Bảo vệ cây xanh

Bảo vệ cây xanh
2 giờ trướcBài gốc
Những cây xanh bị chặt nói trên thuộc diện có đánh số - tức là những cây gỗ quý, hoặc không đánh số đối với những cây bình thường. Việc chặt hạ cây xanh đã từng diễn ra với số lượng lớn, như khi làm cầu Thủ Thiêm 2, tuyến metro số 1; sắp tới, khi thực hiện tuyến metro số 2, dự kiến có hơn 400 cây xanh bị đốn hạ. Như vậy, gần như có công thức chung: khi thi công công trình, nếu có cây xanh bị vướng thì chặt đi là dễ nhất. Ngay cả trong trường hợp bứng cây để đi dưỡng, sau đó cây phát triển tươi tốt rồi thì cũng không biết để làm gì nữa, như trường hợp những cây xanh bị ảnh hưởng bởi dự án cầu Thủ Thiêm 2 mà Báo SGGP đã đề cập.
Sau khi Báo SGGP đăng tin, bài phản ánh về tình trạng đốn hạ cây xanh khi làm mới vỉa hè, UBND TPHCM đã 2 lần ban hành văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề này. Gần đây nhất, vào ngày 11-4, UBND TPHCM đã yêu cầu “Sở Xây dựng chỉ đạo Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp xâm hại cây xanh theo đề nghị của Thanh tra Sở GTCC”. Thế nhưng, tới thời điểm này, các cơ quan liên quan vẫn chưa công bố các đơn vị thi công như vậy có sai phạm gì không.
Tất cả những dữ kiện nêu trên cho thấy có tình trạng xem nhẹ việc giữ gìn, phát triển cây xanh đô thị trong lòng thành phố. Điều đó cũng gián tiếp giải thích tại sao chỉ tiêu cây xanh tại TPHCM chỉ loanh quanh ở mức từ 0,7-0,9m2/ người, trong khi quy chuẩn quốc gia đòi hỏi phải từ 4-7m2/người. Trong khi đó, tại thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), những hàng cây cổ thụ được giữ gìn, bảo quản hết sức bài bản, công trình xen lẫn với cây xanh. Ở quốc gia lân cận với chúng ta là đảo quốc Singapore, cây xanh dày đặc, như thành phố trong rừng, đúng nghĩa là thành phố đáng sống.
Vậy làm thế nào để TPHCM giữ gìn cây xanh để bảo vệ môi trường sống cho siêu đô thị này? Theo các chuyên gia đô thị, trước mắt, chính quyền cần thực thi các quy định pháp luật đối với những trường hợp xâm hại cây xanh. Nghị định 16/2022/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành năm 2022 quy định phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ, dịch chuyển, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh khi chưa được cấp phép. Thực hiện nghiêm quy định này sẽ tăng tính răn đe đối với sai phạm, nâng cao ý thức bảo vệ cây xanh.
Về giải pháp căn cơ, cần xem xét thành lập Hội đồng quản lý cây xanh. Hội đồng bao gồm những nhà chuyên môn, đơn vị quản lý, chính quyền phường, xã và người dân địa phương. Trước khi một cây xanh nào trong đô thị bị đốn hạ vì thực hiện dự án hạ tầng hay có nguy cơ gãy, ngã đổ thì đơn vị quản lý phải nghiên cứu kỹ để giải trình chi tiết, cụ thể, nói rõ nguyên nhân, sau khi được thông qua thì mới triển khai.
Như vậy, việc đốn hạ cây xanh sẽ công khai minh bạch, có lý do cụ thể, được người dân ủng hộ, tránh kiểu làm “tù mù” như hiện nay. Tiếp đó, phải áp dụng tiến bộ khoa học vào việc chăm sóc, quản lý cây xanh như các nước tiên tiến đang làm. Nhờ đó sẽ biết rõ “sức khỏe” của từng cây, sẽ có giải pháp xử lý kịp thời nếu cây có nguy cơ gãy đổ gây mất an toàn; hoặc có giải pháp chăm sóc kịp thời nếu cây bị bệnh.
QUỐC HÙNG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/bao-ve-cay-xanh-post795977.html