Từ vụ lăng mộ vua Lê Túc Tông bị người nước ngoài xâm hại đến việc ngai vàng triều Nguyễn- một bảo vật quốc gia bị bẻ gãy ngay giữa lòng Đại nội Huế, dư luận thêm một lần sững sờ trước sự mong manh của các di sản văn hóa, đặc biệt là những báu vật mang giá trị lịch sử, nghệ thuật đặc biệt.
Trong vụ mới nhất, một người đàn ông có biểu hiện bất thường đã trèo qua hàng rào, ngồi lên ngai vàng triều Nguyễn và làm gãy phần tựa bên trái của hiện vật.
Đối với Ngai vua triều Nguyễn bị hư hỏng, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết sẽ mời chuyên gia và nghệ nhân đánh giá mức độ hư hại và lập phương án tu sửa phù hợp. Đồng thời sẽ tăng cường thêm nhân lực và phương tiện để đảm bảo an toàn cho hệ thống hiện vật trưng bày.
Hình ảnh Ngai vàng Điện Thái Hòa theo Hồ sơ đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia. Ảnh: Cục Di sản văn hóa.
Cục Di sản văn hóa cũng ra công văn yêu cầu kiểm tra, đánh giá và đề xuất phương án bảo vệ hiện vật tốt hơn. Những động thái nhanh chóng, đúng quy trình – nhưng lại đến sau khi bảo vật đã hư hỏng.
Điều khiến dư luận đặt câu hỏi là vì sao một hiện vật quan trọng đến vậy lại có thể bị xâm hại dễ dàng như thế? Ngai vàng triều Nguyễn không nằm trong tủ kính, không có lớp bảo vệ đặc biệt, chỉ được bao quanh bởi hàng rào đơn giản và… niềm tin vào ý thức người xem.
Một chuyên gia về di sản khi trao đổi với chúng tôi về sự việc bảo vật quốc gia bị bẻ gãy đã thốt lên: “Chắc chắn là có lỗ hổng rồi”. Tuy nhiên, ông từ chối đưa ra bình luận cụ thể về vụ việc tại Huế.
Câu chuyện vừa qua khiến người ta nhớ đến câu thành ngữ “mất bò mới lo làm chuồng”. Khi di sản bị xâm hại, mất mát, hư hỏng lúc ấy mới có văn bản yêu cầu rà soát, kiểm tra, đánh giá. Nhưng chẳng mấy ai trả lời được câu hỏi: Tại sao không làm sớm hơn?
Sự bị động trong công tác bảo vệ di sản dù là mộ cổ nằm giữa đồng hay ngai vàng giữa hoàng cung – phản ánh một thực tế: Di sản đang bị đặt vào thế rủi ro mà không có hàng rào an toàn đủ vững chắc.
Không thể nói rằng chúng ta không có quy định pháp luật, không có cơ chế giám sát. Vấn đề là việc thực thi còn hình thức, nặng tính chất “đối phó” và quá thụ động.
Di sản không thể tự bảo vệ được mình. Nếu không có phương án kỹ thuật, nhân lực, công nghệ giám sát thì sớm muộn sẽ lại có thêm những sự cố đau lòng.
Đây không chỉ là chuyện của một địa phương, một đơn vị bảo tồn hay một hiện vật cụ thể. Đây là câu chuyện chung về cách chúng ta đang nhìn nhận, ứng xử và bảo vệ các giá trị văn hóa của dân tộc.
Cần nhìn thẳng vào sự thật rằng: Mọi nỗ lực phục hồi sau sự cố đều không thể so sánh với việc ngăn chặn nó ngay từ đầu.
Bởi vì với di sản, nhất là bảo vật quốc gia khi đã mất, đã gãy, đã hỏng thì không gì có thể trở lại nguyên vẹn như ban đầu. Và trong khi chúng ta còn mãi loay hoay với các văn bản sau sự vụ, thì di sản vẫn đang nằm chờ rủi ro kế tiếp.
VIỆT LINH