Báo tường

Báo tường
2 giờ trướcBài gốc
Ảnh: Internet
Cả lớp họp lại, bàn bạc rồi phân công mỗi bạn viết một bài khác nhau, văn xuôi hay thơ tùy vào sở trường. Bạn nào giỏi văn có thể đảm nhận nhiều bài viết, để tờ báo tường của lớp chất lượng. Ngoài ra, chúng tôi còn đi tìm kiếm tranh ảnh trong những tờ báo cũ, cắt ra để minh họa cho bài viết. Bạn nào khéo tay được phân công vẽ tranh, trang trí báo tường.
Mỗi người một việc, ai cũng chuyên tâm làm, để đóng góp của bản thân thật sự xứng đáng. Sau khoảng 2 tuần, giáo viên chủ nhiệm yêu cầu chúng tôi nộp tất cả bài vở, tranh ảnh. Thầy cô đọc từng bài, xem từng tranh, trực tiếp lựa chọn “tác phẩm” chất lượng nhất. Bạn nào được chọn bài thì vui lắm, nhưng các bạn không được chọn cũng không buồn nhiều, vì sẽ được phân công làm nhiệm vụ khác thay thế.
Các bài được chọn, sẽ có một nhóm toàn học sinh viết chữ đẹp của lớp chép lại cẩn thận, trên những tờ giấy kích thước và ô li bằng nhau. Điều này vừa để tăng tính thẩm mỹ cho "tờ báo", vừa thuận tiện khi chúng tôi dán bài lên. Chép xong, giáo viên mua tờ giấy “rô-ki” khổ lớn, hình chữ nhật, đóng nẹp phía trên và phía dưới. Chúng tôi chia tờ giấy đó thành các ô nhỏ hơn, dán bài theo từng thể loại: Truyện ngắn, tản văn, thơ, truyện cười, tranh ảnh…
Cái ô đầu tiên, phía trên bên trái, luôn là ô dành cho “Lời ngỏ”. Đó phải là một bài văn súc tích nhưng được viết thật hay, nêu ý nghĩa của tờ báo tường mà lớp tôi thực hiện, gởi gắm bao lời tri ân sâu sắc đến thầy cô vì đã dạy dỗ chúng tôi. “Lời ngỏ” do bạn học sinh giỏi văn nhất lớp viết, một bạn chữ đẹp nhất lớp chép lại sau khi giáo viên chỉnh sửa nội dung cẩn thận. Mấy lần được phân công viết “lời ngỏ”, dĩ nhiên tôi rất vui và hãnh diện. Có điều, chữ tôi viết xấu “banh nhà lồng chợ” như lời thầy nhận xét, nên viết có hay cách mấy cũng phải nhờ bạn khác chép lại.
Khâu quan trọng nhất khi làm báo tường, tôi nghĩ là lúc viết tên "tờ báo". Chúng phải được chọn kỹ, có ý nghĩa sâu sắc, ngắn gọn nhưng giàu sức liên tưởng. Ví dụ như: Tri ân, Hoài niệm, Ký ức học trò, Ơn thầy cô… Tên phải được viết thật to phía trên cùng của tờ báo, bằng bút chì màu hoặc bút lông. Thường thì chúng tôi không thể tự viết, mà nhờ thầy cô có hoa tay ở trường viết giùm. Hồi đó, trường tôi có thầy Châu Hòa Nhã dạy môn Văn, viết chữ rất đẹp. Chúng tôi hay nhờ, lúc nào thầy cũng vui vẻ đồng ý. Chữ của thầy như rồng bay phượng múa, nhìn thầy viết cũng thấy thích thú vô cùng. Mà ngộ, thầy viết giùm nhiều lớp lắm, nhưng kiểu chữ mỗi tờ báo mỗi khác, cho nên khi treo lên trưng bày nhìn vẫn thấy sự đặc biệt của tờ báo từng lớp.
Báo tường của chúng tôi được treo lên trưng bày trong thư viện, cho mọi người cùng đọc trước khi thầy cô chấm điểm. Những ngày ấy, giờ ra chơi, học sinh lên thư viện đông lắm, để đọc báo tường, xem các bạn viết gì vẽ gì trong đó. Có bài báo hay, chúng tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, lấy sổ chép lại làm kỷ niệm. Kết quả chấm chọn của thầy cô chưa công bố, chúng tôi đã thi nhau phỏng đoán xem báo tường của lớp nào được giải cao, dựa theo cảm nhận cá nhân.
Khi công bố giải thưởng, chúng tôi hồi hộp lắm. Có năm, lớp tôi được giải nhất, thầy hiệu trưởng vừa đọc kết quả xong là chúng tôi đứng bật dậy vì bất ngờ và sung sướng, ôm chầm lấy nhau. Nhưng dù đoạt giải cao hay thấp, sau khi trưng bày ở thư viện, lớp trưởng được phân công đem tờ báo về treo ở cuối lớp. Mỗi ngày đi học, chúng tôi lại “chiêm ngưỡng” thành quả mà cả lớp vất vả làm ra.
Mấy hôm nay, tôi hỏi thăm thử vài đồng nghiệp, xem hiện giờ trường có cho học sinh làm báo tường chào mừng 20/11 không, ai cũng nói không. Một số học trò tôi đang dạy còn chẳng biết báo tường là gì. Nghe vậy, tôi thấy buồn và tiếc nuối, vì hoạt động ý nghĩa này giờ đang dần mai một. Nhưng nghĩ lại, cuộc sống là dòng chảy bất tận, có những thứ nên trở thành hoài niệm, để điều mới mẻ khác bắt đầu.
TRƯƠNG CHÍ HÙNG
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/bao-tuong-a409737.html