Vùng biển chung quanh cụm đảo Hòn Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) nằm trong khu bảo tồn biển Cà Mau.
Sáng 12/11, đại diện Chi cục Kiểm ngư tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau vừa ký ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch quản lý khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau giai đoạn 2025-2030 với tổng nhu cầu kinh phí dự kiến thực hiện gần 279 tỷ đồng.
Kế hoạch nêu trên thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Cà Mau nhằm thực hiện quản lý, bảo vệ và bảo tồn nguồn lợi thủy sản, các loài sinh vật biển, loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, loài có giá trị kinh tế, khoa học sống trong khu bảo tồn; bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế biển.
Trong giai đoạn 2025-2030, các đơn vị chức năng tại Cà Mau sẽ triển khai nhiều hoạt động trong khu bảo tồn biển, qua đó giúp duy trì chức năng các hệ sinh thái và chất lượng nơi sinh cư của các loài sinh vật; tăng mức độ bổ sung cho quần đàn của các loài sinh vật sinh sống chung quanh khu bảo tồn biển; giảm thiểu hoặc loại bỏ những tác động làm suy giảm chất lượng môi trường, cấu trúc của hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản và tài nguyên thiên nhiên.
Cùng với đó là bảo vệ, phục hồi và phát triển quần thể của các loài sinh vật đặc hữu, quý hiếm có giá trị bảo tồn, như: Thằn lằn đuôi vàng (Cnemaspis psychedelica); sóc bông Hòn Khoai (Callosciurus honkhoiensis); bồ câu nicobar (Caloenas nicobarica); đại bàng biển bụng trắng (Haliaeetus leucogaster); tôm hùm đá (Panulirus homarus); trai bàn mai (Atrina vexillum); trai ngọc nữ (Pteria penguin)…
Theo ông Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm ngư tỉnh Cà Mau, để bảo đảm thực hiện đạt các mục tiêu đề ra trong khu vực bảo tồn biển, tới đây, sẽ triển khai đóng mới 2 tàu kiểm ngư (dài 26m, rộng 6,25m, vận tốc lớn nhất (đầy tải) đạt 25 hải lý/giờ) để phục vụ thực hiện công tác thực thi pháp luật trên biển.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động 100% doanh nghiệp, cộng đồng ngư dân các địa phương có hoạt động du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản,… trong khu vực khu bảo tồn biển ký cam kết tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn vốn cho việc: Thả rạn nhân tạo làm nơi trú ẩn, sinh trưởng cho các loài thủy sản; tăng cường các hoạt động nghiên cứu để phục vụ việc bảo tồn (hình thức bảo tồn chuyển vị) các loài quý hiếm như rùa biển, sam, tôm hùm đá...; đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, giám sát, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; thả phao ranh giới các phân khu chức năng của khu bảo tồn biển, ưu tiên cho phân khu bảo vệ nghiêm ngặt tại cụm đảo Hòn Khoai, cụm đảo Hòn Chuối và cụm đảo Hòn Đá Bạc...
Như Báo Nhân Dân trước đó đã đưa tin, Cà Mau đã thành lập Khu bảo tồn biển rộng 27.000ha, trải dài từ đông sang tây trên vùng ngư trường trọng điểm của Cà Mau, bao gồm vùng biển chung quanh các cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đá Bạc.
Trong đó, diện tích các phân khu chức năng 18.000ha (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 3.000ha, phân khu phục hồi sinh thái 11.230ha và phân khu dịch vụ-hành chính 3.970ha) và vùng đệm 9.000ha.
HỮU TÙNG