt buộc bên trong phải có bếp để đốt lửa sưởi ấm cho thanh niên những đêm ngủ lại đây và chính khói bếp đã giúp giữ vật liệu tự nhiên bền chắc theo thời gian.
“Thanh niên độc thân giờ ít ngủ lại nhà rông nên để phòng tránh hỏa hoạn, khi làm nhà rông mới, làng không làm bếp nữa. Cũng vì vậy, ngoài mối mọt, lũ chim kéo về làm tổ trên mái nhà rất nhiều, khiến mái tranh nhanh hư hỏng hơn”-già làng Yưuh cho hay.
Người dân làng Kon Sơ Lal (xã Hà Tây, huyện Chư Păh) lợp lại mái nhà rông. Ảnh: M.C
Khói bếp là cách “xông khói” tự nhiên giúp xua đuổi côn trùng, bảo quản gỗ, tranh, tre mà không cần đến bất cứ loại hóa chất nào. Khói bếp cũng giữ cho nhà rông “sống lâu” như con người biết giữ gìn sức khỏe. Bên cạnh đó, cách chọn tre già, nứa rừng, kỹ thuật buộc bằng dây mây thay vì đinh ốc, vít để giữ cho công trình bền chắc, vững chãi qua mưa nắng cũng thể hiện vai trò của tri thức bản địa trong lĩnh vực xây dựng của người Bahnar.
2. Chuyện lợp lại mái tranh cho một công trình đồ sộ như nhà rông ở làng Kon Sơ Lăl với chiều cao trên 20 m cùng chiều dài tương ứng đòi hỏi sự chung sức của cộng đồng. “Nhiều tay hơn thì mái nhà mới lợp xong nhanh được”-ông Yiư nói khi đứng bên dưới hỗ trợ thanh niên lợp mái bên trên.
Chỉ bằng một cây sào dài 3-4 m, ông Yiư có thể đưa “cả thế giới” từ dưới đất lên mái nhà một cách khéo léo. Có khi đó là chai nước, túm dây lạt để buộc hay cả bó tranh.
Lợp mái tranh nhà rông. Ảnh: M.C
Nếu trong mỗi công trình kiến trúc hiện đại thường gắn với tên tuổi của một kiến trúc sư hay nhà thiết kế thì với nhà rông, đó chính là “làng”. Làng làm nhà rông. Người ta hay nói đến vai trò của những “công trình sư” về một công trình cụ thể nào đó nhưng già Yiư chia sẻ: Mỗi người đều “có tay làm, mắt nhìn, tai nghe” mỗi khi làng xây dựng hay sửa chữa nhà rông. Những tri thức bản địa đó được truyền từ đời này sang đời khác nên ai cũng biết, cũng đều là “kỹ sư xây dựng”. Lớp người này mất đi sẽ có lớp khác tiếp nối.
3. Nhà rông là một phần hồn vía của làng, xây dựng nó vì vậy không phải chuyện riêng của một người mà là việc của cả làng. Đó còn là câu chuyện về một cộng đồng biết chia sẻ, gìn giữ và tiếp nối truyền thống văn hóa.
Chị Lanh (làng Kon Sơ Lăl) cho biết: Đang là mùa thu hoạch mì nên ai cũng bận rộn. Thế nhưng, cả làng đều gác việc riêng để ra làm việc chung. Những người trong độ tuổi lao động dưới sự phân công của già làng ai có việc nấy, nhịp nhàng trong mọi công đoạn. Phụ nữ góp mỗi người 10 bó tranh, đàn ông vào rừng kiếm dây mây, tre, nứa. Nếu có dịp chứng kiến cả làng lợp mái nhà rông mới thấy hết sự gắn kết cộng đồng, minh chứng cho sức mạnh đại đoàn kết.
Để duy trì sức mạnh truyền đời đó trước biến đổi xã hội, theo già làng Yưuh, từ xưa tới nay, hễ làng có việc gì thì người dân đều phải “biết, bàn, làm và kiểm tra”. Như việc lợp lại mái nhà rông cũng vậy, làng họp thông báo cho mọi người đều biết. Biết rồi thì theo phân công việc ai người nấy làm, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến khi công việc diễn ra.
“Cách làm này khiến ai cũng thấy rõ trách nhiệm, vai trò của mình với việc chung của làng. Và mỗi người cũng tự hào khi thấy thành quả chung có sự đóng góp công sức của cá nhân”-già Yưuh nói.
4. Chung tay bảo tồn nhà rông ở Hà Tây không phải câu chuyện mới, khiến nơi này nổi tiếng với những nhà rông tuyệt mỹ. Cộng đồng Bahnar ở đây không thôi làm chúng ta kinh ngạc trước tinh thần tự hào, tự tôn với văn hóa truyền thống và tính cộng đồng bền chặt.
Năm 2024, làng Kon Măh tiến hành sửa chữa ngôi nhà rông to đẹp ngay sát con đường lên xã, chỉ cách nhà rông Kon Sơ Lăl vài trăm mét đường chim bay. Đó là một công trình kiến trúc đồ sộ được làm hoàn toàn từ vật liệu tự nhiên và được cộng đồng gìn giữ, bảo vệ trong điều kiện khó khăn về nguồn nguyên liệu.
Nhưng cuối năm 2024, vùng đất Hà Tây gặp mất mát lớn khi hỏa hoạn thiêu rụi ngôi nhà rông truyền thống ở làng Kon Băh. Anh Rơ Châm Pư-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Hà Tây-cho biết: Sau khi bị cháy, làng Kon Băh đã mấy lần họp làng để bàn chuyện làm lại nhà rông mới, bởi “làng không thể thiếu nhà rông”.
Một số ý kiến đề xuất làm nhà rông bằng tôn để phòng tránh hỏa hoạn và tăng tuổi thọ. Hơn nữa, việc tìm vật liệu tự nhiên ngày càng khó khăn. Tuy nhiên, bà con vẫn muốn làm lại nhà rông hoàn toàn theo phương thức truyền thống như cũ. “Ý thức bảo tồn nhà rông-nơi được ví như trái tim của làng, khiến cho vùng đất Hà Tây này còn giữ được bản sắc riêng”-anh Pư khẳng định.
Văn hóa là cái còn lại khi tất cả những thứ khác đã mất đi. Quả đúng như vậy. Ở đây, trên những mái nhà rông Hà Tây, văn hóa không phải là điều gì cao xa mà là những sợi khói vương trên từng mái tranh, những tiếng chiêng, tiếng kẻng gọi nhau giữa rừng chiều khi làng có việc cần.
Và dù có đi đâu, làm gì, người Bahnar ở Hà Tây cũng luôn hướng về nhà rông. Bởi nơi đó là chốn linh thiêng, là nơi giữ lửa văn hóa, giữ linh hồn của làng qua bao mùa gió núi.
MINH CHÂU
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/bao-ton-van-hoa-tu-chuyen-lang-lam-nha-rong-post318466.html